|
Nhiều làng nghề sản xuất xả thải trực tiếp ra kênh, mương gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa: BL |
Nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom, XLNT
Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà các làng nghề đã và đang đem lại, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển một số làng nghề đã bộc lộ những tồn tại, đặc biệt là hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia vừa được Bộ TN&MT công bố vào giữa tháng 11/2021, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các làng nghề hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR) cũng như hệ thống xử lý nước thải (XLNT).
Báo cáo công tác BVMT của Bộ NNPT&NT năm 2020 cũng chỉ rõ, có 16,1% làng nghề có hệ thống XLNT tập trung đạt yêu cầu về BVMT; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom CTR công nghiệp chỉ đạt 20,9%. Nước thải từ làng nghề thường thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, tác động xấu tới cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, xả ra các kênh, mương vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, dẫn đến nước thải không lưu thông, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Cùng với đó, nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề phát sinh chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế kim loại, nhựa. Quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn…đã làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2 , hơi axit và kiềm. Điển hình là làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội), làng nghề đúc đồng Đại Bái (tỉnh Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (tỉnh Nam Định)…
Đáng chú ý, trong số 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, khu vực miền Bắc có số lượng lớn nhất với 34 làng nghề (chiếm 72,3%), khu vực miền Trung có 11 làng nghề (chiếm 23,4%) và khu vực miền Nam có 2 làng nghề (chiếm 4,3%); trong đó, các làng nghề như: chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và CTR gây ô nhiễm mùi cũng đã tạo nên các khí ô nhiễm như SO2, NO2, H2S, NH3; làng nghề ươm tơ, dệt, nhuộm vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi các khí SO2, NO2; làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm.
Với thực trạng ô nhiễm như hiện nay, các chuyên gia đánh giá nguyên nhân là do đặc thù sản xuất, khu vực làng nghề chỉ quan tâm, chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm thỏa đáng tới vấn đề bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động. Nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít.
Thêm vào đó, hầu hết các hộ làm nghề trên cùng diện tích sinh sống của gia đình, xen kẽ trong khu dân cư nên mặt bằng hạn chế, dẫn đến việc phân khu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải ra môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn…
Đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng trong BVMT
Đánh giá thêm về thực trạng công tác bảo vệ môi trường trong những năm qua, các chuyên gia cho rằng, so với giai đoạn 2011 - 2015 công tác BVMT tại các làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến. Tại các làng nghề, một số mô hình xử lý chất thải đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm môi trường như: làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, tỉnh Bến Tre; làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; làng nghề sản xuất gạch thủ công xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp...
Nhiều làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường như: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội; làng nghề bánh đa Kế, thành phố Bắc Giang; làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang…
Ðể khắc phục những bất cập về môi trường, nhiều địa phương cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật môi trường; hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường; ban hành nhiều đề án, dự án phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề; kết hợp đầu tư phát triển với thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quy định bảo vệ môi trường làng nghề, bước đầu đạt được một số kết quả nhưng chưa được như kỳ vọng.
GS.TS. Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường và TS. Nguyễn Hoàng Ánh, Tổng cục Môi trường về bảo vệ môi trường làng nghề cho biết: Cùng với sự phát triển đất nước, các làng nghề truyền thống những năm gần đây đã chuyển mình mạnh mẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân. Song đằng sau đó lại là biết bao hệ lụy lâu dài về sức khỏe, về môi trường mà chính bản thân những người dân làng nghề phải gánh chịu trước tiên. Bởi vậy, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường làng nghề một cách bền vững luôn là bài toán khó với các nhà chuyên môn, các cấp quản lý. Từ thực tế trên cho thấy, cần đưa ra giải pháp để có thể cân bằng được 2 yếu tố phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường làng nghề.
Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 577/QĐ-TTg phê duyệt Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định danh mục và mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng trên cả nước.
Cùng với đó, Luật BVMT năm 2020 mới được ban hành đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và cơ sở sản xuất trong công tác BVMT làng nghề nhằm theo dõi, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường tại làng nghề; đặc biệt tích hợp nội dung về công tác BVMT nông thôn thành một điều khoản riêng (Điều 58), trong đó, lấy chất lượng môi trường nông thôn là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Theo Dự thảo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030, phải từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; đặc biệt là môi trường làng nghề.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đó, Dự thảo Chiến lược cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của môi trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, công khai, minh bạch thông tin và đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng; ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường./.