Trang nhã trang phục phụ nữ Sán Dìu

Chủ nhật, 30/10/2016 20:38
(ĐCSVN) - Không rực rỡ sắc màu như trang phục dân tộc Mông hay Pà Thẻn, nhưng trang phục người Sán Dìu mang nét độc đáo, thể hiện bản sắc riêng có, không pha trộn với bất cứ dân tộc nào trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, trong một số hoạt động gần đây tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội) với sự tham gia của cộng đồng các dân tộc anh em trên nhiều vùng miền đất nước, công chúng được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó trang phục truyền thống Sán Dìu đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về phong tục tập quán, ngôn ngữ, các giá trị truyền thống của dân tộc Sán Dìu, cũng như cảm nhận về vai trò của công tác bảo tồn văn hóa, sự đa dạng, sinh động của vườn hoa văn hóa cộng đồng 54 dân tộc anh em.


Đến với “Ngôi nhà chung” 54 dân tộc anh em, đồng bào Sán Dìu mang tới những bộ trang phục trang nhã, đẹp mắt với các chi tiết hoa văn, thêu thùa, kỹ thuật phối màu không sặc sỡ, cầu kỳ, nhưng toát lên vẻ khỏe khoắn và nét đặc trưng của dân tộc Sán Dìu.

Nhìn tổng thể, các bộ áo váy phụ nữ Sán Dìu có gam màu chàm chủ đạo bao gồm khăn đội đầu, áo yếm, áo dài xẻ tà hai bên, váy dài qua đầu gối, thắt lưng và bắp chân cuốn xà cạp trắng…
Áo yếm phụ nữ Sán Dìu là một mảnh vải hình thoi, gồm có bốn cạnh, trên đầu mỗi cạnh là một dây dài dùng để buộc lên cổ khi mặc, hai dây ngang eo buộc sau lưng. Áo yếm tạo cho người mặc gọn gàng hơn. Cổ áo được trang trí bằng việc đính hai chiếc khuy áo bằng bạc, với tua rua xanh đỏ ở đuôi khuy đẹp mắt.
Những chiếc khăn đội đầu được người phụ nữ Sán Dìu dùng để làm đẹp nhưng cũng để mái tóc của mình gọn gàng hơn khi lao động.
Để làm nổi bật bộ trang phục, phụ nữ Sán Dìu dùng những dây vải màu sắc xanh, đỏ, tím để làm thắt lưng buộc ngang lưng và tạo độ xòe, độ mềm mại cho áo, váy.
Đồ vật không thể thiếu trong trang phục của phụ nữ Sán Dìu là vòng trang sức. Vào dịp lễ hội, các cô gái Sán Dìu thường mặc trang phục truyền thống để cùng các chàng trai thể hiện những làn điệu hát truyền thống của dân tộc mình.

Các cô gái Sán Dìu trồng chàm và nhuộm vải chàm, họ đánh giá đức hạnh, tài năng người phụ nữ qua khả năng nhuộm chàm. Trang phục của họ gắn với sự cần cù, khéo léo của người phụ nữ Sán Dìu. Đó là một tác phẩm nghệ thuật góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam
.

Dân tộc Sán Dìu còn có tên gọi khác: Trại, Trại Ðất, Mán Quần cộc, Mán Váy xẻ..., dân số trên 146.821 người. Dân tộc Sán Dìu sinh sống phân bố ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Cạn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Người Sán Dìu có làm ruộng nước nhưng không nhiều, canh tác ruộng khô là chính. Ngoài các loại cây trồng thường thấy ở nhiều vùng như lúa, ngô, khoai, sắn... 

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực