Nam Định: Tích cực hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ ba, 12/09/2023 17:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trên tinh thần bám sát các nội dung tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg và Thông tư số 152/2015/TT-BTC, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh triển khai công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn; trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Với quyết tâm xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng khang sang, hiện đại; đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; đồng thời, góp phần vì mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới, tỉnh Nam Định đã nỗ lực đẩy mạnh triển khai công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng (Quyết định số 46) và Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng (Thông tư số 152). 

 Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được tỉnh Nam Định tích cực thực hiện

Cụ thể, theo Quyết định số 46, đối tượng được áp dụng là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cũng theo Quyết định số 46, nguyên tắc hỗ trợ là: Người học đăng ký tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được lựa chọn nghề học, cơ sở đào tạo. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo đối với người học được thực hiện thông qua cơ sở đào tạo tổ chức khóa đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.

Ngoài ra, mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách quy định tại quyết định này. Những người đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định tại quyết định này. Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách quy định tại quyết định này, nhưng tối đa không quá 03 lần.

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 152, người học được hỗ trợ đào tạo cần đảm bảo một số điều kiện; trong đó, tuổi lao động của nữ từ đủ 15-55 tuổi; nam từ đủ 15-60 tuổi, có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn; trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải đủ 14 tuổi; những người không biết đọc, viết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề và phải đủ sức khoẻ phù hợp với ngành nghề cần học. Đồng thời, có phương án tự tạo việc làm sau học nghề đảm bảo tính khả thi theo xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc được đơn vị sử dụng lao động cam kết tuyển dụng hoặc có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm sau học nghề.

  Dạy nghề trồng nấm rơm cho lao động nông thôn.

Đối với lao động nông thôn, người lao động cần có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi. Đối với người khuyết tật cần có giấy xác nhận khuyết tật hoặc thẻ xác nhận là người khuyết tật hoặc sổ lĩnh trợ cấp hàng tháng. Đối với lao động bị mất việc làm, cụ thể trong trường hợp làm việc theo hợp đồng cần có một trong các giấy tờ sau: Quyết định thôi việc, buộc thôi việc; quyết định sa thải; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Trường hợp làm việc không theo hợp đồng: Giấy xác nhận của người sử dụng lao động. Trường hợp tự tạo việc làm: Giấy đăng ký kinh doanh còn hiệu lực hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (trong trường hợp không có giấy đăng ký kinh doanh).

Ngoài ra, đối với người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm thì ngoài các giấy tờ nêu tại Khoản 5 Điều này cần bổ sung thêm chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo trước đó. Đặc biệt, đối với người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh cần có Quyết định thu hồi đất còn trong thời hạn được hỗ trợ quy định tại Điều 4 Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất (gọi là Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg). 

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 23 nghìn lao động nông thôn, số lao động đã hoàn thành nội dung khóa học và được cấp chứng chỉ đạt 21.132 người, chiếm 91,6% trong tổng số học viên tham gia học nghề. Nhóm nghề nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo chủ yếu: chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng; chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; trồng cây lương thực thực phẩm; nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch; nghề nuôi tôm, cua biển, ngao; trồng nấm; chăm sóc, uốn, cắt tỉa cây cảnh; trồng rau...

Năm 2022, Sở LĐ-TB và XH Nam Định đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bám sát kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 35.011 lượt người lao động (đạt 109,41% kế hoạch năm, tăng 545 lượt người so với năm 2021). Tuyển sinh dạy nghề được 35.200 người (trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 2.967 người) đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,74% xuống còn 1,32% (giảm 0,42% đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND giao). Tỷ lệ hộ nghèo (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm 2,01% (từ 6,78% xuống còn 4,77%).

Nghề mây tre đan góp phần giải quyết việc làm cho lao động lúc nông nhàn ở huyện Hải Hậu. 

Hiện nay, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn nước ta tương đối dồi dào, song hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn mang tính tự phát, chồng chéo, chưa gắn với việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó hiệu quả chưa cao. Đứng trước những khó khăn, hạn chế đó, thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện hiệu quả các nội dung tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg và Thông tư số 152/2015/TT-BTC. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn; tạo công ăn việc làm cho người lao động; từng bước tiến tới xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực