Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách cho đồng bào DTTS&MN

Thứ tư, 04/01/2023 15:27
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị cùng với tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách cho đồng bào DTTS&MN, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2030...
Quang cảnh Hội nghị. 

Sáng 04/01, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2022, sơ kết 01 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xẫ hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 (Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cùng các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Y Thông, Y Vinh Tơr chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Uỷ ban và lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT. Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành uỷ, lãnh đạo UBND, lãnh đạo Ban Dân tộc, cơ quan công tác dân tộc, lãnh đạo một số sở, ban, ngành 53 tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN trên cả nước.

 Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm

Năm 2022, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào dân tộc trong việc triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội nên đời sống của đồng bào dân tộc nhìn chung ổn định và ngày càng được cải thiện.

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1% đến 1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4%-5%/năm. Một số tỉnh ước tỷ lệ giảm nghèo nhanh như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ngãi, Lạng Sơn… 

Tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng DTTS&MN cơ bản ổn định nhờ kiểm soát được dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ phát huy hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS&MN tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Mạng lưới trạm y tế tiếp tục được đầu tư xây dựng; đội ngũ y bác sỹ, giáo viên từng bước được tăng cường, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, hộ dùng nước sạch và có nhà vệ sinh tăng cao so với năm trước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới cơ bản ổn định, không phát sinh vụ việc phức tạp, nổi cộm, điểm nóng.

Cùng với đó, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố. Ban Dân tộc, Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố luôn chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách dân tộc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào DTTS, kịp thời hỗ trợ đồng bào DTTS bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh…

Về kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 3 nghìn 434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn 53 tỉnh, thành phố. Từ năm 2021, hầu hết các chính sách dân tộc được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDT&MN giai đoạn 2021-2030. Một số chính sách còn hiệu lực vẫn tiếp tục triển khai thực hiện.

Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Từ năm 2021, hầu hết các chính sách dân tộc được tích hợp vào Chương trình MTQG.

Cùng với việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS, UBDT còn tiếp tục đôn đốc thực hiện các chính sách dân tộc khác còn hiệu lực như: Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025 theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ…

Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc năm 2022 tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chính sách dân tộc, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS… Đời sống vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao, giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS so với mặt bằng chung của cả nước chậm được thu hẹp. Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS&MN vẫn còn thấp. Chất lượng xây dựng các Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn hạn chế. Hết năm 2022, còn 5/8 đề án chưa được hoàn thành phải chuyển tiếp năm 2023; có 15/48 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn, 8 nhiệm vụ chưa hoàn thành, 4 thông tư phải chuyển tiếp năm 2023…

Trong năm 2023, UBDT sẽ triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Chương trình Mục tiêu quốc gia phát KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, trọng tâm là tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện quyết định số 1719 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách dân tộc

Tại Hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu đã phát biểu khẳng định thêm những kết quả đã đạt được; nêu lên những hạn chế còn tồn tại và đề xuất các giải pháp thực hiện tốt hơn công tác dân tộc trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Công tác xóa đói giảm nghèo tuy có tiến bộ, song vẫn còn cao, giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp. Các đại biểu kiến nghị thời gian tới, tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong các chương trình công tác được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội… phê duyệt. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2025; kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh phát biểu khai mạc Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Đời sống của người dân, trong đó có người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Trong những kết quả chung đó, công tác dân tộc, chính sách dân tộc tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sát; các bộ, ngành trung ương và địa phương tích cực phối hợp thực hiện góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết: Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức triển khai Chương trình, theo đó các địa phương đã triển khai hết sức đồng bộ. Trong đó, UBDT cùng 15 bộ, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình đã hoàn thành 32/33 văn bản hướng dẫn; 60 văn bản trao đổi, quy trình… đây là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình.

“Ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045, gồm có 25 đề án, chính sách được các bộ, ban ngành triển khai. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng nhất về công tác dân tộc ngoài các Nghị quyết của Đảng và Kết luận số 65-KL/TƯ ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” – Bộ trưởng cho biết.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Trong đó, cần có sự lồng ghép các chương trình, dự án để bảo đảm được thực hiện hiệu quả và phù hợp với từng địa phương. Chú trọng hỗ trợ công tác xóa đói, giảm nghèo cho các vùng đồng bào dân tộc và miền núi còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách cho đồng bào DTTS&MN, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trong Chương trình.../.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực