Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng

Thứ tư, 10/06/2020 13:41
(ĐCSVN) - 5 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp và tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động. Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống, củng cố sức khỏe cho hàng ngàn người lao động thất nghiệp và gia đình.

Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 6/2020, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, 5 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp và tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động. Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống, củng cố sức khỏe cho hàng ngàn người lao động thất nghiệp và gia đình; giảm thiểu áp lực kinh tế đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh; góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.

 Bưu điện Việt Nam ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”. Ảnh: Đỗ Thoa


Tăng 26 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với năm 2019

Trong thời gian này, dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, để chung tay cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thực hiện chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp do dịch bệnh gây ra; đảm bảo công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp trong khai báo y tế điện tử, đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Tính đến ngày 31/5, tổng số 14,404 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đạt 89,8% kế hoạch giao (giảm 11,5 nghìn người so với tháng 4/2020, giảm 796 nghìn người so với năm 2019). 600,6 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 50% kế hoạch giao (tăng 42 nghìn người so với tháng 4/2020, tăng 26 nghìn người so với năm 2019). Số tham gia bảo hiểm y tế là 85,078 triệu người, đạt 96,6% kế hoạch giao (giảm 109 nghìn người so với tháng 04/2020, giảm 849 nghìn người so với năm 2019).

Theo ông Đào Việt Ánh, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế giảm do nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, người lao động không có việc làm phải ngưng việc, nghỉ việc, thu nhập của người dân giảm do dịch bệnh nên có một bộ phận không thể tham gia hoặc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế…

Riêng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng, vượt xa con số cuối năm 2019. Có được điều này là do ngày 23/5/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đổi mới công tác truyền thông khi lần đầu tiên phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức thành công “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” trên quy mô toàn quốc. Theo đó, chỉ sau hai ngày (23 và 24/5) ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, toàn quốc đã có 30.017 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và phát triển thêm được 4.734 người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Ngoài việc thành công trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Lễ ra quân có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự kiện truyền thông tạo được sự lan tỏa về chính sách bảo hiểm xã hội trong nhân dân, đối với năm đầu tiên thực hiện Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: ĐT) 

1.171 đơn vị được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch COVID-19. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm xã hội Việt Nam kịp thời ban hành trên 25 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch COVID-19 như: Thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 4,5 trong cùng một kỳ chi trả cho người hưởng qua thẻ ATM, trực tiếp tại nhà; kịp thời chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp do dịch bệnh gây ra; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2; thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí đảm bảo cho hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh có người bệnh bị mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19...

Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến ngày 31/5, có 53 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đã nhận được hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của đơn vị, doanh nghiệp. Theo đó, tổng số đơn vị đã được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng là 1.171 đơn vị, tương ứng với 107.327 lao động và số tiền ước khoảng 396 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia cũng được ngành bảo hiểm xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra phức tạp. Hiện toàn ngành đang thực hiện chi trả cho hơn 3,2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Ước đến ngày 3/6, toàn ngành giải quyết hưởng mới các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) cho khoảng 50.297 người; giải quyết hưởng mới các chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp một lần, tuất một lần cho khoảng 353.616 người với số tiền 13.154,7 tỷ đồng; giải quyết chế độ ốm đau cho gần 3 triệu lượt người với số tiền chi trả là 1.413,3 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã giải quyết chế độ thai sản cho khoảng 743.310 lượt người với số tiền 9.591,5 tỷ đồng; dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho khoảng 162.132 lượt người với số tiền 417,8 tỷ đồng; chi trả cho 558.418 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trong đó hưởng mới là 298.833 người) với số tiền 5.009 tỷ đồng.

Số tiền chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống giám định bảo hiểm y tế ước đến ngày 4/6 đạt khoảng 38 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm số chi của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), với tỷ lệ sử dụng dự toán năm khoảng 38%./.

 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực