Tháo gỡ khó khăn trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính

Bài 2: Cần quyết tâm lớn, giải pháp mạnh
Thứ ba, 05/07/2022 20:11
(ĐCSVN) - Bên cạnh những hiệu quả không thể phủ nhận là rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó để thực hiện thành công việc sắp xếp, sáp nhập địa giới hành chính huyện, xã, thôn, bản vùng DTTS&MN trong các năm tiếp theo đòi hỏi phải có quyết tâm lớn và giải pháp mạnh.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc sáp nhập địa giới hành chính cấp huyện, xã, thôn, bản là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Vì theo thống kê, nước ta có tới 6.191/11.160 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 55,46%) chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số.

Trước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập thì xã, thôn vùng DTTS&MN phần lớn có quy mô nhỏ, không đồng đều giữa các vùng, miền, gây cản trở, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm phân tán, giảm nguồn lực địa phương; chia, tách không gian văn hóa - xã hội; số lượng đơn vị hành chính, thôn, bản nhiều nên tổ chức bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị ở cơ sở lớn; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy và xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc ngày một tăng.

Do vậy, sắp xếp lại đơn vị hành chính là cần thiết nhưng cũng làm nảy sinh rất nhiều tác động, đến nhiều đối tượng. Để thực hiện thành công việc sắp xếp, sáp nhập địa giới hành chính huyện, xã, thôn, bản vùng DTTS&MN trong các năm tiếp theo đòi hỏi phải có quyết tâm lớn và giải pháp mạnh.

Sáp nhập đơn vị hành chính là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước vì theo thống kê, nước ta có tới 55,46% số  xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số (Ảnh minh họa)

Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, trước hết cần tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ về sự cần thiết của việc sáp nhập các đơn vị hành chính ở những nơi có điều kiện là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đó là sắp xếp gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ tiền lương mới. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị thông qua việc sáp nhập xã vào phường, thị trấn tạo tiền đề tổ chức, mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền đô thị thay chính quyền nông thôn, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với quá trình đô thị hóa diễn ra trên địa bàn. Sau sáp nhập, bộ máy mới với số lượng cán bộ, công chức phù hợp sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn…

Bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, trước đòi hỏi của thực tiễn, cần có những giải pháp để xử lý những vấn đề nảy sinh trong quá trình sắp xếp, sáp nhập.

Các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức sau khi sáp nhập. Chỉ đạo các cơ quan hành chính các cấp tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc thay đổi giấy tờ có liên quan như: sổ hộ khẩu, căn cước công dân...

Quá trình sáp nhập cần chú ý đến những đặc thù về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; trong đó cần quan tâm đến tính hài hòa giữa văn hóa truyền thống và đặc thù của mỗi vùng miền, nhất là đối với các tín ngưỡng, tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tích cực vận động quần chúng, các tín đồ, chức sắc, chức việc của các tôn giáo thực hiện tốt phong trào “Sống tốt đời đẹp đạo” để vừa làm tốt việc đạo, vừa góp phần xây dựng đất nước.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ hơn, toàn diện hơn tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính để điều chỉnh tiêu chuẩn đơn vị hành chính bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc thù của từng vùng miền, loại đơn vị hành chính và khả năng quản lý của địa phương và phù hợp với xu thế phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh. Việc sửa đổi để có tiêu chuẩn đơn vị hành chính phù hợp sẽ tạo sự ổn định cho các địa phương không phải tiến hành sắp xếp nhiều lần do chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời khắc phục những hạn chế trong sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần quy định rõ các yếu tố đặc thù trong việc thành lập, nhập, chia các đơn vị hành chính, đặc biệt là các đơn vị hành chính ở miền núi, vùng cao, đơn vị hành chính có di sản văn hóa để khắc phục những bất cập hiện nay.

Việc xác định rõ tiêu chí miền núi, vùng cao cũng sẽ là căn cứ để áp dụng tiêu chuẩn đơn vị hành chính phù hợp với điều kiện tự nhiên của các khu vực này nhằm nâng cao hiệu lực, giá trị pháp lý của văn bản quy định về tiêu chí xác định miền núi, vùng cao.

Ngoài ra, việc nhập các đơn vị hành chính, đặc biệt là đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị trong thời gian tới cũng cần có nghiên cứu, đánh giá, tổng kết để có quy định tiêu chuẩn đơn vị hành chính cho phù hợp. Chẳng hạn như cần có quy định mức tiêu chuẩn tối thiểu cho đơn vị hành chính sau khi thành lập để bảo đảm vừa khuyến khích được việc nhập các đơn vị hành chính, vừa bảo đảm các đơn vị hành chính sau khi thành lập đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

Cán bộ Bộ phận "Một cửa" xã Nậm Sỏ giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân
(Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu) 

Theo phản ánh của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, hiện tại, Chính phủ chưa có văn bản nào quy định việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư sau khi sắp xếp.

Do đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách riêng nhằm đảm bảo quyền lợi, đồng thời khuyến khích những người đã cống hiến lâu năm và có nguyện vọng sẽ được nghỉ hưu trước tuổi do sắp xếp đơn vị hành chính. Bởi lẽ sau sắp xếp, việc bố trí số cán bộ dôi dư cấp xã vào công chức cấp huyện, cấp tỉnh hoặc đơn vị sự nghiệp là rất khó thực hiện, vì các cơ quan, tổ chức này đã hết biên chế và cũng đang phải thực hiện chủ trương tinh giản.

Bộ Nội vụ cũng cần có cơ chế riêng đối với trường hợp chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh để thuận lợi trong quá trình thực hiện điều chuyển. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định về chức danh, số lượng và mức phụ cấp cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi sáp nhập. 

Quan tâm triển khai thực hiện tốt Thông tư số 49/2012/TT-BTC ngày 20/3/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí hoạt động của chi hội thuộc các tổ chức chính trị - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn.

Tiếp tục hoàn thiện quy chế khoán kinh phí hoạt động của một số tổ chức ở xã, thôn, tổ dân phố bảo đảm linh hoạt, thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo hướng một tổ chức có thể phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, một chức danh có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ để đạt mục tiêu giảm tối đa việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. 

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề xuất, việc sắp xếp đơn vị hành chính nên chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn 2024 - 2025 và giai đoạn 2029 - 2030 nhằm thuận lợi cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức gắn với Đại hội Đảng bộ ở cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030 và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Đồng chí Lộc Văn Hai - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Long Giang, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đề xuất, cần ban hành quy định về sử dụng chung nhà văn hóa các phường, xã; nhà đa năng các trường học đồng thời là nhà văn hóa của thôn, bản, tổ dân phố. Xem xét ban hành cơ chế bán đấu giá tài sản là nhà văn hóa của thôn, tổ dân phố để xây dựng nhà văn hóa mới, phù hợp với quy mô thôn, tổ dân phố được tổ chức lại sau khi sáp nhập.

Bà Lò Thị Thu Thủy - Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam cho rằng, đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là vấn đề khó, nhạy cảm, liên quan, ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng. Tuy nhiên nếu vì ngại khó, ngại khổ mà không thực hiện thì đất nước sẽ chậm phát triển, không hoàn thành được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng đã đề ra.

Đồng tình với ý kiến này, theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cần khảo sát, đánh giá kết quả công tác sáp nhập thời gian qua. Từ đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí, tiêu chuẩn của việc sáp nhập trong giai đoạn tới cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, dân tộc... trên địa bàn vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn.

 “Nơi nào thuận lợi, hội đủ điều kiện thì chính quyền có phương án phù hợp với đặc thù của địa phương để thực hiện; nơi nào phức tạp khó khăn hơn thì cần có lộ trình cụ thể và phải luôn lắng nghe ý kiến từ phía người dân” - bà Trương Thị Ngọc Ánh nói./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực