Quảng bá ẩm thực cần gắn với bản sắc dân tộc

Thứ năm, 25/05/2023 16:39
(ĐCSVN) - Quảng bá ẩm thực vùng miền gắn với bản sắc dân tộc trên các trang báo, trang mạng xã hội luôn cần thiết, tạo cơ hội cho người dân được trải nghiệm về những món ăn mới lạ, hấp dẫn. Từ đó, góp phần tăng khả năng kích cầu du lịch mọi miền.

Thời gian gần đây, trên các trang báo, trang cá nhân như facebook, tiktok, youtube, zalo…lan truyền về một món ăn dân dã mang tên “Gỏi gà măng cụt”. Từ đó, độc giả, cư dân mạng nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu, bình luận, chia sẻ về món ăn này. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, món gỏi gà măng cụt đã có sức hút, được nhiều người biết đến. 

Theo thông tin, món gỏi gà măng cụt có nguồn gốc từ vùng Lái Thiêu (Bình Dương). Đây là món ăn dân dã của người dân, được chế biến trên cơ sở sử dụng những trái măng cụt còn xanh non, được hái bớt hoặc bị rụng sau mưa bão, dùng phần lõi có vị chua thanh thái lát rồi nộm với thịt gà xé kèm theo các loại rau thơm và gia vị. Đây tuy không phải là món ăn truyền thống nhưng được người dân chế biến sử dụng trong bữa ăn hằng ngày.

 Món gỏi gà măng cụt độc đáo, lạ miệng, hấp dẫn người trải nghiệm. Ảnh: songkhoe.medplus.vn

Việc giới thiệu, truyền thông món gỏi gà măng cụt được đăng tải trên các trang báo, trang cá nhân đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong quảng bá về ẩm thực vùng miền. Sau các loạt bài đăng về món ăn này, du khách mọi miền đã có xu hướng lựa chọn những địa điểm du lịch sẽ có cơ hội để trải nghiệm món gỏi măng cụt. Từ đó, góp phần tăng sự kích cầu về du lịch đối với tỉnh Bình Dương cũng như đối với các vùng lân cận có trồng diện tích lớn cây măng cụt. Lượng khách dừng chân ở các khu vực này tăng khá mạnh, nhu cầu được tìm hiểu, thưởng thức món gỏi gà măng cụt cũng từ đó ngày càng cao, tạo cơ hội tăng chất lượng phục vụ và thu nhập cho các dịch vụ du lịch. Đồng thời, đây cũng là cơ hội hé mở cho các nhà vườn, các chủ nông trại cùng người nông dân chuyển đổi kết hợp hướng trồng, thu hoạch cũng như tìm đầu ra cho trái măng cụt ngay từ khi còn xanh non.

Đặc biệt, khi clip giới thiệu về món gỏi gà măng cụt được đăng tải trên các trang mạng xã hội, nhiều người mong muốn được thưởng thức món ăn mới lạ, khá độc đáo và hấp dẫn này. Nhiều người còn mua măng cụt về, tự tay làm món gỏi để thưởng thức. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một bộ phận người dân sử dụng facebook, tiktok, youtube, zalo…tuy chưa am hiểu nhiều về nguồn gốc, công thức chế biến, giá trị dinh dưỡng của món ăn nhưng đã sử dụng nó tạo ra những clip hài hước, tự chế biến gỏi rồi diễn xuất khá vụng về khi thể hiện trên trang cá nhân của mình. Mục đích của việc làm này chủ yếu nhằm thu hút, tăng lượt xem, lượt theo dõi, lượt chia sẻ. Chính vì thế, người xem dễ rơi vào hiệu ứng lan truyền cho các trang cá nhân mà mình đang theo dõi. Bên cạnh đó, từ món gỏi gà măng cụt, ở đâu đó, người dân lại biến tấu, sáng tạo ra các món gỏi khác như gỏi gà hoa phượng, gỏi dâu da…để tiếp tục trào lưu về gỏi.

Trên thực tế, việc giới thiệu, quảng bá vốn văn hóa ẩm thực, trong đó có các món ăn ở nhiều vùng miền khác nhau là rất cần thiết, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, người dân sẽ được giới thiệu, biết về các món ăn mặc dù chưa một lần được thưởng thức. Khách du lịch trong và ngoài nước nhờ đó mà tìm hiểu, cũng cũng như thấy được sự đa dạng, phong phú của ẩm thực Việt. Tuy nhiên, việc đưa món ăn lên mạng theo kiểu trào lưu để tạo hiệu ứng sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến giá trị vốn có của các món ăn. Đặc biệt, người giới thiệu, sử dụng món ăn để quảng bá cần phải có sự am hiểu, kiến thức về món ăn để tránh những phát ngôn đáng tiếc về cách nhìn nhận giá trị của món ăn, cách gọi tên, so sánh món ăn. 

Hơn nữa, việc nghĩ ra và chế biến các món ăn mới theo kiểu hiệu ứng nếu không đúng cách và phản khoa học trong sự kết hợp các nguồn nguyên liệu không rõ ràng về giá trị dinh dưỡng sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với người dùng. Hơn nữa, sau trào lưu, biết đâu, người dân lại thấy được lợi ích trước mắt, đầu tư vào khai thác, thu hoạch nguồn nguyên liệu khi chưa đến mùa vụ, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sinh trưởng và phát triển của nguồn nguyên liệu.  

Theo thạc sĩ Trương Chí Hùng, giảng viên khoa Sư phạm, Đại học An Giang cho biết: “Các món gỏi mới xuất hiện cần phải được nghiên cứu, đánh giá về an toàn thực phẩm, tránh những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe vì những kết hợp có phần mới lạ của món ăn. Món gỏi gà măng cụt cần nghiên cứu xem việc thu hoạch trái măng cụt non hàng loạt có ảnh hưởng gì đến sinh trưởng của cây, đến năng suất vụ mùa sau hay không. Rất cần các nhà chuyên môn sớm nghiên cứu để đưa ra khuyến cáo khoa học cho bà con”.

Nhìn từ góc độ quảng bá, giới thiệu ẩm thực trên mạng xã hội, sinh viên ngành ẩm thực Nguyễn Quang Trung, Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội cho rằng: “Cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay rất nhanh nhạy với những hiệu ứng mới lạ, những trào lưu trên mạng. Việc giới thiệu, quảng bá món ăn là rất cần thiết tuy nhiên, khi qua các trang mạng chắc chắn sẽ để lại tác động hai mặt. Vì thế, người truyền thông về món ăn cần nắm vững kiến thức, thể hiện văn hóa khi nói về một món ăn cụ thể, tránh những hệ lụy đáng tiếc khi phát ngôn về món ăn mà mình không hiểu biết”.

“Ẩm thực gắn liền với văn hóa bản địa của cư dân mỗi vùng. Các món ăn mang trong đó hồn cốt văn hóa của dân tộc, quan niệm nhân sinh và những giá trị bền vững. Việc sáng tạo ra món ăn mới trong cuộc sống thường ngày là rất cần thiết và quảng bá món ăn đến nhiều vùng miền khác nhau sẽ kích cầu du lịch rất hiệu quả”. Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi (Lào Cai) chia sẻ.

Thiết nghĩ, khi giới thiệu, quảng bá các món ăn đến các vùng khác qua nhiều hình thức khác nhau là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về vốn văn hóa ẩm thực của địa phương. Hình thức giới thiệu trên mạng nên ở mức độ vừa phải, tránh gây hiệu ứng không tốt, đặc biệt là những biến tấu, phát ngôn gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và văn hóa các vùng miền./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực