Đối tượng cướp 500 triệu tại ngân hàng ở Phú Thọ phải chịu khung hình phạt nào?

Thứ hai, 03/06/2019 23:08
(ĐCSVN) - Ngày 1/6, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Phú Thọ) đã bắt giữ được đối tượng gây ra vụ cướp hơn 500 triệu tại huyện Thanh Ba sau hơn 1 ngày truy bắt...

Đã bắt được hung thủ cướp ngân hàng ở Phú Thọ

Cơ quan điều tra lấy lời khai đối tượng Nguyễn Thành Nam. (Ảnh: Công an Phú Thọ)

Theo đó, đối tượng bị bắt được xác định là Nguyễn Thành Nam, sinh năm 1985 ở khu 5 xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Tại cơ quan Công an, đối tượng Nguyễn Thành Nam đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Nam khai nhận do sa vào lô đề cờ bạc nên Nam đã dính vào nợ nần. Để có tiền trả nợ nên Nam đã nghĩ đến việc đi cướp ngân hàng. Nam đã lên kế hoạch một cách rất tỉ mỉ như: mượn xe máy của người quen ở tỉnh xa, chuẩn bị găng tay, mũ bảo hiểm, súng nhựa, áo mưa và tính toán tuyến đường bỏ chạy. Đặc biệt đối tượng đã làm mờ biển số xe để tránh bị phát hiện.

Lúc 10 giờ 32 phút ngày 31/5, đối tượng đã đến điểm giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi nhánh huyện Thanh Ba, thuộc khu 10, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ dùng súng và dao uy hiếp, cướp hơn 500 triệu đồng trong lúc nhân viên ở đây đang kiểm đếm tiền. 

Bàn về khung hình phạt dành cho đối tượng Nguyễn Thành Nam, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích:

Ở đây có thể thấy hành vi của đối tượng Nguyễn Thành Nam là dùng súng và dao đe doạ ngay tức khắc dùng vũ lực đối với  nhân viên  của Ngân hàng để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Mặc dù đối Tượng Nguyễn Thành Nam dùng công cụ phạm tội là súng nhựa, tuy nhiên đó là hành vi cụ thể của người phạm tội biểu hiện cho người bị tấn công biết rằng người phạm tội có thể sử dụng vũ lực (khi bắn, chém…) ngay tức khắc nếu người bị tấn công có hành vi cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội nhằm làm tê liệt ý chí kháng cự của người bị tấn công nhằm chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của ngân hàng.

Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước của tổ chức và công dân. Ngoài ra, còn có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc người (bất cứ nhân viên nào của ngân hàng) khi cản trở việc thực hiện tội phạm của đối tượng phạm tội.

Đối tượng Nam đã trưởng thành và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Đối tượng đã lên kế hoạch một cách rất tỉ mỉ như: mượn xe máy của người quen ở tỉnh xa, chuẩn bị găng tay, mũ bảo hiểm, súng nhựa, áo mưa và tính toán tuyến đường bỏ chạy. Đặc biệt đối tượng đã làm mờ biển số xe để tránh bị phát hiện. Hành vi của đối tượng thuộc dấu hiệu của tội Cướp tài sản, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 168 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

"Rút kinh nghiệm từ vụ án, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho các ngân hàng cần xem xét lại công tác đảm bảo an ninh, an toàn tài sản (nhất là tiền mặt) tại các trụ sở chính cũng như chi nhánh. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh địa phương trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản tại các điểm giao dịch nhằm đề phòng các sự việc tương tự đáng tiếc có thể xảy ra" - Luật sư Khương Tân Phương cho biết.

Điều 168 - Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Có tổ chức;

(b) Có tính chất chuyên nghiệp;

(c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

 (d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

(đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

(e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

 (g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

(h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

(b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

(c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

(a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

(b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

(c) Làm chết người;

(d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực