Giải pháp thoát nước cho vùng “rốn lũ” giữa thành phố Đà Nẵng

Thứ ba, 21/11/2023 13:54
(ĐCSVN) - Nhiều năm nay, khu vực tam giác hình thành bởi các đường Tôn Đức Thắng, Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) liên tục bị ngập sâu khi có mưa lớn, được ví như vùng “rốn lũ” giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Trước diễn biến thời tiết ngày càng khó lường, các cấp chính quyền thành phố đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để sớm khắc phục tình trạng trên.
 Khu vực dân cư đường Mẹ Suốt ngập nặng trong đợt mưa hồi giữa tháng 10 vừa qua (Ảnh: Quang Hải)

* Ngập lụt gây nhiều hậu quả nặng nề

Vào trận mưa lụt lịch sử tháng 10/2022, gần như toàn thành phố Đà Nẵng chìm trong biển nước, giao thông tê liệt. Trong đó, khu vực đường Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt bị ngập sâu nhất, có nơi lên đến gần 2m. Nước dâng lên nhanh trong đêm khiến các hộ dân trở tay không kịp, thiệt hại rất lớn về tài sản. Lực lượng chức năng đã xuyên đêm cứu nạn, cứu hộ, đưa được hàng nghìn người dân đến nơi trú ẩn an toàn, nhưng cũng đã có hai người dân trong khu vực tử vong trong mưa lũ.

Trong đợt mưa lớn đêm 13/10 vừa qua, khu vực đường Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt lại tiếp tục bị ngập nặng, nhiều nơi nước ngập sâu đến 1m. Chính quyền địa phương phải dùng xuồng phao di dời hàng nghìn người dân, rất may không có thiệt hại về người.

Chỉ trong vòng 2 năm vừa qua, khu vực trên đã phải hứng chịu hai đợt ngập sâu trên diện rộng, khiến người dân bất an, lo lắng. Hộ gia đình ông Nguyễn Võ Quốc ở Tổ 32, đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), một trong những khu vực bị ngập nặng nhất trong những trận lụt vừa qua. Ông Quốc cho biết: “Từ đầu mùa mưa năm nay, tôi đã phải kê các thiết bị điện như ti vi, tủ lạnh, đồ gia dụng lên cao cách sàn nhà 1m. Tôi mang sẵn đồ đạc, thức ăn lên gác xép sát trên mái nhà để nếu nước dâng lên trong đêm thì cả nhà sẽ trèo lên gác xép trú tạm. Những năm qua, nước ngập ngày càng sâu và nguy hiểm nên mọi người trong xóm đều chủ động phòng ngừa mỗi khi có tin dự báo thiên tai”.

Theo ông Bùi Trung Khánh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, phường có tổng diện tích hơn 1.000 ha, dân số hơn 43.000 người, nằm ở vị trí trung tâm quận Liên Chiểu. Phường có địa hình phức tạp, gồm đồng bằng và đồi núi dốc, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ và ngập úng khi mưa lớn. Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến ao hồ, ruộng đất bị san lấp nhiều làm dòng chảy tự nhiên bị thu hẹp. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng nước ứ đọng, dâng cao thường xuyên xảy ra vào mùa mưa.

Đặc biệt, đây là địa bàn chịu ảnh hưởng của nhiều dự án treo hàng chục năm, khiến cho việc xây dựng, sửa chữa nhà ở của nhân dân gặp nhiều trở ngại, nhà ở nhiều hộ dân còn thiếu kiên cố. Quá trình đô thị hóa, chỉnh trang đô thị chưa đồng bộ dẫn đến cơ sở hạ tầng gồm hệ thống kênh mương, cống thoát nước còn chưa đảm bảo yêu cầu thực tế. Thời gian qua, các cấp chính quyền quận, phường đã đồng loạt triển khai khơi thông, nạo vét các tuyến kênh mương, cống thoát nước trên địa bàn nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng khi mưa.

* Cần sớm quy hoạch, chỉnh trang đô thị đồng bộ

Các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đang triển khai các giải pháp nhằm sớm xóa bỏ khu vực “rốn lũ” này. Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc khẳng định, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị để chống ngập úng về lâu dài. Địa bàn phường Hòa Khánh Nam còn nhiều đồi núi, khi mưa lớn, nước cùng bùn đất tràn xuống các khu dân cư, gây tắc nghẽn hệ thống cống. Vì vậy, quận đã nghiên cứu và đề xuất thành phố đầu tư xây dựng thêm một số hồ điều tiết ở các khu chân núi Thanh Vinh, Khánh Sơn. Khi hình thành, các hồ điều tiết này sẽ giúp giữ lại bùn đất và điều tiết giảm bớt lượng nước chảy qua các khu dân cư.

Bên cạnh đó, các kênh thoát nước chính là Phú Lộc, Đa Cô hiện đã quá tải, không đáp ứng được nhu cầu thoát nước khi mưa lớn. Quận Liên Chiểu đề xuất đầu tư, mở rộng các đường ống thoát nước khẩu độ lớn dọc theo các tuyến đường Hoàng Văn Thái, Phùng Hưng, Đường số 4 Khu công nghiệp Hòa Khánh… để giảm tải cho hệ thống cũ; đồng thời tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến kênh cũ để thoát nước hiệu quả hơn vào mùa mưa, có thể kết hợp làm cảnh quan cây xanh, chỗ đậu xe. 

Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, khu vực đường Mẹ Suốt trước đây là cánh đồng, trũng thấp nên hạ tầng chưa đồng bộ. Hiện, quận đã triển khai quy hoạch phân khu, đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có quy hoạch về hạ tầng thoát nước, chỉnh trang đô thị các khu vực trũng thấp phường Hòa Khánh Nam. Theo đó, khu vực này sẽ được tái thiết theo định hướng phát triển đô thị nén, dành quỹ đất làm hạ tầng, cảnh quan, cây xanh, trường học… có như vậy mới giải quyết được triệt để tình trạng ngập úng kéo dài.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Phùng Phú Phong, các khu vực bị ngập lụt trước đây được quy hoạch làm Ga đường sắt nhưng hiện đã được bãi bỏ quy hoạch và định hướng lại thành khu trung tâm thương mại, dịch vụ mới của quận Liên Chiểu (theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Thành phố Đà Nẵng đang cụ thể hóa định hướng này trong đồ án Quy hoạch phân khu ven vịnh Đà Nẵng và lõi xanh trung tâm. Đây là cơ sở để xác định dự án, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư tiếp theo đúng quy hoạch chung được duyệt, giúp giải quyết tình trạng tồn tại kéo dài nhiều năm qua. Quy hoạch phân khu sẽ xác định các khu vực dân cư không giải tỏa, làm cơ sở cho triển khai nâng cấp hạ tầng, tái thiết đô thị; đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa, nước thải, hỗ trợ kinh phí để người dân tự nâng nền nhà, giảm thiểu ngập úng.

Sở Xây dựng đã làm việc với chính quyền quận Liên Chiểu, các Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn để nghiên cứu giải pháp thoát nước tổng thể trên địa bàn quận Liên Chiểu. Trước mắt dự kiến sẽ đầu tư bổ sung 1 tuyến thoát nước chính ra khu vực Vịnh Đà Nẵng nhằm giải tải cho kênh Phú Lộc (hiện là tuyến chính thoát ra biển của khu vực rất lớn, trong đó có đường Mẹ Suốt). Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc triển khai các dự án thoát nước tại khu vực này cần phải cân nhắc kỹ, nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và phù hợp với định hướng quy hoạch đất tại khu vực.

 

Quốc Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực