Đây là một trong những kết quả của Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú. Nhóm tác giả gồm GS.TS Trần Văn Thuấn, GS.TS Nguyễn Bá Đức, PGS.TS Bùi Diệu, PGS.TS Tạ Văn Tờ, TS. Nguyễn Văn Định, TS. Nguyễn Tiến Quang, TS. Lê Thanh Đức, TS. Lê Hồng Quang, TS. Phùng Thị Huyền, TS. Đỗ Doãn Thuận, BS. Đặng Thế Căn, BS. Tô Anh Dũng, PGS.TS Trần Thanh Hương, Ths. Nguyễn Hoài Nga và cộng sự.
Bên cạnh các kết quả nghiên cứu dịch tễ học có thể tăng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm cho hàng nghìn chị em phụ nữ mỗi năm, các nghiên cứu chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị cũng đã thành công trong việc áp dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, các thuốc và phác đồ tiên tiến vào thực tế điều trị phù hợp với điều kiện Việt Nam, mở ra các hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư vú khi tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam đã đạt trên 75% ngang với Singapore, chất lượng sống của người bệnh cũng được cải thiện, chi phí điều trị cũng phù hợp với điều kiện Việt nam.
Cụm công trình này là kết quả tổng hợp từ 3 đề tài cấp nhà nước, 3 dự án hợp tác quốc tế, 3 đề tài cấp bộ, 2 đề tài cấp cơ sở, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và 25 đề tài cấp cơ sở. GS. Thuấn khẳng định đây là cụm công trình của tập thể, của các thầy các cô, nhiều thế hệ cán bộ y tế Bệnh viện K từ trên 25 năm nay.
Cụm công trình khoa học Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú vừa được nhận giải Nhất lĩnh vực Y dược giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2018.
GS.TS Trần Văn Thuấn (giữa) đại diện cho nhóm tác giả lên nhận giải Nhất lĩnh vực Y dược
giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2018
Phụ nữ Việt nên sàng lọc ung thư vú từ 40 tuổi thay vì 45
Đề tài nghiên cứu trên cho thấy ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Xu hướng mắc có chiều hướng gia tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ mắc ung thư vú chuẩn theo tuổi là khoảng 24.4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tăng lên tới 26.4. Ước tính trung bình mỗi năm trên toàn quốc có hơn 15.000 chị em mắc ung thư vú, trên 6.000 trường hợp tử vong, thường xuyên có 42.000 chị em mắc đang sống chung với bệnh.
Điều đặc biệt là ở Việt Nam có vẻ xu hướng mắc ung thư vú trẻ hơn các nước. Xu hướng mắc ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam bắt đầu tăng từ độ tuổi 30-34 tuổi và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55-59 tuổi với tỷ lệ là 135/100.000 dân.
Ngoài ra, thường càng người trẻ mắc bệnh thì tiên lượng càng xấu. Tỷ lệ người trẻ mắc ung thư vú dương tính với gene HER 2 cao hơn với độ tuổi khác, càng thể hiện yếu tố tiên lượng xấu. Người trẻ mắc ung thư vú khả năng chữa khỏi cũng thấp hơn so với những người tuổi cao.
Người trẻ mắc ung thư vú còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tâm lý và xã hội trong và sau điều trị. Điều quan trọng nhất là việc kết hợp nhuần nhuyễn các các phác đồ kỹ thuật hiện đại bởi các nhóm chuyên gia khác nhau đã giúp người phụ nữ không chỉ được chữa khỏi mà còn duy trì được hình thức thẩm mỹ của cơ thể, nâng cao chất lượng sống.
Ở nhóm tuổi này việc tiên lượng xấu là điều hết sức đáng tiếc. Qua đó thôi thúc nhóm tác giả tìm giải pháp để nâng cao tỷ lệ chưa khỏi ung thư vú, đặc biệt là người trẻ. Quan trọng nhất vẫn là đi khám, phát hiện sớm bệnh.
“Vì thế chúng tôi đưa ra khuyến cáo mới thay vì sàng lọc, tầm soát từ 45 tuổi thì phụ nữ Việt Nam nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn, từ 40 tuổi trở đi. Thực tế, khi sàng lọc phát hiện sớm với mẫu trên 100.000 phụ nữ, tỷ lệ phát hiện là 59,2 trên 100.000 dân gấp đôi so với tỷ lệ thông thường”, GS. Thuấn cho biết.
Đồng thời, chị em cần có thói quen tự khám vú. Đây là việc hết sức đơn giản. Thực tế, dù là bệnh phổ biến, ở giới đặc thù là chị em song tỷ lệ đến khám, chẩn đoán ung thư vú muộn khá cao trên 50%, ở các giai đoạn 3,4. Khi đó khả năng chữa khỏi không còn cao như giai đoạn sớm.
Các kỹ thuật hiện đại giúp chẩn đoán sâu hơn, chính xác hơn về bệnh
Trước đây khi chưa hiểu sâu về bệnh, chúng ta không hiểu tại sao một số người bệnh có đặc điểm tương đồng nhau về tuổi và giai đoạn lại có kết quả điều trị khác nhau rất xa. Cụm công trình đã làm sáng tỏ thắc mắc trên nhờ áp dụng thành công hàng loạt các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, đi sâu vào mức độ phân tử như hóa mô miễn dịch, FISH- phương pháp lai tại chỗ gắn huỳnh quang …Từ đó giúp các bác sĩ có cái nhìn sâu sắc về bệnh và có thể đưa ra phác đồ điều trị nhanh chóng, chính xác và hiệu quả
Tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú HER 2 dương tính
Trước đây, khi được chẩn đoán ung thư vú HER 2 dương tính (HER 2-ung thư vú có liên quan tới một loại protein được gọi là thụ thể của yếu tố tăng trưởng thượng bì) thì tiên lượng bệnh rất xấu vì dễ di căn, nguy cơ tử vong cao. Song nhờ áp dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, tỷ lệ sống sau 5 năm đã đảo chiều ngoạn mục.
Cụ thể, để xác định gen HER 2 trước đây các cơ sở dùng phương pháp nhuộm hóa miễn dịch, tỷ lệ sai sót khoảng 5-10%. Trong khi với kỹ thuật FISH, biện pháp nhuộm huỳnh quang tỷ lệ chẩn đoán đúng, chính xác gần đạt 100%. Thậm chí các trường hợp âm tính với phương pháp cũ khi kiểm tra phương mới cho kết quả dương tính. Nhờ đó giảm thiểu tối đa các trường hợp bỏ sót không đáng có.
Nhờ kỹ thuật này, tỷ lệ bộc lộ HER2 lên đến 41%, tỷ lệ khuếch đại gen chiếm 39%. Đây là dấu ấn quan trọng cho việc ứng dụng liệu pháp điều trị đích bằng kháng thể đơn dòng Trastuzumab, qua đó cải thiện tỷ lệ sống thêm cho bệnh nhân ung thư vú có thụ thể HER2 dương tính. Cụ thể tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 1-3 năm là 87-98%, kể cả ở các nhóm có di căn hạch tỷ lệ sống không bệnh sau 5 năm là trên 75%.
Nếu không phát được gen này, không áp dụng phương pháp mới điều trị thì tỷ lệ sống sau 5 năm là dưới 50%. Bệnh viện K là nơi đầu tiên áp dụng phương pháp FISH từ năm 2.000.
Các kỹ thuật hiện đại giúp bảo tồn, tái tạo tuyến vú: Các kỹ thuật mổ xẻ hiện đại như oncoplasty gặp nhiều khó khăn do kích thước tuyến vú ở phụ nữ Việt Nam tương đối nhỏ, song Cụm công trình cũng đã giải quyết thành công vấn đề này, đem lại niềm tin cho người bệnh, được các đồng nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, xạ trị kỹ thuật cao như xạ trị điều biến liều IMRT cũng lần đầu được ứng dụng đã giúp tăng tính chính xác và giảm tác dụng phụ đối với các mô lành xung quanh tổ chức u, tăng hiệu quả điều trị ung thư vú, tác dụng phụ hạn chế, cho phép nâng cao liều xạ trị.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương. Ảnh: Hữu Nghị.
Ung thư không đáng sợ như nhiều người nghĩ
Qua nghiên cứu ung thư vú, kháo sát đánh giá các loại ung thư khác, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy ung thư không đáng sợ như suy nghĩ của người nhiều người nếu được phát hiện sớm khả năng điều trị khỏi càng cao.
Ở các nước phát triển họ quan niệm bệnh ung thư chỉ là bệnh mãn tính, viêm nhiễm như bệnh tiểu đường, sống chung, không đáng sợ nghĩ là bản án tử hình. Một số người nổi tiếng như Lance Armstrong bị ung thư tinh hoàn vẫn vô địch giải đua xe đạp Tour de France. Ở Việt Nam cũng nhiều tấm gương người bệnh chiến thắng bệnh tật.
“Bằng chứng là các y bác sĩ, những người thầy của tôi vẫn nhận được bó hoa chúc mừng của bệnh nhân sau 40-45 năm kính tặng. Ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu quan tâm, đặc biệt là sàng lọc phát hiện sớm”, GS Thuấn nhấn mạnh.
Trên 95% các trường hợp ung thư vú phát hiện sớm điều trị sẽ khỏi bệnh. Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của Bệnh viện K là trên 70% tương đương với Singapore. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng tăng lên nữa nếu phát hiện nhiều trường hợp sớm hơn.
Trình độ tay nghề phẫu thuật, kiến thức của bác sĩ Việt Nam cũng hoàn toàn sánh được với các bác sĩ trên thế giới. Thể hiện qua các buổi hội chẩn, các bác sĩ Việt Nam được các nước nước ngoài đặc biệt là Anh, Pháp, Mỹ đánh giá cao về trình độ, giúp tự tin hơn trong công tác phục vụ người bệnh.
“Chúng tôi rất tự tin vào khả năng, trình độ chẩn đoán điều bệnh ung thư của các bác sĩ Việt Nam. Điều này thể hiện qua tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở Việt Nam, trong đó có Bệnh viện K ngày càng tăng lên, áp dụng các biện pháp điều trị, thuốc, máy móc, trang thiết bị ngang tầm các nước phát triển. Các nước xung quanh như Singapore, Hàn Quốc có thiết bị gì, thuốc gì thì chúng ta cũng có thuốc, thiết bị đó”, GS Thuấn chia sẻ.
Điều trăn trở nhất theo ông là hiểu biết của người dân, ý thức của cộng đồng về bệnh nói chung, trong đó có ung thư chưa được cao. Điều đó đưa tới điều đáng tiếc là tỷ lệ người bệnh đi khám, điều trị ở giai đoạn muộn khá cao, trên 70%, đặc biệt là các bệnh ung thư gan, đại tràng.
Điều đó thôi thúc các nhà nghiên cứu cố gắng tuyên truyền nhiều hơn nữa qua các phương tiện truyền thông, sinh hoạt khoa học, câu lạc bộ.. để người dân hiểu hơn về bệnh ung thư, có thêm kiến thức về phòng bệnh, vai trò của phát hiện sớm.
GS. Thuấn hy vọng Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chi trả cho chi phí sàng lọc phát hiện sớm bệnh, một năm đi khám 2 lần, tăng số người được phát hiện sớm, tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú, giảm chi phí. Nếu phát hiện muộn điều trị tốn kém, lâu dài, hiệu quả điều trị không cao như mong muốn./.