KHÁI QUÁT VỀ BẠC LIÊU
--------
Lịch sử hình thành
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bạc Liêu vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và hơn hết là nhờ sự “chung sức, đồng lòng” dựng xây quê hương của ba dân tộc Kinh, Khơme và Hoa.
Năm 1680, Mạc Cửu, một di thần nhà Minh ở Trung Quốc đến vùng Mang Khảm chiêu tập một số lưu dân người Việt, người Hoa cư trú ở Mang Khảm, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Luống Cày (Lũng Kỳ), Hưng úc (tức Vũng Thơm hay Kompong som), Cần Bột (Campốt) lập ra những thôn xóm đầu tiên trên vùng đất Bạc Liêu.
Năm 1708, Mạc Cửu dâng vùng đất Mang Khảm cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên toàn bộ thôn xóm vùng này là trấn Hà Tiên, phong Mạc Cửu là Tổng binh trấn Hà Tiên, với tước Cửu Ngọc Hầu. Mạc Cửu lập dinh trại đồn trú tại Phương Thành, nhân dân quy tụ ngày càng đông.
Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát thu nhập thêm vùng đất Ba Thắc, lập ra Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Sóc Trăng, Bạc Liêu). Toàn bộ vùng đất phương Nam thuộc về chúa Nguyễn. Đến năm 1777, Trấn Giang, Trấn Di được bãi bỏ.
Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi. Năm 1808, trấn Gia Định đổi là thành Gia Định cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Long), Hà Tiên.
Năm 1832, vua Minh Mạng bỏ thành Gia Định, chia Nam Kỳ thành lục tỉnh: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, bao gồm đất từ Hà Tiên đến Cà Mau. Phần đất tỉnh An Giang, tính từ Châu Đốc đến Sóc Trăng và Bạc Liêu tính đến cửa biển Gành Hào.
Ngày 5-1-1867, thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ. Đến ngày 5-6-1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 24 khu tham biện (inspection - có người dịch là khu thanh tra) do các viên thanh tra hành chính (inspecteur) đảm nhiệm.
Năm 1877, Pháp điều chỉnh Nam Kỳ còn 20 khu tham biện. Đến ngày 18-12-1882, Pháp cắt 3 tổng: Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Thuỷ của đại lý (Dlégation) Cà Mau thuộc địa hạt Rạch Giá (Arrondissement de Rach Gia) và hai tổng Thạnh Hoà, Thạnh Hưng của đại lý Châu Thành thuộc địa hạt Sóc Trăng và thành lập địa hạt Bạc Liêu (Arrondissement de Bạc Liêu). Địa hạt Bạc Liêu là địa hạt thứ 21 của Nam Kỳ, lúc đầu có 2 đại lý: Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu.
Ngày 20-12-1899, toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh bỏ xưng danh địa hạt, đổi thành tỉnh, đại lý đổi thành quận. Ngày 1-1-1900, sắc lệnh trên được áp dụng cho toàn Nam Kỳ.
Năm 1904, quận Vĩnh Lợi cắt một phần đất phía bắc nhập thêm vào quận Vĩnh Châu. Diện tích của tỉnh Bạc Liêu lúc này là 740 nghìn ha.
Năm 1918, chính quyền thực dân Pháp cắt một phần đất phía nam quận Vĩnh Lợi và một phần đất phía bắc quận Cà Mau thành lập quận Giá Rai.
Ngày 25-10-1955, Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh số 143/NV phân định lại địa phận hành chính các tỉnh miền Nam, sáp nhập các quận Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu vào Sóc Trăng, thành lập tỉnh Ba Xuyên. Toàn bộ vùng đất quận Cà Mau lập thành tỉnh An Xuyên.
Ngày 8-9-1964, Ngụy quyền Sài Gòn ký Sắc lệnh số 254/NV tái lập tỉnh Bạc Liêu gồm các quận: Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu và Phước Long (Rạch Giá). Địa phận này tồn tại cho đến ngày 30-4-1975.
Về phía chính quyền cách mạng: việc phân chia địa giới hành chính tỉnh Bạc Liêu trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khác hẳn chính quyền Sài Gòn. Năm 1947, quận Hồng Dân thuộc tỉnh Rạch Giá giao hai làng Vĩnh Hưng, Vĩnh Phú về quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Năm 1948, tỉnh Bạc Liêu giao quận Vĩnh Châu và làng Hưng Hội về tỉnh Sóc Trăng, đồng thời thành lập thêm quận mới lấy tên là quận Ngọc Hiển.
Ngày 13-11-1948, cắt 2 làng Vĩnh Trạch, Vĩnh Lợi để thành lập thị xã Bạc Liêu. Cùng thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng giao làng Châu Thới về Bạc Liêu. Làng Châu Thới hợp nhất với làng Long Thạnh thành làng Thạnh Thới.
Năm 1951, thành lập thêm huyện Trần Văn Thời, gồm các xã: Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Trần Hợi, Hưng Mỹ, Khánh An, Khánh Lâm. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận hai huyện An Biên, Hồng Dân của tỉnh Rạch Giá.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1955, huyện Vĩnh Châu được đưa về tỉnh Bạc Liêu, huyện An Biên và huyện Hồng Dân đưa về tỉnh Rạch Giá. Huyện Vĩnh Lợi và thị xã Bạc Liêu được tái lập.
Năm 1957, Liên Tỉnh uỷ miền Tây chia các huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu về tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định hợp nhất huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi, thành huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu.
Năm 1962, huyện Giá Rai sáp nhập vào tỉnh Cà Mau. Năm 1963, Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định tách huyện Vĩnh Châu khỏi huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu, thành lập huyện Vĩnh Châu.
Tháng 11-1973, Khu uỷ Tây Nam Bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, gồm 4 đơn vị hành chính cấp huyện: Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân và thị xã Bạc Liêu.
Vào đầu năm 1976, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam hợp nhất hai tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau thành tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau, đến gần giữa năm 1976 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau đổi tên thành tỉnh Minh Hải.
Ngày 1-1-1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai và giữ nguyên cho đến ngày nay.
Xuất xứ tên gọi Bạc Liêu
Danh xưng “Bạc Liêu”, đọc theo tiếng Trung, giọng Triều Châu là Pô Léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là “Bạc” và Léo phát âm là “Liêu”.
Một giả thuyết khác cho rằng: Pô là bót, đồn. Liêu là Lào (Ai Lao) theo tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào.
Còn người Pháp, họ căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu nên gọi vùng đất này là Phêcheri - chaume (đánh cá và cỏ tranh). Ngoài ra còn một số giả thuyết khác.
Vài nét về tính cách và văn hóa của người Bạc Liêu
Về mặt lịch sử, vùng đất Bạc Liêu mới hình thành trên 200 năm. Do điều kiện đất đai và cấu tạo dân cư buổi đầu, Bạc Liêu không giống các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Dân cư không hình thành từ “lũy tre làng”, “cha truyền con nối”. Dân cư Bạc Liêu đa số là dân “xiêu tán”, nghèo khổ “tha phương cầu thực”. Họ định cư rải rác trên các gò đất cao, trên các bờ sông, các kinh xáng. Người Kinh, người Khơ-me, người Hoa đã đan xen nhau, luôn tương trợ, đoàn kết khi hoạn nạn, chân thành cởi mở, thích “làm ăn lớn”. Phong cách ứng xử người dân Bạc Liêu mang tính cách nông dân thôn dã, chất phác, bộc trực, dám phản kháng mạnh mẽ trước bất công xã hội.
Ở Bạc Liêu, có 3 dòng văn hóa đan xen nhau đó là: văn hóa Kinh, văn hóa Khơ-me, văn hóa người Hoa, trong quá trình hội nhập, phát trển.Hàng năm trên vùng đất Bạc Liêu có rất nhiều lễ hội. Người Kinh có lễ hội cúng đình, thờ thần hoàng bổn cảnh có công với nước được triều đình nhà Nguyễn Sắc phong. Ngoài ra còn có đại lễ Kỳ Yên còn gọi là lễ thượng điền giữa tháng 5 âm lịch, lễ thắp miếu còn gọi là lễ hạ điền vào giữa tháng 12 âm lịch.Đồng bào Khơ-me có lễ hội vào năm mới (Chol-Chnam-Thmây) vào giữa tháng 4 dương lịch, lễ hội chào mặt trăng (Oóc-Om-Boóc) vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, lễ hội Đôn-ta nhằm thực hiện việc xá tội vong nhân theo đạo lý nhà Phật.
Đồng bào Hoa có lễ cúng Thanh Minh vào tháng 3 âm lịch, lễ thí giàng vào tháng 7 âm lịch.
Trong giao tiếp, lớp người trung niên giữa Kinh và Khơ-me hay kết thân nhau làm “ní” (người cùng tuổi). Trai, gái Kinh và Hoa thường gọi nhau là “hia”, “chế” thay cho từ anh, chị.Về văn hóa nghệ thuật Bạc Liêu, có bản vọng cổ của bác Sáu Lầu, chuyện vui bác Ba Phi, nói thơ điệu Bạc Liêu của ông Thái Đắc Hàn, vè của ông Bửu Trượng.
Tính cách người dân Bạc Liêu dưới thời Pháp thuộc in đậm tính cách lưu dân người Việt “đủ tinh thần thực tiễn, nhưng thiếu chữ; đủ đạo đức làm dân mà ít thuộc kinh truyện”. Trước đây một số ngươi giàu ở Bạc Liêu có quan niệm “lấy táu đong lúa chứ không ai lấy táu đong chữ”. Điển hình là Ba Huy con ông Hội đồng Trần Trinh Trạch, một thời tiêu xài “xả láng” để đồng bào cả nước mỉa mai sự xa xỉ đó bằng tên gọi “công tử Bạc Liêu”.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vùng đất Bạc Liêu trở thành căn cứ kháng chiến của Nam bộ. Trường học mọc lên đều khắp. Bộ mặt văn hóa khác hẳn xưa. Tuy vậy Bạc Liêu vẫn chưa có những công trình, những tác phẩm nghệ thuật tương xứng với bề dầy lịch sử của nó.
Vị trí địa lý
Tỉnh Bạc Liêu nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có toạ độ từ 9000’00’’ đến 9037’30’’ vĩ độ bắc và từ 105015’00” đến 105052’30” kinh độ đông, cách thành phố Hồ Chí Minh 280 km (về phía bắc). Phía bắc giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, phía đông và đông bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, phía tây và tây nam giáp tỉnh Cà Mau, phía đông và đông nam giáp biển Đông.
Dân số
Dân số tỉnh Bạc Liêu là 856.250 người (01/4/2009), ba dân tộc chủ yếu là dân tộc Kinh (chiếm khoảng 90% dân số) – dân tộc Khmer (chiếm khoảng 7% dân số) và dân tộc Hoa (chiếm khoảng 3% dân số).
Đơn vị hành chính
Ngày 1-1-1997, Bạc Liêu được tái lập với 4 đơn vị hành chính gồm: 3 huyện (Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai) và thị xã Bạc Liêu, trong đó thị xã Bạc Liêu là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh. Đến cuối năm 2005, tỉnh Bạc Liêu có 6 huyện (chia tách từ 3 huyện cũ) là Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Hoà Bình, Giá Rai, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu.
Đất đai, địa hình
Đất đai: Bạc Liêu có diện tích đất tự nhiên 2.594 km2.
Địa hình: khá bằng phẳng, không có đồi, núi nên không có các chấn động địa chất lớn. Địa hình cơ bản là đồng bằng với các cánh đồng rộng mênh mông, sông rạch và kênh đào chằng chịt.
Khí hậu
Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô (mùa nắng) bắt đầu từ tháng 10-11 năm trước đến tháng 4 - 5 năm sau; mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 - 5 đến tháng 10 - 11.
Nhiệt độ trung bình năm 28,50C, nhiệt độ thấp nhất trong năm là 210C (vào mùa mưa), nhiệt độ cao nhất trong năm là 360C (vào mùa nắng).
Tài nguyên
- Tài nguyên rừng và động - thực vật: rừng Bạc Liêu thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn như: tràm, chà là, giá, cóc, lâm vồ,... Bên dưới là thảm thực vật gồm cỏ và các loài dây leo. Theo Viện sinh học nhiệt đới, rừng Bạc Liêu có 104 loài thực vật, 10 loài thú nhỏ, 8 loài bò sát,...
Sau khi các kênh xáng được đào xong, đại bộ phận đất ngập úng ở Bạc Liêu được ngăn mặn, xổ phèn. Kết quả, hơn 240 nghìn ha đất hoang hoá trở nên màu mỡ. Bạc Liêu nhanh chóng trở thành tỉnh đứng đầu Nam Kỳ về diện tích trồng lúa nước; đứng thứ hai (sau Kiên Giang) về nguồn lợi thuỷ sản.
Ngoài ra, Bạc Liêu có 01 vườn chim hoang dã (diện tích hơn 30 ha) ở xã Hiệp Thành, cách thị xã Bạc Liêu khoảng 3 km (về phía đông); hai vườn cò ở thị trấn Phước Long và Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long); một vườn chim với loài giang sen quý hiếm ở huyện Đông Hải. Đặc biệt, vườn chim Bạc Liêu là vườn chim lớn nhất trong tỉnh với khoảng hơn 40 loài chim, số lượng hơn 60 nghìn con, gồm nhiều loại như: điên điển, quắm trắng, quắm đen, chằn bè, cò lông bông, le le, vịt nước, còng cộc, vạc, cò ngà, cò trắng, giang sen, mỏ thác, ốc cao, thằng chài, diệc Sunatra,... Vườn chim Bạc Liêu là một trong những khu vực được đưa vào hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia của Việt Nam.
- Hệ thống sông ngòi: Bạc Liêu có hệ thống sông ngòi, kênh đào chằng chịt, cơ bản chia làm hai nhóm:
Nhóm 1: chảy ra hải lưu phía nam, gồm: sông Gành Hào (dài 55 km) có các nhánh là rạch Giồng Ké, rạch Lộ, rạch Nhà Thờ, rạch Cái Keo, rạch Gốc,...; sông Mỹ Thanh (70 km) có các nhánh là rạch Lé, rạch Bạc Liêu, rạch Trò Nho, rạch Trà Niêu, rạch Trà Teo, trong đó rạch Bạc Liêu dài 35 km.
Nhóm 2: chảy ra sông Ba Thắc (thường gọi là sông Hậu, tức Hậu Giang). Nhóm này gồm rạch Ba Xuyên và các nhánh nhỏ của rạch Ba Xuyên.
Về kênh đào: để tháo phèn phục vụ sản xuất và phục vụ nhu cầu giao thông, giai đoạn 1901 - 1903, chính quyền thực dân đã đào kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp dài 140 km, đoạn Bạc Liêu - Cà Mau dài 48, 5 km. Đến năm 1915, chính quyền thực dân lại dùng xáng nạo vét mở rộng kênh đào Bạc Liêu - Cà Mau (dài 66 km) và đào thêm kênh Bạc Liêu - Cổ Cò (dài 18 km). Sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), chính quyền thực dân tiếp tục khai thác vùng đất Bạc Liêu với quy mô lớn hơn: năm 1920, đào kênh xáng Hộ Phòng - Chủ Chí - Chợ Hội (dài 29 km) và kênh Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền (dài 33 km); năm 1925, đào kênh xáng Lộ Bẻ - Gành Hào dài 18 km; năm 1931 đào kênh xáng Xóm Lung - Cống Cái Cùng (dài 13 km), kênh xáng cầu số II - Phước Long (dài 24 km) và kênh xáng Cầu Sập - ngã tư Vĩnh Phú - Ngan Dừa (dài 49,5 km).
- Biển: Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km. Biển Bạc Liêu có nhiều loài tôm, cá, ốc, sò huyết,... Hàng năm, sản lượng khai thác đạt gần 100 nghìn tấn cá, tôm. Trong đó, sản lượng tôm gần 10 nghìn tấn.
Bờ biển thấp và phẳng rất thích hợp để phát triển nghề làm muối, trồng trọt hoặc nuôi tôm, cá. Hàng năm, sự bồi lấn biển ở Bạc Liêu ngày một tăng. Đây là điều kiện lý tưởng cho Bạc Liêu phát triển thêm quỹ đất, đồng thời là yếu tố quan trọng đưa kinh tế biển của Bạc Liêu phát triển./.