Điểm sáng và tâm huyết
Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng ở vùng đồng bào Dân tộc thiểu số đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác, tổ chức đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các hoạt động, các phong trào thi đua, các đoàn thể ở cơ sở đã chủ động, linh hoạt và đa dạng hoá các hình thức tập hợp, vận động hội viên, đoàn viên nòng cốt nhất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào các hoạt động của tổ chức mình, qua đó, lựa chọn những quần chúng tiêu biểu nhất là đội ngũ cán bộ thôn, bản, người hoạt động không chuyên trách, đoàn viên, hội viên, tổ kinh tế hợp tác để cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng tạo nguồn để cấp ủy phát triển đảng viên.
|
Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng ở vùng đồng bào Dân tộc thiểu số đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác, tổ chức đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, tỉnh có có trên 35 dân tộc thiểu số với 56.906 sinh sống, trong đó: đồng bào Pa Cô (21.830 người, chiếm 38,4%), Cơ Tu (18.698 người, chiếm 32,9 %), Tà Ôi (14.009 người, chiếm 24,6%), Vân Kiều (1.145 người, chiếm 2%), Pa Hy (1.019 người, chiếm 1,8 %), dân tộc Hoa (222 người, chiếm 0,41%), và một số dân tộc khác như Mường, Thái, Thổ… (205 người, chiếm 0,4%).
"Hằng năm, các cấp ủy cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho các chi bộ trực thuộc xem đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng hằng năm, ban hành chương trình kế hoạch công tác nhằm đẩy mạnh tỷ lệ phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng các tiêu chuẩn, điều kiện, quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương. Thường xuyên lãnh đạo công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, đồng thời tích cực, chủ động phân công đảng viên, đoàn thể theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ quần chúng ưu tú là hội viên, đoàn viên, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên, đoàn viên rèn luyện, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng" - Đồng chí Lê Trường Lưu cho biết thêm.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW “về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” ngày 16/6/2022; Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã đưa ra chương trình hành động 17-CTr/TU, ngày 22/11/2022. Theo đồng chí Lê Trường Lưu, cấp ủy các cấp đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát về công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên trong đó, chú trọng tình hình phát triển đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên quan tâm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên, kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các cấp ủy chỉ bộ thực hiện chưa tốt. Định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch phát triển đảng viên của đơn vị.
“Đến nay, công tác phát triển đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số đã không ngừng được nâng lên cả về tiêu chuẩn, trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ. Nửa nhiệm kỳ (2020 - 2025), toàn Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã kết nạp được 4.489 đảng viên trong đó có 325 đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 7,2 %.” - Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo đồng chí Lê Thị Thu Hương, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phát triển đảng viên nói chung và công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng còn không ít khó khăn, thách thức. Một bộ phận cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa quan tâm đúng mức đến công tác kết nạp đảng viên. Trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên giảm sút; nhiều đảng viên được kết nạp trong quân ngũ, trường học, sau khi về địa phương sinh hoạt một thời gian do mưu sinh phải đi làm ăn xa, xin ra khỏi Đảng.
|
Đồng chí Lê Thị Thu Hương, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế gặp gỡ các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. |
Cũng theo đồng chí Lê Thị Thu Hương, tỷ lệ kết nạp đảng của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu, có mặt còn hình thức; việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng trong đảng viên, quần chúng nhân dân đôi lúc chưa kịp thời. Công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên tại địa bàn dân cư, trường học còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng; việc thẩm tra xác minh lý lịch gặp khó khăn về thời gian, kinh phí. Một số đảng viên chưa chú trọng công tác đảng, chỉ tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn, học tập, lao động, sản xuất là chính.
Đồng chí Hồ Đàm Giang - Phó Bí Thường trực Huyện ủy A Lưới cho biết, là huyện miền núi, xuất phát kinh tế còn ở mức thấp, một số bộ phận Nhân dân đời sống còn khó khăn, mặt bằng dân trí chung còn thấp, cùng với năng lực một số cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nên gặp nhiều khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về công tác phát triển đảng viên.
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Mai Văn Dũng - Phó Bí Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Nam Đông cho biết, nguồn phát triển đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng ít đi, do phần lớn những người trẻ tuổi, có trình độ đào tạo đều đi làm ăn xa. Một số trường hợp phấn đấu tốt, tha thiết muốn xin vào Đảng nhưng không đủ tiêu chuẩn về trình độ học vấn (theo điều lệ Đảng quy định lớp 9 trở lên). Đối với một số quần chúng trẻ đủ điều kiện tiêu chuẩn lại vi phạm tảo hôn; vi phạm đạo đức lối sống.
"Một số chi ủy chi bộ chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, phân công đảng viên trong việc tìm, "tạo nguồn" phát triển đảng. Bên cạnh đó, một số đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số lớn tuổi, trưởng thành trong quá trình đấu tranh giành độc lập vẫn còn so sánh về quá trình thử thách trước khi vào đảng" - Phó Bí thư Thường trực huyện Nam Đông chia sẻ.
|
Đồng chí Đặng Ngọc Hiệu - Phó Chính ủy Bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế (thứ 3, từ trái sang) nói chuyện với các đảng viên tại một buổi tọa đàm. |
Đồng chí Đặng Ngọc Hiệu - Phó Chính ủy Bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thừa Thiên Huế có đường biên giới trên bộ dài 80,683 km, phía chính diện tiếp giáp hai tỉnh Sê Kông và Sa La Van của nước bạn Lào, có 12 xã biên giới thuộc huyện A Lưới với dân số 9.091 hộ/34.436 khẩu, thuộc 6 dân tộc anh em (Kinh, Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy và Vân Kiều). Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể của tỉnh, diện mạo kinh tế xã hội, Khu vực biên giới có nhiều khởi sắc.
Cũng theo đồng chí Phó Chính ủy Bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ sở hạ tầng tại đây còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đều, các tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, mặt trái cơ chế thị trường… đã tác động không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới và công tác tác phát triển đảng viên trong BĐBP tỉnh cũng như phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số./..
(Còn tiếp....)