Theo kết quả sơ kết 6 tháng đầu năm 2010 của Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay sau khi tiếp thu Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Quyết định 1956 cấp tỉnh (Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề đến năm 2020); ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và hiện đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch về triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2010; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Quyết định 1956/QĐ-TTg cấp tỉnh; tổ chức Hội nghị quán triệt Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho cán bộ các ban, ngành của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố Huế; tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ điều tra, khảo sát cho 550 điều tra viên và tiến hành điều tra, khảo sát cung cầu lao động và nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn tại các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Quảng Điền; phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư tham mưu cho UBND Tỉnh giao kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2010; đã ký hợp đồng đào tạo với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, theo đó đến nay đã dạy nghề cho 2781/4500 lao động nông thôn so với kế hoạch đề ra (trong đó: đào tạo cho lao động nông thôn 6 tháng đầu năm 2010: 1689 người, người nghèo: 903 người, và người tàn tật:192 người).
Ban Chỉ đạo Quyết định 1956 tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động chọn huyện Quảng Điền là huyện điểm về chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề nông thôn đến năm 2020 và xã Quảng Thành là địa phương tổ chức mô hình dạy nghề nông nghiệp (trồng rau sạch) và mô hình dạy nghề phi nông nghiệp (may công nghiệp), Trung tâm dạy nghề (TTDN) huyện Phú Vang làm TTDN điểm. Trong khi đó, tại các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, trên cơ sở mô hình chỉ đạo của tỉnh, đến nay đã có 8 đơn vị là huyện Nam Đông, Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền, A Lưới, Phú Vang, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế đã hoàn tất việc thành lập tổ triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có 7 đơn vị là huyện Phú Vang, Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, Quảng Điền, A Lưới, thành phố Huế đã tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến nội dung Quyết định 1956/QĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo của tỉnh đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp huyện và cán bộ chủ chốt cấp xã trên địa bàn huyện, thành phố…
Cần đi sâu vào những công việc trọng tâm
Đánh giá về những kết quả đã đạt được, đồng chí Ngô Hòa- Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Trưởng ban Chỉ đạo Quyết định 1956 tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Tuy được triển khai thực hiện trong một thời
|
Trung tâm dạy nghề Thừa Thiên Huế- địa chỉ dạy nghề được nhiều người tìm đến |
gian ngắn nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm của của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác tham mưu khá tích cực của ngành Lao động- thương binh và xã hội, các thành viên Ban Chỉ đạo Quyết định 1956 và các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị được chọn chỉ đạo điểm... nên kết quả đạt được khá quan trọng, là nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện sâu, rộng và toàn diện hơn nữa Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian sắp tới. Trong các kết quả đạt được, đồng chí Ngô Hòa đánh giá cao công tác chủ động xây dựng các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo thực hiện, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Quyết định 1956, Đề án đào tạo nghề nông thôn đến năm 2020 đã được các báo, đài quan tâm, lãnh đạo cấp ủy và chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phối hợp tuyên truyền thực hiện nên đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội, tổ chức, công dân đối với vấn đề dạy nghề cho nông thôn. Đây là thành công bước đầu hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với Thừa Thiên Huế.
Theo đồng chí Ngô Hòa thì những công việc trong thời gian đến cần được tiến hành sâu rộng, đồng bộ và cụ thể hơn. Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai, tuyên truyền sâu rộng Quyết định 1956 và các văn bản chỉ đạo có liên quan, Thừa Thiên Huế phải khẩn trương hoàn thành công tác khảo sát để ban hành Đề án đào tạo nghề trên địa bàn đến năm 2020; kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ xã đáp ứng yêu cầu và đội ngũ giáo viên có chất lượng tại các cơ sở đào tạo nghề khu vực nông thôn; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thí điểm một số mô hình dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế và yêu cầu chuyển dịch kinh tế tại địa phương; tổng kết một số lớp dạy nghề cho lao động tại các địa bàn thí điểm để rút kinh nghiệm về hình thức tổ chức, nội dung các lớp học, trên cơ sở đó nhân rộng trong toàn tỉnh; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác đào tạo nghề nông thôn, đồng thời gắn trách nhiệm, quy định mối quan hệ giữa các ngành có liên quan để thực hiện Quyết định 1956 đồng bộ, thống nhất... Ngoài ra, các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của tỉnh theo lĩnh vực phụ trách phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung công tác đã được phân công để kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập, tham mưu giúp Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo tháo gỡ..../.