Xây dựng thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô

Thứ tư, 15/03/2023 16:50
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô 2012 và từ thực tiễn đời sống Thủ đô, thành phố Hà Nội tập trung xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, đề xuất 9 nhóm chính sách theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.

Ngày 15/3, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô sửa đổi, xây dựng thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô”. Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi các hoạt động thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi.

leftcenterrightdel
Các khách mời tham gia tọa đàm. 

Trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng phát triển, bảo vệ Thủ đô.

Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, các quy định của Luật đã tạo cơ chế tăng nguồn thu tài chính, ngân sách cho Thủ đô; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, một số nội dung của Luật Thủ đô trong quá trình thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; chưa phát huy hết thế mạnh về vốn, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô 2012 và từ thực tiễn đời sống Thủ đô, thành phố Hà Nội tập trung xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, đề xuất 9 nhóm chính sách theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.

Sau quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có chất lượng, đến nay, Hồ sơ xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi đã được chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của 19 bộ, ngành, 10 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô, được Chính phủ trình Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, 2024.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã làm rõ các khía cạnh, góc độ khác nhau trong việc tại sao phải sửa đổi Luật Thủ đô? Việc sửa đổi Luật có giải quyết được những vấn đề bức thiết đang đặt ra trong thực tiễn đời sống.

Những phân tích của các chuyên gia đã làm sâu sắc hơn vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô, sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô theo các Nghị quyết của Bộ chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cũng như tạo cơ sở vững chắc với cơ chế chính sách có tính đột phá, vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác các tiềm năng thế mạnh thúc đẩy sự phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn cho Hà Nội.

Các khách mời cũng phân tích kỹ sự cần thiết của việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Hà Nội trong tổ chức bộ máy, biên chế và một số lĩnh vực ưu tiên để tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố. Phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để Hà Nội phát triển.

Cần có các giải pháp được quy định ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều khán giả đề cập đến những bất cập trong phát triển đô thị như: Tắc đường và ô nhiễm không khí, vỉa hè, cải tạo chung cư cũ... Song song với đó là câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hoá cùng mối quan tâm Luật Thủ đô sửa đổi có chính sách bảo tồn những đặc trưng văn hoá của Hà Nội không?...

leftcenterrightdel
Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam.

Đề cập cụ thể một số vấn đề đang đặt ra yêu cầu cần được thành phố giải quyết cấp bách, như tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí, thiếu khu vui chơi cho thiếu nhi, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam cho rằng, để xử lý một cách hệ thống, đồng bộ và có tính bền vững, cần có các giải pháp được quy định ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Mấu chốt là hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô và cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại, hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm, bền vững, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các khu đô thị vệ tinh. Song song với đó, chuyển dần một số cơ quan nhà nước, bệnh viện, nhà máy, trường đại học ra khỏi đô thị trung tâm; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối (như đường sắt đô thị, đường bộ) để có thể kéo giãn người dân đang sống và làm việc tại đô thị trung tâm.

Theo các chuyên gia, khi xây dựng một Luật mới hay sửa đổi một bộ Luật điều quan trọng là phải giải quyết được các nhu cầu thực tiễn. Mặc dù Luật Thủ đô 2012 có tạo các điều kiện phát triển nhất định nhưng đối mặt với sự phát triển chóng mặt của một siêu đô thị thì cần những cơ chế, chính sách đồng bộ, đột phá để phát triển Hà Nội trong tương lai...

Dự án Luật Thủ đô sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5/2024./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực