Niềm vui bình dị của người làm công tác về giới và phòng chống bạo lực gia đình

Thứ ba, 28/06/2022 16:05
(ĐCSVN) – Với những người làm công tác về giới và phòng chống bạo lực gia đình, điều họ cảm thấy vui nhất chính là sự thay đổi của những người trong cuộc, là hạnh phúc bình dị của những người chồng, người vợ sau những va vấp trong hôn nhân.

Gần 12 năm làm việc về lĩnh vực giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, anh Lê Xuân Đồng – Cán bộ điều phối, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam vẫn giữ được nhiệt huyết và đam mê với công việc của mình.

Những ngày trung tuần tháng 6, anh Lê Xuân Đồng vẫn bận rộn với những chuyến đi, những kế hoạch của cán bộ điều phối dự án để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình. Bận rộn là vậy nhưng khi “chạm” đến nghề của mình, anh chợt vui vẻ và tràn đầy cảm hứng khi chia sẻ với chúng tôi.

Anh cho biết, điều anh cảm thấy vui nhất chính là sự thay đổi của những người trong cuộc, là hạnh phúc bình dị của những người chồng, người vợ sau những va vấp trong hôn nhân. Anh vui vì công việc của mình đã tạo ra thay đổi nhận thức của người yếu thế trong xã hội, người thiệt thòi ở các vùng miền, giúp họ sống an toàn và ý nghĩa hơn. “Hạnh phúc của nghề trong tôi cũng từ đó nhân lên”, anh Lê Xuân Đồng chia sẻ.

leftcenterrightdel
Anh Lê Xuân Đồng – Cán bộ điều phối, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam 

Phòng chống bạo lực giới mang lại những lợi ích cho cả nam, nữ và cộng đồng

“Tôi cho rằng vấn đề giới ở Việt Nam cần tác động hơn nữa đến nam giới. Ở Việt Nam hiện nay rất hiếm chương trình làm việc với nam giới trong việc nâng cao bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Việt Nam cũng chưa có chương trình quốc gia nào với nam giới trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới” – anh Lê Xuân Đồng cho biết.

Theo anh Lê Xuân Đồng, thực tế, nam giới không chỉ là người gây ra bạo lực, mà họ còn là nạn nhân bị bạo lực, nhiều nam giới gây bạo lực cho biết, hành vi bạo lực hiện tại của họ có mối liên hệ với những bất lợi thời thơ ấu như chứng kiến bạo lực hoặc bị bạo lực… Tuy nhiên họ không được hỗ trợ và chỉ bị xử lý khi họ gây bạo lực. Ngoài ra, chúng ta cần hiểu rằng, hành vi bạo lực xuất phát từ người gây bạo lực mà phố biến là nam giới. Vì vậy, để phòng ngừa bạo lực cần tác động đến đối tượng làm chủ hành vi bạo lực, thay vì chỉ tập trung vào người bị bạo lực. Nam giới vừa là nguyên nhân nhưng chính họ cũng là giải pháp để chấm dứt bạo lực.

“Hầu hết các sự kiện, chương trình liên quan đến giới và bạo lực gia đình, nam giới tham gia rất ít, rất hiếm và đã có nhiều người cho rằng bình đẳng giới giống như một cuộc chiến giữa nam và nữ vậy, tôi cũng đã từng bị nhiều người kỳ thị rằng, tôi đang “tranh việc phụ nữ”. Phải làm sao để mọi người trong xã hội nhận thức được rằng, bình đẳng giới là câu chuyện của cả nam và nữ và thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới mang lại những lợi ích cho cả nam nữ và cộng đồng. Chúng ta cũng cân nhắc việc đưa ra khái niệm về bình đẳng giới một cách dễ hiểu với văn hoá và bối cảnh của Việt Nam hơn, để khi tiếp cận khái niệm mọi người đều thấy dễ hiểu, thấy lợi ích của chính mình trong đó. Ngoài ra, cũng cần tạo ra những không gian và cơ hội để nam giới tham gia và kiến tạo về bình đẳng giới. Một khi bình đẳng giới hay phòng ngừa bạo lực giới trở thành câu chuyện chung, mục tiêu chung thì chúng ta sẽ thực hiện điều đó hiệu quả hơn” – anh Lê Xuân Đồng nhấn mạnh.

Thay đổi để giữ gìn hạnh phúc gia đình

12 năm làm trong lĩnh vực giới, mỗi câu chuyện anh Đồng gặp trong những chuyến đi lại có ý nghĩa, ấn tượng và cảm xúc khác nhau. Anh Lê Xuân Đồng nhớ lại: “Tôi gặp một nam giới trong CLB “Những người đàn ông trách nhiệm” vào năm 2012. Người đàn ông đó tên Trà, sinh năm 1973 tại Nghệ An. Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, anh đã bị người cha nghi ngờ, chối bỏ. Mới học lớp 10, cậu học sinh giỏi cấp huyện đã bị bố tìm cớ đuổi ra khỏi nhà. Ăn đói, mặc rách hơn 10 năm trời, anh phải duy trì sự sống bằng cách đi ăn chực, ăn vụng, thậm chí là ăn trộm của người dân để lấp đầy cái bụng. Lúc ấy, anh còn cha mẹ nhưng chẳng khác gì trẻ mồ côi, thân hình ốm yếu, phải lang thang ngủ bờ ngủ bụi. Ước muốn được làm người bình thường, được sống lương thiện, được gia đình yêu thương, có chỗ ăn, ngủ tử tế… là ước mơ xa vời với anh Trà. Cuộc đời anh Trà dường như không có lối thoát, cùng cực, tủi nhục đến tận cùng.

leftcenterrightdel
Một buổi tập huấn nâng cao nhận thức về giới và phòng chống bạo lực gia đình 

Bản thân anh Trà bị bạo lực gia đình trong nhiều năm trời, khi lấy vợ anh Trà bị ám ảnh bởi quá khứ, lại như người bố trước đây từng đánh mẹ tàn nhẫn, rồi đánh đuổi con mình. Nhiều lần anh Trà đã đánh vợ gây thương tích, không ít lần vợ anh quá sợ hãi, muốn bỏ nhà đi.

Năm 2012, anh được động viên anh tham gia CLB “Những người đàn ông trách nhiệm”, được trò chuyện và chia sẻ trong một không gian an toàn, thấu cảm. Anh Trà và nhiều nam giới gây bạo lực trong CLB đã chia sẻ với nhau những khó khăn khi làm chồng làm cha, những trải nghiệm về bạo lực gia đình. Anh Trà cũng được cung cấp các kiến thức, kỹ năng để nhận diện niềm tin, quan điểm tác động đến hành vi bạo lực của bản thân và cách thức để thay đổi và thực hiện hành vi mới. Anh đã hiểu ra sai lầm với vợ con. Đến nay, anh là thành viên tích cực của CLB, dùng chính câu chuyện của mình chia sẻ đến nhiều địa phương khác để giúp những người chồng như mình hiểu ra giá trị đích thực của cuộc sống. Một gia đình không có bạo lực, thay vào đó là yêu thương dành cho nhau để có một gia đình hạnh phúc, yên ấm.

“Càng đi nhiều, tôi càng thấy những khó khăn về vấn đề phòng ngừa bạo lực giới ở các địa phương. Nhưng những câu chuyện như anh Trà giống như “khoảng lặng” trong hành trình đi tìm sự hàn gắn mối quan hệ vợ chồng, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình ở các địa phương. Những “khoảng lặng” ấy giúp tôi mỗi ngày gom nhặt thêm niềm hạnh phúc và đam mê với nghề mình chọn” - Anh Lê Xuân Đồng tâm sự với vẻ đầy hứng khởi, dẫu biết con đường phía trước để đến đích còn rất dài và rất xa…/.

Bài, ảnh: Phương Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực