|
Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ 1, năm 2022 (ảnh báo Đắk Lắk). |
Kinh tế - xã hội tăng tốc, bứt phá
Cuộc trò chuyện với Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) Trần Hồng Tiến diễn ra trong không khí cởi mở và gần gũi, khi trên bloc lịch chỉ còn lại vài tờ lịch cuối cùng của năm Giáp Dần! Với tinh thần mở lòng, thẳng thắn, người đứng đầu vùng đất được coi là “thủ phủ” sầu riêng đã phác họa về thành tựu, đường hướng phát triển, tâm thế vững vàng, tự tin của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Krông Pắc trên con đường đi tới tương lai.
Xuất thân từ cán bộ Đoàn, vị Bí thư sinh năm 1975 xởi lởi, chân tình ngay với khách lần đầu gặp. Cách nói chuyện thân gần, cởi mở của người đứng đầu Đảng bộ huyện miền cao nguyên như được tiếp thêm cho tác giả năng lượng ấm áp, lan tỏa niềm tin, truyền cảm hứng về những công việc Krông Pắc đã làm; những dự định, tương lai của vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Gần một nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh thuận lợi, thách thức đan xen, song với tinh thần chủ động, linh hoạt, đúng hướng, trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, Krông Pắc giành nhiều thành tựu trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, vượt bậc, luôn đứng trong tốp dẫn đầu các địa phương tỉnh Đắk Lắk.
Chánh Văn phòng Huyện ủy Võ Quang Trường cho biết: Tất cả các nhóm chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 - 2025 là 10,21%, tăng 12,06% so với Nghị quyết. Đến năm 2025, thu ngân sách ước đạt 326,625 tỷ đồng, bằng 157% so với Nghị quyết, tăng bình quân hằng năm gần 13%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 năm ước đạt gần 1.442 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong nhiệm kỳ khoảng 9.010 tỷ đồng, tăng 3.437 tỷ đồng so với Nghị quyết. Thu nhập bình quân hiện là 72,89 triệu đồng/người/năm. Đến nay, có khoảng 400 doanh nghiệp, 4.388 hộ cá thể và 85 hợp tác xã hoạt động.
Dấu ấn trong nhiệm kỳ qua là triển khai thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá do Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV đề ra. Đây là những chủ trương, nhiệm vụ có tính đến cả chiến lược lâu dài cho Krông Pắc.
Thứ nhất, về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, năng động, chuyên nghiệp. Ban hành bộ chỉ số cải cách hành chính cấp xã; Đề án chuyển đổi số huyện Krông Pắc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, 16/16 xã, thị trấn có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, nhân sự, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ phục vụ người dân và doanh nghiệp; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị được công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên trang thông tin điện tử của huyện.
Từ một địa phương có chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 12 tỉnh Đắk Lắk thì đến năm 2021, 2022 vươn lên xếp hạng 3. Chuyển đổi số năm 2020 xếp hạng 2; năm 2021 xếp hạng 1; năm 2022, 2023 xếp hạng 2.
|
Trao Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện
cho 20 hộ nông dân tiêu biểu trong việc trồng, chăm sóc vườn sầu riêng. |
Thứ hai, tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ; tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, từng bước hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như triển khai hỗ trợ giống trồng lúa sản xuất theo quy mô lớn đối với các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 với diện tích từ 1.600 đến 1.800ha/năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh, đến năm 2024, Krông Pắc có gần 7.200ha sầu riêng, chiếm 1/3 diện tích sầu riêng tỉnh Đắk Lắk. Sản lượng đạt trên 92.000 tấn, doanh thu trên 7.000 tỷ đồng. Đây là địa phương tiên phong trong đăng ký nhãn hiệu “Sầu riêng Krông Pắc” với 2.053ha được cấp 37 mã số vùng trồng xuất khẩu, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “KRONG PAC DURIAN SẦU RIÊNG”.
Tổ chức thành công “Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc” lần thứ I năm 2022 thu hút trên 40.000 lượt khách, lần thứ II năm 2024 tăng lên gần 200.000 lượt khách với nhiều chuỗi sự kiện văn hóa - lịch sử đặc sắc. Lễ hội có tầm ảnh hưởng lớn, lan tỏa tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Krông Pắc và tỉnh Đắk Lắk, trở thành sự kiện hấp dẫn được bạn bè, du khách mọi miền Tổ quốc biết đến. Thông qua Lễ hội, giới thiệu hình ảnh con người Krông Pắc thân thiện, mến khách, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc; các danh lam, thắng cảnh, ẩm thực hương vị đặc trưng, riêng biệt mà không nơi nào có được.
Thứ ba, xúc tiến đầu tư bước đầu có nhiều tín hiệu khả quan với các dự án đã và đang được triển khai như: Đường giao thông liên xã Ea Phê - Ea Kuăng - Vụ Bổn dài 11.518 mét với mức đầu tư 60,093 tỷ đồng; Dự án phát triển nhà ở đô thị thị trấn Phước An diện tích 17,02ha với số vốn 975,013 tỷ đồng.
Hiện nay, Krông Pắc đã tiến hành kêu gọi đầu tư đến năm 2025 với 36 dự án, tổng nguồn vốn dự kiến trên 15.798 tỷ đồng. Đến nay, có 9 dự án đã được chấp thuận chủ trương gồm: Dự án Trang trại chăn nuôi lợn giống công nghệ cao ITVN, xã Vụ Bổn; Dự án Trường Tiểu học - Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tây Nguyên; Dự án Nhà máy sơ chế và đóng gói trái cây xuất khẩu xã Krông Búk; Dự án Trang trại nuôi gà đẻ trứng xã Vụ Bổn; Dự án Trung tâm thu mua, sơ chế, đóng gói trái cây, nông sản xuất khẩu xã Ea Yông; Dự án Nhà máy sản xuất bao bì, túi xách xã Hòa Tiến; Dự án Khu du lịch sinh thái điện ảnh Moonlight Land; Dự án Trung tâm giáo dục nghề nghiệp xã Hòa An.
Dự án Công ty Cổ phần KD Green Farm đã trồng được 500ha chuối già Nam Mỹ tại xã Vụ Bổn. Sản phẩm được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu… Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, trang trại chuối KD Green Farm còn tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Sản lượng năm 2024 khoảng 20.000 tấn, doanh thu ước tính trên 250 tỷ đồng.
Hoàn thiện hạ tầng, hướng tới nông thôn hiện đại, giàu bản sắc
Từ thực hiện thành công, hiệu quả 3 khâu đột phá, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng, tỉ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện đạt 91%, đường xã đạt 74%, đường thôn, buôn 43%. Đến nay, 100% số thôn, buôn có điện, 96% số hộ dân được sử dụng điện. Đến cuối năm 2024, có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ những khu tái định cư, các thôn, buôn dọc theo quốc lộ 26, các tuyến đường liên xã, ở đâu cũng có thể nhận ra vùng đất chủ nhân của một trọng điểm phát triển kinh tế nhộn nhịp, năng động, đầy triển vọng.
Trong các lợi thế thu hút đầu tư của Krông Pắc, hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài trục “xương sống” Quốc lộ 26, hai dự án giao thông trọng điểm của Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên đi qua Krông Pắc đang triển khai xây dựng là đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với 4 nút giao tại các xã Hòa Đông, Ea Knuếc, Tân Tiến, Vụ Bổn sẽ mở ra kỳ vọng thay đổi diện mạo đời sống kinh tế - xã hội.
Đến nay, các tuyến giao thông nối với cao tốc như Tỉnh lộ 9, tuyến liên xã Ea Phê - Ea Kuăng - Vụ Bổn đã cơ bản được đầu tư nâng cấp, mở rộng, sẵn sàng kết nối.
|
Trung tâm thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc từng ngày thay đổi. |
Trên vùng cao Krông Pắc bây giờ, buổi sáng ra đường thấy choáng ngợp với lưu lượng xe ô tô tràn ngập trên các tuyến đường, đó là minh chứng sống động nhất cho thấy đời sống thực chất của người dân. Số lượng xe ô tô, mô tô đăng ký mới tăng đột biến qua từng năm. Tính đến tháng 11-2024, toàn huyện có hơn 10.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó xe mô tô 7.913 chiếc, tăng 2.738 chiếc; xe ô tô 2.118 chiếc, tăng 672 chiếc so với năm 2023. Khu vực thị trấn Phước An hiện có trên 30 phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại đang hoạt động. Một Krông Pắc đã bước sang trang mới, hướng tới sự giàu có, phồn vinh.
Những ngày cuối năm 2024, một vòng quanh xã Ea Yông, gặp Bí thư Đảng ủy xã Phan Đính dáng người vạm vỡ, săn chắc, chất phác như một nông dân thực thụ. Anh quê Quảng Ngãi lên lập nghiệp từ thời trẻ có sự ví von khá hình tượng rằng, Krông Pắc nay giống như hình dáng con chim Bằng đang sải cánh bay lên, biểu tượng cho ý chí và nghị lực của các thế hệ con người nơi đây, trải qua bao gian nan, tình đất, tình người vẫn thủy chung, gắn bó; biết nâng niu, dựng xây nền móng, biết chắt chiu bao giọt mồ hôi mà dựng cơ đồ trên vùng đất ba-zan tươi đỏ.
Bày tỏ tự hào về sự phát triển vượt bậc của vùng quê bao đời gắn bó, già làng Y Bhem Knul, dân tộc Ê Đê ở buôn Jắt, xã Ea Hiu bộc bạch: “Những năm qua, huyện dành nhiều công sức tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao đời sống, mang lại hạnh phúc cho người dân”.
Điều đó chứng tỏ không chỉ củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, mà còn tạo được sự đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết; tạo khí thế mới, động lực mới, sức bật mới để Krông Pắc vững bước vào kỷ nguyên mới./.