Sign In

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan đảng tỉnh Quảng Bình: Quá trình tất yếu, khách quan

00:00 31/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mọi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” đã khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.


Tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn Viettel hợp tác nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu lớn

Đối với tỉnh Quảng Bình, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan đảng không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Chuyển đổi số trong các cơ quan đảng tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, giúp các cơ quan đảng tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới phương thức làm việc; tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí. Việc ứng dụng các nền tảng số để quản lý văn bản, hồ sơ, lịch làm việc sẽ đảm bảo thông tin thông suốt và kịp thời. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh uỷ, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có thể sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định dựa trên bằng chứng, nâng cao chất lượng tham mưu và hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp tăng cường sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; công khai thông tin hoạt động của các cơ quan đảng trên môi trường số, tạo điều kiện cho người dân giám sát và phản biện; xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên, đảm bảo tính khách quan và công bằng; ứng dụng công nghệ blockchain để tăng cường tính bảo mật và minh bạch trong quản lý tài chính và tài sản công.

Thứ hai, chuyển đổi số trong các cơ quan đảng tỉnh giúp nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và tăng cường tương tác, thông qua các lợi thế sau: (1) Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi; (2) Xây dựng các kênh tương tác trực tuyến đa dạng, như: Cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động, để lắng nghe và giải quyết kịp thời các ý kiến, phản ánh của người dân; (3) Xây dựng các cơ sở dữ liệu về người dân, doanh nghiệp một cách đồng bộ để có thể phục vụ một cách tốt nhất.

Hội nghị trực tuyến được triển khai từ điểm cầu Trung ương đến các điểm cầu cấp xã

Thứ ba, chuyển đổi số sẽ giúp đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường sự kết nối. Hệ thống thông tin báo cáo số sẽ được xây dựng, giúp cán bộ lãnh đạo nắm bắt tình hình một cách nhanh chóng và chính xác. Các công cụ họp trực tuyến, hội nghị truyền hình sẽ được ứng dụng, giúp tăng cường sự kết nối và trao đổi thông tin giữa các cấp ủy đảng. Các phần mềm ứng dụng sau khi trển khai sẽ giúp điều hành công việc một cách hiệu quả.

Thứ tư, chuyển đổi số góp phần xây dựng môi trường làm việc số trong toàn Đảng bộ; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, đồng bộ và liên thông trong toàn Đảng bộ tỉnh. Các hệ thống quản lý đảng viên, quản lý tài liệu sẽ được xây dựng, giúp quản lý công việc một cách khoa học. Cán bộ, đảng viên sẽ được tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; tạo ra môi trường làm việc số, cho phép lãnh đạo đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu.

Một lớp tập huấn về vận hành hệ thống cổng thông tin điện tử

Trong thời gian qua, tỉnh ta đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan đảng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Nhận thức về chuyển đổi số của một số cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, có mặt thậm chí còn hạn chế; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ và hiện đại; thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về chuyển đổi số; việc chia sẻ và kết nối dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị còn gặp khó khăn.

Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan đảng tỉnh thời gian tới

Thứ nhất, giải pháp về nâng cao nhận thức và trách nhiệm, gồm: (1) Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, đảng viên; (2) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyển đổi số.

Thứ hai, giải pháp về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, gồm: (1) Đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới, trung tâm dữ liệu và các hệ thống thông tin đồng bộ, hiện đại; (2) Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.

Thứ ba, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, gồm: (1) Tuyển dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia có chuyên môn về chuyển đổi số; (2) Xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.

Thứ tư, giải pháp về tăng cường chia sẻ và kết nối dữ liệu, gồm: (1) Xây dựng các quy định và tiêu chuẩn về chia sẻ và kết nối dữ liệu; (2) Phát triển các nền tảng chia sẻ và kết nối dữ liệu dùng chung.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng, gồm: (1) Số hóa các quy trình nghiệp vụ và thủ tục hành chính; (2) Triển khai các hệ thống thông tin quản lý điều hành số; (3) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới vào hoạt động của các cơ quan đảng.

Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu và không thể đảo ngược. Để thực hiện thành công chuyển đổi số trong các cơ quan đảng tỉnh cần có sự quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Lê Tâm 

 

 

Tag:

Bài viết tích hợp từ : quangbinh.dcs.vn