Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Thứ năm, 24/11/2022 11:08
(ĐCSVN) - Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường linh hoạt, hiện đại, bền vững, phát triển, nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung cầu lao động, góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua. 

Tại kỳ họp này, trong phiên thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023  nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại trước một "nốt trầm", một nghịch lý đang diễn ra: đó là năng suất lao động chưa cao, trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng tăng. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt trong năm 2022, thậm chí thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2021. 

Đào tạo nghề chất lượng cao góp phần quan trọng cung ứng nhân lực cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động 

Cải thiện năng suất lao động là trọng tâm, cốt lõi

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) nhấn mạnh kết quả đạt được rất đáng lo ngại, bởi đây là chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nhanh, bền vững đất nước. “Với mức tăng này không chỉ thấp hơn giai đoạn vừa qua mà còn khó thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực” – đại biểu nói.

Theo đại biểu, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động, nhưng hiện nay nguồn nhân lực của nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, chất lượng tuy có sự cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ước đạt 27%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt trên 50%. Bên cạnh đó, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc làm chủ công nghệ của chúng ta cũng đang thấp thua so với các nước.

Từ thực tế tình hình nêu trên, đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể, nỗ lực lớn hơn trong việc cải thiện năng suất lao động. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ thực trạng tình hình, làm rõ nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu; quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp hiệu quả, tạo đột phá về tăng năng suất lao động trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội đất nước. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, sớm khắc phục tình trạng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn như hiện nay.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cũng cho rằng, năng suất lao động xã hội có thể xem là yếu tố chủ chốt để đánh giá chất lượng của một mô hình kinh tế. Việc cải thiện năng suất lao động tuy được đặt vào trọng tâm của các chính sách dài hạn, kế hoạch 5 năm nhưng cũng cần có những quyết sách trong kế hoạch hàng năm. 

Vấn đề cải thiện năng suất lao động là trọng tâm, cốt lõi của việc nâng cấp trình độ sản xuất quốc gia, đạt được các mục tiêu về phát triển chiều sâu cũng như thoát bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị Chính phủ cần có những phân tích sâu hơn về nguyên nhân, hạn chế và xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch hành động quyết liệt để đạt được các mục tiêu cho từng giai đoạn. Trong đó, cần giải quyết các yếu tố đầu vào của việc gia tăng năng suất lao động như chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ và môi trường sản xuất, chuyển đổi số. Xem đây là những điểm đột phá để thay đổi phương thức hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân, cải thiện năng suất chung của toàn xã hội.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp 

Liên quan đến vấn đề này, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian qua có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng. Tỷ lệ người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình và người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn. 

Điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường. Tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ đào tạo được tăng lên. Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh. 

“Chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí...” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết. 

Đặc biệt, tại cuộc thi tay nghề thế giới diễn ra ngày 17/10, Việt Nam đã đạt 2 Huy chương Bạc, đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Phạm Thắng 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhìn nhận, lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp. Lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp. 

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển. Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường linh hoạt, hiện đại, bền vững, phát triển, nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung cầu lao động, góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động. 

Đồng thời đầu tư các chương trình đầu tư công, phát triển các trường, các trung tâm chất lượng cao. Khẩn trương hoàn thiện, tiếp nhận chuyển giao các chương trình đào tạo chất lượng cao hàng đầu thế giới, nhất là của Đức. Thực hiện đào tạo kép cơ chế doanh nghiệp nhà nước và người học cùng tham gia, nỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành. 

“Nhất quán chủ trương phân luồng sớm, phân luồng mạnh, nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng về chỉ tiêu tăng năng suất lao động, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, năm 2022, dự kiến tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. 

Cho rằng vấn đề này có rất nhiều nguyên nhân, do cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chất lượng lao động, trình độ khoa học, công nghệ… , Bộ trưởng cho biết tới đây, Bộ sẽ xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động và nỗ lực hơn nữa để cải thiện tình trạng này./.

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực