Thái Nguyên: Thiết thực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba, 24/05/2022 09:57
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thấm nhuần quan điểm của Đảng về công tác dân tộc, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc thực hiện các chính sách dân tộc, qua đó, thiết thực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Với trên 72% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Võ Nhai được biết đến là địa phương dẫn đầu của tỉnh Thái Nguyên trong chăm lo phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, huyện Võ Nhai đã huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bám sát điều kiện địa phương, huyện Võ Nhai đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Một mặt, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân; mặt khác, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được địa phương khai thác có hiệu quả.

Công trình nước sạch sinh hoạt phục vụ đồng bào dân tộc Mông ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Minh Phương).

Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Võ Nhai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm qua các năm. Nếu như năm 2016 toàn huyện có 6.042 hộ nghèo, chiếm 31,86%, thì đến nay số hộ nghèo giảm còn 13,63%. Hiện nay, hầu như các xóm, bản vùng đồng bào DTTS đã có đường bê tông; trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 95% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Chị Vàng Thị Mảy ở xóm Làng Giai, xã La Hiên, huyện Võ Nhai chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, đời sống và thu nhập của bà con trong xóm đã được nâng lên. Có thêm thu nhập, mọi người yên tâm phát triển sản xuất, chăm lo con cái học hành, phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn”.

Tìm hiểu được biết, không chỉ riêng huyện Võ Nhai mà ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, việc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, thực hiện có hiệu quả.Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với trên 384 nghìn người gồm các dân tộc như Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa… Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hằng năm, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng.

Một trong những chương trình mang lại dấu ấn tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc ở Thái Nguyên đó là “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi” (còn gọi là Chương trình 135). Chương trình đã mang đến sự đổi thay tích cực cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh. Kết quả, số vốn thực hiện từ năm 2013 - 2020 là trên 783 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đầu tư xây dựng trên 800 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt;...

 Nhiều tuyến đường giao thông đến các xóm, bản vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên đã được đầu tư xây dựng mới. (Ảnh: Kim Oanh).

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 14 xã và 142 xóm đặc biệt khó khăn, có 66/110 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 65%), tỷ lệ cao gấp 3 lần bình quân chung vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn quốc; 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia… Công tác cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh đạt trên 98%.

Theo đồng chí Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đem lại hiệu quả thiết thực, cơ sở hạ tầng được cải thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là hệ thống đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế... Các chính sách dân tộc đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực khó khăn có điều kiện sớm thoát nghèo và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, việc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn những hạn chế nhất định. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc của các địa phương trong tỉnh chưa đồng đều; việc phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn chưa thực sự chặt chẽ, liên tục; một số mô hình, dự án triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa mang lại hiệu quả như mong đợi; công tác tuyên truyền có thời điểm thiếu thường xuyên, số ít đồng bào dân tộc thiểu số còn có tư tưởng ỷ lại, chưa thực sự nỗ lực vươn lên phát triển sản xuất…

Phát huy những kết quả đã đạt được, để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã hội về công tác dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên kiện toàn hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cán bộ vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường các nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; nhân rộng những mô hình hỗ trợ sản xuất hiệu quả, thiết thực giúp đồng bào nâng cao thu nhập, phát triển đời sống văn hóa xã hội. Từ đó, tăng cường niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Phượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực