Khắc phục khí hậu khắc nghiệt, làm giàu trên mảnh đất cao nhất Việt Nam

Thứ sáu, 12/11/2021 10:54
(ĐCSVN) - Ma Cha Va (thuộc xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cao 2.300m là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Thôn Ngải Thầu Thượng nằm trên đỉnh núi đó ở độ cao 2.100m cũng chính là đơn vị hành chính có độ cao nhất Việt Nam. Ở đó chàng trai Vàng A Tùng, 28 tuổi, người dân tộc Mông, là Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn đang dẫn dắt cả cộng đồng nơi đây khắc phục thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, làm giàu cho gia đình và quê hương.
 Ma Cha Va (thuộc xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cao 2.300m là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam (nguồn: laocaitourism.vn)

Năm 2017, khi vừa tròn 25 tuổi, Vàng A Tùng được bầu là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ngải Thầu (nay là xã A Lù) huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Sau đó, do sáp nhập thôn, Vàng A Tùng được nhân dân thôn Ngải Thầu Thượng bầu là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn. Vàng A Tùng không phải là người có uy tín, nhưng trên thực tế, anh có ảnh hưởng như một người có uy tín, cả thôn nhất nhất học và làm theo anh. Điều gì khiến người trẻ như Tùng sớm nhận được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương?

Câu trả lời là: Vàng A Tùng sinh năm 1992, lớn lên ở thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Gia đình Tùng là một trong 38 hộ nghèo của thôn. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, Tùng chọn con đường vừa học, vừa làm để theo học Trường Đại học Lâm nghiệp với khát vọng khi học xong, trở về cống hiến, phục vụ nhân dân ngay trên mảnh đất quê hương.

Vàng A Tùng trên nương sâm đất của mình (ảnh: Trần Quỳnh) 

Năm 2015, tốt nghiệp ra trường, tự nhận thấy lập nghiệp không nhất thiết phải làm trong cơ quan nhà nước, Tùng quyết định khởi nghiệp tại nhà từ 30kg giống củ khoai sâm đất. Khoai sâm đất có vị ngọt, mát, thơm, tốt cho người bị bệnh tiểu đường. Do nhiều tác dụng và dễ chế biến, khoai sâm đất được thương lái vào thu mua tận ruộng và mang lại cho nhà Tùng 5 triệu đồng/vụ. Thấy thị trường tiêu thụ tốt, năm sau, gia đình Tùng đã nhân giống và mở rộng diện tích cây trồng lên 200 kg giống, thu nhập cũng tăng gấp 10 lần, đạt 50 triệu đồng/vụ.

Ngoài ra, Tùng mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua giống chăn nuôi trâu, bò, lợn gà, trồng thảo quả. Hiện nay, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình Tùng có thu nhập 120 triệu đồng.

Từ mô hình của Tùng và được anh trực tiếp hướng dẫn, hầu hết bà con trong thôn đã chuyển sang trồng khoai sâm đất. Năm ngoái, toàn thôn trồng 10 ha, bán được 110 tấn sản phẩm. Năm nay, bà con trồng tới 20 ha, riêng nhà Tùng có 01 ha. Nhờ khoai sâm đất, các hộ có thu nhập cao, là yếu tố chính góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thôn mỗi năm 2,38%.

Không chỉ sản xuất giỏi cho gia đình và mang về cây trồng mới cho bà con trong thôn, Tùng còn gương mẫu hiến 220 m2 đất làm đường giao thông. Anh cũng vận động 100% số hộ trong thôn xây nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ...

Tất cả những việc làm đó của Tùng đã góp phần mang lại diện mạo mới cho Ngải Thầu Thượng - thôn cao nhất Việt Nam./.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực