Ấm lòng người nghèo khi Tết đến, Xuân về

Thứ tư, 14/02/2018 16:00
(ĐCSVN) - Với mong muốn để người nghèo, người có công, gia đình chính sách có một cái Tết đủ đầy và ấm áp, càng gần Tết càng có thêm nhiều đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đi đến những vùng khó khăn trên cả nước với hàng triệu suất quà cùng nhiều hành động thiết thực để tặng các đối tượng chính sách.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng quà hộ nghèo
xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh:TH)

Tết là thời khắc quan trọng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là dịp để mọi người sum vầy với gia đình người thân, quanh những bữa cơm đầm ấm... Nhưng đối với nhiều người nghèo khó, những người phải lo từng bữa ăn thì dường như Tết vẫn là chuyện xa vời...

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không để làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Xác định rõ điều đó, 73 năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Đảng, Nhà nước ta đã đề ra phấn đấu mỗi năm giảm từ 1 - 1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.

Tuy nhiên, để làm được điều này không đơn giản dù Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được nhân dân đánh giá cao, được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng về giảm nghèo, bởi xã hội càng phát triển thì khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn, rõ hơn và vì thế, việc thoát nghèo lại trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, hàng năm, chúng ta luôn phải hứng chịu những thiên tai, bão lũ với trung bình tới hơn mười cơn bão đổ bộ một năm, tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản và cướp đi mạng sống của bao người. Việt Nam chưa bao giờ hết gian nan trong cuộc chiến với thiên tai. Riêng năm 2017, mưa bão, thiên tai diễn biến phức tạp, dồn dập, gây khó khăn và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân nhiều tỉnh, thành phố, nhất là đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Nhà cửa, ruộng vườn, tài sản của hàng chục triệu người bị thiệt hại nặng nề…. Nhưng cũng từ trong gian nan ấy, những tấm lòng nhân ái, những nghị lực phi thường chính là động lực để  cộng đồng cùng nhau khơi dậy tinh thần chung tay vì người nghèo.

Đáng chú ý, chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất năm nay, nhiều tỉnh, thành phố đã họp bàn triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, trọng tâm là quyết định dành những khoản kinh phí cao hơn năm trước để giúp người nghèo, người dân vừa bị thiệt hại nặng nề do thiên tai có thể đón Tết đầy đủ, ấm áp.

Mặc dù bộn bề công việc của tháng cuối năm, lại thêm thời tiết giá rét kéo dài nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước, những đoàn công tác, những xe quà Tết vẫn hối hả lên với các bản, làng, buôn, sóc vùng cao. Từ Sơn La, Lai Châu, đến Thanh Hóa, Nghệ An,… nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách đã nhận được những món quà Tết đầu tiên.

Cùng với những món quà Tết ấm áp, với quyết tâm không để người dân nào thiếu đói, trước trong và sau Tết, các cấp, các ngành đã chỉ đạo đến tận cơ sở tiến hành rà soát tình hình đời sống của bà con, xem có hộ dân nào cần cứu trợ; đồng thời, dự phòng nguồn kinh phí an sinh xã hội nhằm kịp thời hỗ trợ cho các hộ thiếu lương thực, thiếu đói trên địa bàn cả nước.

Cùng với đó, nhiều địa phương đã chủ động bố trí, tổ chức nhiều hoạt động cùng chăm lo Tết cho người nghèo. Cụ thể, lần đầu tiên Thái Nguyên đã tổ chức "Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2018". 8.500 suất quà, 200 con bò và 120 chiếc xe đạp đã được trao tặng cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí hơn 45 tỷ đồng. Tỉnh ủy Thái Nguyên đã huy động trên 70 đơn vị, đoàn thể cùng huy động nguồn lực để chăm lo Tết cho người nghèo, ưu tiên các hộ nghèo ở các thôn bản khó khăn nhất của tỉnh; Tỉnh ủy Nghệ An quyết định không bắn pháo hoa chào năm mới để dành kinh phí chăm lo Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động Chương trình Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, với mục tiêu có 2 triệu suất quà Tết, gấp hai lần năm trước…

Thực tế, để người nghèo thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, cần sự đồng hành, chia sẻ trong suốt quá trình lao động, sản xuất, chứ không riêng gì những ngày Tết. Tuy nhiên, với những hộ thật sự khó khăn, món quà Tết sẽ rất có ý nghĩa. Đó sẽ là động lực, là sự sẻ chia kịp thời để họ vươn lên tự chủ được cuộc sống của mình, để “không có ai bị bỏ lại phía sau”, như quyết tâm và hành động của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Và cũng bởi, việc giúp đỡ người nghèo không chỉ là một hành động giàu tính nhân văn mà còn là yêu cầu, là mục tiêu của phát triển bền vững.

Một mùa Xuân mới đang về! Bằng những việc làm thiết thực, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cả nước đang chung tay góp sức chăm lo để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết đầm ấm, yên vui./.

Thu Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực