Dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 12/2022 đã được công bố tại một số quốc gia dẫn đầu như Trung Quốc và Mỹ cho thấy xu hướng giảm vẫn giữ nguyên trong tháng cuối năm 2022, với tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 6/2020. Tính chung cả năm 2022, nền kinh tế toàn cầu ghi nhận xu hướng sụt giảm của chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) lẫn số lượng đơn đặt hàng mới. Xu hướng sụt giảm diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các nhóm ngành, từ sản xuất đến dịch vụ và trải dài ở hầu hết các nền kinh tế chủ chốt. Xu hướng giảm của chỉ số sản xuất công nghiệp bắt đầu từ tháng 3, sau khi Mỹ bắt đầu có những động thái đầu tiên điều chỉnh lãi suất.
|
Tiếp tục duy trì đà phục hồi tăng trưởng của sản xuất công nghiệp (Ảnh: PV) |
Tín hiệu tích cực đầu tiên là việc chính sách kiểm soát lạm phát của Mỹ đang dần có hiệu quả, với tỷ lệ lạm phát đang có xu hướng giảm dần và thấp hơn mức lạm phát kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Tiếp theo phải kể đến chính sách nới lỏng phong tỏa để phòng, chống COVID-19 của Trung Quốc có thể sẽ tạo điều kiện để nền sản xuất của quốc gia này phục hồi trở lại trong năm 2023, kéo theo sự phục hồi chung của các ngành công nghiệp tại các quốc gia khác.
Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp trong quý IV-2022 trong nước, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ 2021. Tính chung cả năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69% so với năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2022 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,3% so với cùng thời điểm 2021.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Đáng chú ý, tiếp xu hướng từ năm 2022, năm 2023 này, chuyển đổi số vẫn tiếp tục là mũi nhọn phát triển kinh tế đất nước. Theo đó, doanh nghiệp công nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới, tái cấu trúc và áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều này cần đến sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, như chính sách tài chính, đào tạo, đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và giải quyết bài toán an sinh xã hội...
Song song, tập trung điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Đặc biệt, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp./.