Phát triển năng lượng sạch góp phần bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 09/12/2016 17:05
(ĐCSVN) - Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và thế giới. Việc tăng trưởng kinh tế giúp cải thiện mức sống của người dân và làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Đây cũng là nguyên nhân gây sức ép lớn cho môi trường tại Việt Nam.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nguy cơ ô nhiễm cao

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Việt Nam có nguồn năng lượng khá đa dạng như: nhiên liệu hóa thạch, thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời... Tuy nhiên, nguồn năng lượng sử dụng chủ yếu là các nhiên liệu hóa thạch như: than đá, dầu thô, khí đốt... và thủy điện. Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng khiến nguồn cung năng lượng đã không bắt kịp cầu. Từ một nước xuất khẩu năng lượng (xuất khẩu than và dầu thô), sắp tới, Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng (nhập khẩu sản phẩm dầu qua chế biến và điện năng). Đặc trưng của giai đoạn 2011 - 2015, các nhà máy nhiệt điện là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí rất đáng chú ý.

Theo đó, các nhà máy nhiệt điện tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương…) và khu vực phía Nam (Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh) và gần như hầu hết các nhà máy nhiệt điện đốt than chủ yếu sử dụng nhiệt điện ngưng hơi, lò hơi tuần hoàn tự nhiên, hiệu suất thấp năng lượng thấp, thải nhiều bụi, SO2 và NO2 , không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, mỗi loại hình sản xuất của ngành nhiệt điện sẽ phát sinh các loại khí thải khác nhau. Lượng phát thải các chất gây ô nhiễm cũng phụ thuộc vào loại nhiên liệu sử dụng và công nghệ sản xuất. Trong đó, nhiệt điện than phát thải một lượng lớn bụi và khí SO2 , NOx và CO2 ; nhiệt điện dầu FO phát thải chủ yếu là khí SO2 , NO2 và CO2 ; nhiệt điện khí - tuabin khí hỗn hợp phát thải chủ yếu là khí CO2 và NOx …

Việc cạn kiệt các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong sức ép về nhu cầu năng lượng cũng mở ra cơ hội phát triển cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững hơn trong khi tiềm năng điện gió của nước ta chiếm tới 63% diện tích lãnh thổ; tiềm năng năng lượng mặt trời, bức xạ theo vùng tăng dần về phía Nam, với tổng xạ khá cao, đủ để khai thác điện mặt trời. Bởi vậy, việc đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo không chỉ giải quyết vấn đề cân bằng cung cầu năng lượng, an ninh năng lượng mà còn góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo cáo môi trường quốc gia năm 2016 do Bộ TN&MT mới công bố cũng chỉ ra rằng, trong hệ thống cung ứng năng lượng nói chung cũng như điện năng nói riêng, thuỷ điện là nguồn năng lượng tái tạo, chiếm tỷ trọng khá lớn trong hệ thống cung ứng năng lượng ở nước ta.

Thời gian qua, trên phạm vi toàn quốc, nhiều công trình thủy điện kết hợp với công trình thủy lợi và điều tiết nước đã được nhà nước và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương. Nước ta có nhiều lợi thế trong việc phát triển thuỷ điện nhỏ nhờ hệ thống sông ngòi dày đặc. Tuy nhiên, việc phát triển hàng loạt các công trình thủy điện nhỏ mà không chú ý đến tác động tổng hợp về kinh tế - xã hội và môi trường đã dẫn đến nhiều tác động tiêu cực, trong đó sự xâm chiếm, phá hoại diện tích rừng tự nhiên rất lớn.

Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, cả nước hiện có gần 7.000 hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, trong đó có khoảng 6.000 hồ chứa nước quy mô nhỏ (dung tích chứa dưới 10 triệu m3 hoặc công suất nhỏ hơn 15 MW). Các dự án này chủ yếu do tư nhân làm chủ đầu tư. Quảng Nam là địa phương có số lượng các nhà máy thủy điện lớn nhất, có đến 62 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất lên tới 1.601MW.

Việc các nhà đầu tư xây dựng thủy điện vừa và nhỏ thiên nhiều về mục tiêu phát điện mà không chú trọng đúng mức đến vận hành hồ thủy điện, khiến cho nguy cơ mất an toàn về mùa lũ, thiếu nước về mùa khô tại vùng hạ du các lưu vực sông là rất cao. Hơn nữa, nhiều dự án thủy điện, chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết tiến độ đã đề ra, chậm trồng rừng bù lại diện tích rừng do xây dựng thủy điện tàn phá, dẫn đến thiên tai trong vùng ngày một khốc liệt, đe dọa an sinh xã hội.

Giải pháp cho phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Trước thực trạng môi trường có nhiều vấn đề cần quan tâm như hiện nay, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng các nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường, thời điểm này, năng lượng sạch đang được quan tâm đầu tư hơn bao giờ hết.

Để giải quyết vấn đề trên, ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh), với quan điểm phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là khâu đột phá giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, Quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ ưu tiên phát triển nguồn NLTT cho sản xuất điện; từng bước gia tăng tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn NLTT (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) trong cơ cấu nguồn điện, đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030. Cụ thể, ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp (chống lũ, cấp nước, sản xuất điện); nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với phát triển của hệ thống điện quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả vận hành.  

Theo Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) thì nước ta có tiềm năng rất lớn để phát triển các nguồn năng lượng sạch. Cụ thể, về thủy điện nhỏ, hiện nay có trên 1.000 địa điểm đã được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, quy mô từ 100kW tới 30MW với tổng công suất đặt trên 7.000MW, các vị trí này tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Về năng lượng gió, chúng ta cũng được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển năng lượng gió tuy chưa được lượng hóa đầy đủ bởi còn thiếu điều tra và đo đạc chi tiết. Về năng lượng sinh khối chính là gỗ năng lượng, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác...Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả. Ngoài ra, tiềm năng điện địa nhiệt ở Việt Nam có thể khai thác đến trên 300MW. Khu vực có khả năng khai thác hiệu quả nhất được cho là tại miền Trung.

Với những nguồn tài nguyên như vậy, Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng NLTT như bếp và hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, pin mặt trời, biogas, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học... Đồng thời, cần đề xuất chính sách giảm thuế cho ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và đánh thuế cao các ngành khai thác tài nguyên không tái tạo, gây ô nhiễm môi trường như các nước phát triển đã và đang làm để hỗ trợ lại cho năng lượng sạch./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực