Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc

Thứ hai, 26/11/2018 18:46
(ĐCSVN) - Ngày 24/11 tại Hà Nội, đại diện Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức nghi lễ trao tặng Huân chương Mặt trời mọc cho nữ Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Huân chương Mặt trời mọc là tước hiệu cao quý nhất Nhật Bản dành cho những cá nhân người Nhật Bản và người nước ngoài có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước này. Theo đó, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC đồng thời cũng là người trẻ tuổi nhất được trao tặng tước hiệu “Huân chương Mặt trời mọc tia sáng vàng với nơ thắt hoa hồng” kể từ năm 1875 đến nay.

Tại buổi lễ, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã trao tặng tước hiệu và gắn huân chương cho Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn trước sự chứng kiến và ủng hộ của đông đảo quan khách, chính khách trong và ngoài nước.


Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn vinh dự được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc
(Nguồn: dantri.com.vn)

Theo ông Umeda Kunio, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trao tặng Huân chương Mặt trời mọc tia sáng vàng với nơ thắt hoa hồng cho nữ Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn vì những đóng góp quan trọng mà Bà đã cống hiến hết mình cho mối quan hệ hữu nghị và thân thiện giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Được biết, cương vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty AIC, Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có 16 năm liên tiếp hỗ trợ cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật, tạo cơ hội cho 700 sinh viên Việt Nam sang thăm Nhật Bản, giao lưu, tham quan doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ những người am hiểu về Nhật Bản. Bà cũng có nhiều đóng góp trong việc tổ chức lễ hội Hoa Anh Đào tại nhiều tỉnh thành Việt Nam trong đó có Thành phố Hà Nội, Thành phố Hải Phòng, Tỉnh Quảng Ninh với tư cách là nhà tài trợ chính cũng như điều hành toàn bộ lễ hội từ năm 2012 đến nay, thúc đẩy mạnh mẽ sự hiểu biết về Nhật Bản cũng như tình cảm gần gũi, thân thiết dành cho Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Cũng theo ông Umeda Kunio, không chỉ đóng góp to lớn qua các hoạt động thu hút đầu tư, giao lưu văn hoá, nữ Viện sĩ còn được ghi nhận bởi những đóng góp lớn lao cho quá trình thúc đẩy hợp tác về y tế giữa Nhật Bản và Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, nữ Viện sĩ đã tham gia hỗ trợ người Việt Nam mắc bệnh hiểm nghèo khám chữa bệnh tại Nhật Bản như thu xếp bệnh viện tiếp nhận, bố trí phiên dịch... Trong vòng 8 năm qua, đã có hàng trăm người Việt Nam sang Nhật Bản khám chữa bệnh.

Đặc biệt, Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn Cà công ty AIC còn đưa vào Việt Nam các kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường, khoa học giáo dục, góp phần vào việc giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam; tham gia hỗ trợ các bên ký kết các hợp tác y tế dài hạn trong việc nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và đưa các bác sỹ giỏi của Nhật sang Việt Nam chữa các ca bệnh hiểm nghèo cho nhiều người nghèo Việt Nam. Điều này không chỉ góp phần nâng cao sự tin cậy đối với y tế Nhật Bản tại Việt Nam, mà còn nâng cao lòng tin của lãnh đạo các cấp giữa Việt Nam và Nhật Bản và thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực y tế ngày càng chặt chẽ. Hiện có khoảng trên 150 dự án hợp tác gồm cả của Chính phủ và tư nhân đã và đang được thực hiện.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Thành tựu đối ngoại Việt Nam- Nhật Bản có sự đóng góp không nhỏ của những cá nhân xuất sắc như Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Nữ Viện sĩ cùng công ty AIC của Bà đã luôn đồng hành cùng đất nước, luôn tìm mọi cách vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng sâu sắc hơn nữa. Tôi hy vọng rằng, những tấm gương như Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn sẽ được nhân rộng để thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển trên mọi phương diện”./.

Tin, ảnh: Quang Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực