Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Ngành Tư pháp đang từng bước mạnh lên!

Thứ ba, 20/02/2018 12:21
(ĐCSVN) - Với những kết quả Bộ, ngành Tư pháp đã nỗ lực đạt được trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn tự hào khi nói rằng: ngành Tư pháp đang từng bước mạnh lên".

Chủ động trong phản ứng chính sách

Trong năm 2017, thực hiện chủ trương xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả”, trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm rất cao trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật, với vai trò cơ quan tham mưu, lực lượng “chủ công”, Bộ, ngành Tư pháp coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. (Ảnh: TH).

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2017 vừa qua, nói về vai trò của thể chế trong tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, chỉ cần một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý sẽ làm hạn chế cơ hội gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho các hành vi nhũng nhiễu và “thủ tục hành chính hiện đang là rào cản lớn cho sự phát triển”. Với quan điểm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, năm 2017, Bộ Tư pháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội của các bộ, cơ quan, địa phương. Trên cơ sở đó đề xuất nhiều giải pháp về xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Năm 2017 cũng là năm tạo nhiều dấu ấn mạnh mẽ khi tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, đặc biệt, không còn văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong kết quả đó, có vai trò rất lớn của Bộ Tư pháp.

Cùng với đó, chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ngày càng được nâng cao, chú trọng vào tính đồng bộ, thống nhất và đặc biệt là tính khả thi của văn bản, việc xử lý các văn bản trái pháp luật được đôn đốc, thực hiện quyết liệt, kịp thời hơn, nhất là những văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo chuyên đề, địa bàn và theo các nguồn thông tin được thực hiện kịp thời giúp giảm thiểu những  quy định “trên trời”, thiếu tính khả thi, xa rời thực tế cuộc sống khẳng định vị thế ngành Tư pháp trong đời sống xã hội, trở thành người gác cửa tin cậy cho Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được toàn Ngành chú trọng vào các VBQPPL mới, các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và những vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

Một trong những điểm nhấn của năm 2017 là việc Bộ, ngành Tư pháp đã phản ứng kịp thời đối với các chính sách, điểm “nóng” về mặt pháp lý trong đời sống kinh tế - xã hội để có những đề xuất, giải pháp kịp thời, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.Theo đó, công tác theo dõi thi hành pháp luật được các Bộ, ngành, địa phương chú trọng, gắn với các sự kiện, các “điểm nóng” được dư luận quan tâm như: Việc cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không mang theo bản chính đăng ký lái xe do thế chấp ngân hàng; vụ việc về khách hàng thuê bao sim di động phải chụp ảnh...và tập trung vào lĩnh vực trọng tâm liên ngành được xác định là lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nhiều lần yêu cầu, cán bộ trong ngành Tư pháp “chủ động hơn trong phản ứng chính sách”. Bởi, ngành Tư pháp có công cụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, giúp thực hiện kịp thời, nhạy bén và phản ứng sát sao với thực tiễn.

Cũng trong năm, một điểm mới đáng chú ý không thể không nhắc đến đó là việc Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong 04 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài tại Hội đồng trọng tài quốc tế, trong đó 02 vụ kiện phía Việt Nam đã giành thắng lợi, được Hội đồng trọng tài tuyên bố chấm dứt vụ kiện và 02 vụ đang trong quá trình tố tụng.

Bên cạnh các kết quả nêu trên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận chất lượng một số VBQPPL chưa cao, còn tình trạng nợ đọng thông tư của các Bộ; quản lý xử lý vi phạm hành chính,  theo dõi thi hành pháp luật còn nhiều khó khăn còn tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực, lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2; việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp còn có sai sót, bị dư luận lên tiếng; vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án dân sự …

Tuy nhiên, một năm nhìn lại, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn, có thể thấy với kết quả công tác của Bộ, ngành Tư pháp đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội của đất nước; đồng thời củng cố và nâng cao vị thế của Bộ, ngành Tư pháp trong hệ thống chính trị.

Với những gì Bộ, ngành Tư pháp đã nỗ lực đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định: "Chúng ta hoàn toàn tự hào khi nói rằng: ngành Tư pháp đang từng bước mạnh lên”...

Đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật

Có được những kết quả nổi bật trên, trước hết phải kể đến sự đổi mới tư duy, mạnh mẽ, quyết liệt trong hành động với nỗ lực làm thay đổi diện mạo công tác tư pháp cùng với tinh thần gắn bó với Ngành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Không chỉ các cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp, nhiều người biết đến Bộ trưởng Lê Thành Long đều có chung nhận xét Bộ trưởng là “tư lệnh hành động”.

Ban đầu, khi Bộ trưởng mạnh tay cắt giảm đến 25% hội nghị, hội thảo và kết hợp nhiều nội dung thuộc nhiệm vụ của các đơn vị khác nhau trong một chuyến công tác địa phương không ít ý kiến còn tỏ ra nghi ngại nhưng sau 1 năm thực hiện cho thấy đây là hướng đi hoàn toàn đúng, tiết kiệm thời gian, nhân lực vật lực cho ngành mà vẫn bảo đảm yêu cầu công việc.

Không những thế, Bộ trưởng cũng là người luôn gần gũi, biết cách khơi gợi niềm đam mê nghề nghiệp trong anh em, động viên khích lệ những lúc họ khó khăn trong cuộc sống. Trong các chuyến đi cơ sở, Bộ trưởng luôn dành thời gian lắng nghe cán bộ chia sẻ, phản ánh khó khăn, vướng mắc  để rồi sau đó trăn trở, kịp thời đưa ra các giải pháp để tháo gỡ.

Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, ngành Tư pháp muốn mạnh lên phải xuất phát từ yếu tố con người, trong đó cần phát huy cao nhất khát vọng cống hiến và sáng tạo của mỗi cán bộ, công chức ngành Tư pháp. Điều làm Bộ trưởng suy nghĩ nhiều nhất có lẽ vẫn là chính sách, chế độ đãi ngộ cho cán bộ trong ngành vẫn còn hạn chế dù thời gian qua cũng đã được cải thiện một phần.

Nói về những kết quả trong công tác tư pháp 2017, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng đó là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và những kết quả, thành tích
ngành Tư pháp đạt được tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2018. (Ảnh: TH).

Đối với những tồn tại, hạn chế của Bộ, ngành, Bộ trưởng cho rằng tìm cách tháo gỡ không chỉ từ một cá nhân, một ngành mà phải có sự đồng hành của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Hơn hết, những nỗ lực, cố gắng và những kết quả, thành tích mà toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã đạt được trong năm qua đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang  đã ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2018.

Bước sang năm 2018, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng: “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, bên cạnh những ưu tiên cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ ra việc đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua cần được Bộ Tư pháp chú trọng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, ưu tiên tạo cơ chế thuận lợi trong giải quyết những việc liên quan đến đời sống người dân. Trong đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch, giải quyết tốt các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước. Thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp…

Chào đón năm mới Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, bên cạnh những thuận lợi, bối cảnh mới tiếp tục đặt Bộ, ngành Tư pháp trước những khó khăn, thách thức với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao; tự mỗi cán bộ cần ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, sống với cả trái tim đầy nhiệt huyết, với niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của Ngành, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống với để tiếp tục phấn đấu, góp sức nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng Ngành ngày càng vững mạnh./.

Thu Hằng
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực