Đề xuất cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam

Thứ năm, 23/11/2023 14:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trước tình trạng gia tăng người trẻ trong việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá nung nóng mới, đại diện Bộ Y tế đề xuất không cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng, không để tình trạng thuốc lá điện tử thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng bởi việc sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về những tác hại của thuốc lá điện tử và cập nhật tình hình các ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Ảnh: KT

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hà, Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đây là hội nghị cung cấp thông tin mới tới báo chí về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới; tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên các sản phẩm báo chí.

Theo thống kê, hơn 1 tỷ người hút thuốc trên thế giới, trong đó ở người trưởng thành nam giới là 847 triệu, nữ giới là 153 triệu người; ở nhóm tuổi thanh thiếu niên 13-15 tuổi là 24 triệu người. Thuốc lá là nguy cơ gây ra tử vong, bệnh tật và gây ra đói nghèo và gây ra tác hại đối với môi trường, kinh tế và xã hội trên thế giới.

Theo thông tin từ Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), mỗi năm, thế giới có tới 8 triệu ca tử vong do hút thuốc lá, trong đó khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Ở Việt Nam, con số này là 40.000 người.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hằng năm, khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. Ở Việt Nam, chi phí để khắc phục hậu quả do thuốc lá ước tính chiếm 1% GDP.

Cập nhật những thông tin mới về tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, năm 2022, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13 - 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13 - 15 tuổi là 3,5%. Năm 2019, tỷ lệ này là 2,6%. Trong vòng 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng đáng kể. Điều này khiến những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, hiện nay, các sản phẩm thuốc lá nung nóng rất đa dạng, nhiều sản phẩm lai giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch thuốc lá điện tử và cả những loại không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá. Trước tình trạng gia tăng người trẻ trong việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá nung nóng mới, bà Nguyễn Thị Thu Hương đề xuất việc không cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng, không để tình trạng thuốc lá điện tử thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng bởi việc sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát.

Tại Hội nghị, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ về những tác hại của thuốc lá điện tử và cập nhật tình hình các ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Bằng những kiến thức từ kinh nghiệm chuyên môn và tổng hợp thực tế, cập nhật tình hình, thực trạng quản lý  hiện nay, bác sĩ Nguyên cho biết, thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Cần sa tổng hợp đang và sẽ là nhóm ma túy lớn nhất, phức tạp nhất và thách thức nhất trong nhiều năm tới, trong đó, thuốc lá điện tử (vape) là môi trường tồn tại chính của ma túy cần sa tổng hợp. Để quản lý thuốc lá điện tử, ông Nguyễn Trung Nguyên đề xuất cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam, cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi.

Cũng tại Hội nghị, các diễn giả đã cung cấp những quan điểm sai lầm, sự thật và kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới; những thách thức do ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá toàn cầu; khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về quan điểm cấm các sản phẩm thuốc lá mới./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực