Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Chính trị - An ninh nhiệm kỳ 2018 – 2021, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Indonesia
Phóng viên (PV): Trong 3 năm trên cương vị là người đứng đầu cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Indonesia, Đại sứ có thể cho biết những thành tựu nổi bật trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia trong thời gian qua?
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Từ khi Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 6/2013) đến nay, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu về cả chiều rộng lẫn chiều sâu thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, ký nhiều thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… Hai bên hiện đã ký hơn 30 hiệp định trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên trao đổi, thúc đẩy hợp tác tại hai diễn đàn quan trọng là Uỷ ban hợp tác về Khoa học và Công nghệ và Uỷ ban Hợp tác song phương.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất vừa qua là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 8/2017. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng và mang tính biểu tượng rất lớn đánh dấu quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn mới gần gũi hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn, đồng thời thắt chặt quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Dân chủ Indonesia Đấu tranh. Tại chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện sâu rộng trên nhiều lĩnh vực như Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Bộ Tư pháp và Nhân quyền Indonesia; Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Phát triển làng xã các vùng khó khăn và nhập cư Indonesia; Bản ghi nhớ về hợp tác sử dụng khí gas tại khu vực biên giới và Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia; Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển Việt Nam và Indonesia; và Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa hai bên.
Ngoài ra, hai bên đã hợp tác chặt chẽ và tích cực trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Đặc biệt, qua các cuộc tiếp xúc, cả cấp lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp hai bên đều chia sẻ nhiều quan điểm, lập trường, nhất trí cao việc phát huy tình đoàn kết của các quốc gia trong khối ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN để xử lý các vấn đề kinh tế, chính trị có tính chất khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – Indonesia tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên mức kỷ lục 6,27 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 1,6 tỷ USD vào năm 2006. Kim ngạch thương mại trong năm 2017 ước tính đạt 6,4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2016. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia điện thoại các loại và linh kiện (chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất), nhiên liệu khoáng sản, các sản phẩm thép, nhóm công nghiệp tiêu dùng, chế biến, chế tạo... Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 5 trong ASEAN vào Việt Nam, trong đó có nhiều dự án đang phát huy hiệu quả tốt.
PV: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam và cá nhân Đại sứ đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo hộ công dân. Nhờ đó, hàng ngàn ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt do đánh bắt cá trên vùng biển của Bạn đã được trao trả về nước. Vậy xin Đại sứ cho biết, việc thực hiện công tác bảo hộ công dân gặp những thuận lợi và khó khăn gì và nó có tác động như thế nào đến mối quan hệ giữa hai nước?
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Có thể khẳng định một trong những công tác bận rộn và phức tạp nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia là công tác bảo hộ ngư dân. Với nỗ lực của Đại sứ quán cùng các Bộ, ban ngành, hàng ngàn ngư dân Việt Nam đã được phía Indonesia trao trả về nước. Nhưng để đạt được kết quả đó là không dễ dàng, trong đó có lẽ khó khăn nhiều hơn thuận lợi.
Indonesia là một đất nước rộng lớn, ngư dân của ta bị bắt và giam giữ ở nhiều nơi khác nhau. Đại sứ quán phải liên hệ với rất nhiều các cơ quan khác nhau của Indonesia tại các vùng, phần lớn là các đảo nằm rất xa nhau, riêng việc phải di chuyển và kết nối liên lạc được cũng rất khó khăn. Có khi đi hai ba chuyến, mất 1, 2 ngày mới đến nơi. Liên lạc qua điện thoại lúc được lúc mất nên không phải lúc nào cũng cập nhật ngay được thông tin. Việc xử lý hồ sơ phải mất nhiều ngày để liên hệ hai chiều, cả trong nước và các cơ quan liên quan của bạn, trong khi số ngư dân bị bắt giữ quá lớn gây quá tải cho bộ phận lãnh sự. Để làm được điều đó, các cán bộ Đại sứ quán đã phải rất nỗ lực, huy động thêm cán bộ ở bộ phận khác sang hỗ trợ vì Đại sứ quán chỉ có một người chuyên trách để xử lý vấn đề này. Hơn nữa, Indonesia chủ yếu dùng tiếng địa phương nên quá trình trao đổi, làm việc cũng gặp không ít trở ngại, phải rất cẩn thận và tương đối am hiểu về quá trình tố tụng như khi Tòa án của bạn xét xử thì mới có thể làm việc và bảo vệ cho ngư dân ta.
Trong nhiệm kỳ công tác tại Indonesia, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đã nhiều lần trực tiếp đến tiễn các ngư dân về nước (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Indonesia)
Đến nay, số lượng ngư dân ta sang vùng biển của bạn đánh bắt và bị Indonesia bắt giữ ngày một tăng. Nhiều ngư dân của ta bị bắt lần đầu nhưng cũng có khá nhiều ngư dân tái phạm và bị bắt đến lần thứ hai, thứ ba nên cũng tạo áp lực rất lớn cho Đại sứ quán và cũng cho các Bộ, ban, ngành trong nước cũng như cho chính các cơ quan chức năng của Indonesia. Một lý do chủ yếu ngư dân ta bị bắt nhiều như vậy cũng là do hai bên chưa phân định xong vùng đặc quyền kinh tế (trên biển) giữa hai nước nên vẫn còn nhiều bất cập trong trong nhận thức của ngư dân và thực hiện chức năng quản lý, giám sát của các lực lượng trên biển giữa hai bên.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều thuận lợi nhất định. Thứ nhất là do sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, cùng với sự quyết tâm của các Bộ, ngành và Đại sứ quán. Yếu tố này rất quan trọng, nếu không thì hàng ngàn ngư dân Việt Nam sẽ không thể được đưa về nước trong thời gian ngắn như vậy. Phía Indonesia, trong đó quan trọng nhất là Bộ Biển và Nghề cá cùng các cơ quan thực thi pháp luật trên biển đã rất tích cực phối hợp với ta để đưa ngư dân về nước. Cả quá trình bảo hộ công dân cho đến khi trao trả và đưa ngư dân về nước an toàn là cả một kỳ công, đòi hỏi quyết tâm cao độ và sự phối hợp rất ăn ý của các cơ quan giữa hai bên. Và thành quả đạt được là xứng đáng với sự nỗ lực ấy.
PV: Ngoài việc làm tốt công tác bảo hộ công dân, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia còn tổ chức nhiều hoạt động góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến với cộng đồng người Việt Nam tại Indonesia và người dân nước sở tại. Vậy, những hoạt động này có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia?
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Thời gian qua, bên cạnh công tác ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã tích cực tăng cường hơn nữa công tác ngoại giao văn hóa tại Indonesia. Việc quảng bá, đưa hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng người Việt Nam tại Indonesia và người dân Indonesia vừa để thúc đẩy hợp tác giao lưu nhân dân, vừa là thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác hai nước theo cả chiều rộng và chiều sâu. Có thể kể đến một số hoạt động lớn như: Triển lãm tranh Việt Nam tại Indonesia gồm 62 tác phẩm của các nghệ sỹ Việt Nam và có một số nghệ sỹ Indonesia; chương trình Roadshow “Duyên dáng Việt Nam” tại Jakarta nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch Việt Nam chủ trì, giới thiệu các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam tại Hội chợ từ thiện lần thứ 50 của Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế (WIC) và nhiều triển lãm, hội chợ khác...Ngoài ra, hợp tác du lịch giữa hai nước cũng đã đạt được nhiều thành quả, thường xuyên trao đổi các đoàn công tác, tổ chức các chương trình nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau xúc tiến quảng bá, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Cần nhận thấy các hoạt động này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nó không chỉ vừa tạo môi trường thuận lợi, ít cứng nhắc như chính trị mà còn thân thiện, gần gũi, tạo thiện cảm cho nhân dân hai nước tìm hiểu, khám phá sự tương đồng, mới lạ từ đó góp phần tạo nên nền tảng quan trọng cho quan hệ hai nước phát triển.
PV: Từ những kết quả đã đạt được, triển vọng của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Indonesia và Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định luôn ủng hộ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia. Đồng thời, với nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp trong lịch sử và nhiều điểm tương đồng về văn hóa, nhiều lợi ích an ninh chiến lược chung, quan hệ Việt Nam – Indonesia sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.
Trên tinh thần đó, tôi cho rằng hai nước sẽ tiếp tục tăng cường các cuộc thăm viếng cấp cao cũng như duy trì trao đổi các cuộc tiếp xúc làm việc ở các cấp khác nhau giữa hai nước nhằm tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh cũng như đề xuất các biện pháp đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia đi vào chiều sâu. Cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh với việc duy trì Nhóm làm việc chung về Hải quân hai nước; thúc đẩy thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp, triển khai các hoạt động chung về tìm kiếm cứu nạn, tiến tới tiến hành tuần tra liên hợp trên biển; thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước, trong khi chờ đàm phán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân hai nước hoạt động tại khu vực chồng lấn. Đồng thời, hai bên cũng sẽ tăng cường phối hợp ở cấp độ đa phương và tại các diễn đàn khu vực và quốc tế về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, trong đó có ASEAN.
Về kinh tế, hiện nay hai bên hiện còn nhiều dư địa để hợp tác và phát triển khi kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ đạt 6,4 tỷ USD vào năm 2016, trong khi dân số của hai nước rất đông (Việt Nam có hơn 90 triệu dân và Indonesia có 250 triệu dân), tạo ra thị trường lớn tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm của nhau. Vì vậy, thời gian tới, hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, thảo luận về các biện pháp và sáng kiến mới, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 8 tỉ USD vào năm 2018 và sớm đạt mục tiêu 10 tỷ USD. Trong đó có việc tiếp tục duy trì hợp tác trong lĩnh vực thương mại gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực giữa hai nước.
Với thực tế đó, tôi tin tưởng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia sẽ tiếp tục được làm sâu sắc hơn nữa nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
PV: Được biết, vào ngày 12/11 vừa qua, Đại sứ đã được Hội đồng Điều phối ASEAN đã chính thức thông qua việc bổ nhiệm giữ cương vị Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Chính trị - An ninh nhiệm kỳ 2018 – 2021. Đại sứ có thể chia sẻ cảm nhận của mình về cương vị công tác mới?
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Đây vừa là niềm vui, niềm tự hào nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ cho cá nhân tôi. Vui vì mình đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó, đề cử, được các nước nhất trí thông qua và mình có dịp được bước ra “biển lớn hơn”, học hỏi nhiều hơn. Đồng thời, với cương vị đó, mình cũng có đóng góp nhiều hơn vì một ASEAN phát triển, đoàn kết và thịnh vượng.
Mặc dù với kinh nghiệm làm ngoại giao và từng nghiên cứu nhiều năm về ASEAN và có sự chuẩn bị từ trước nhưng tôi cũng có những trăn trở, lo lắng không biết mình có thể đảm đương tốt được trọng trách lớn lao này không. Tôi tự nhủ mình sẽ nỗ lực hết mình với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm; luôn coi ASEAN là ngôi nhà chung, đặt ưu tiên cao quan hệ với các nước thành viên, gắn bó hài hòa lợi ích quốc gia của Việt Nam với lợi ích của cả khu vực để góp sức xây dựng một Ban Thư ký ASEAN đoàn kết, tăng cường năng lực, đại diện tốt nhất cho lợi ích của cả khối ASEAN trong việc xây dựng một ngôi nhà chung, một cộng đồng ASEAN hoà bình, đoàn kết, thống nhất và thịnh vượng.
PV: Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp tác động nhiều mặt tới ASEAN, với cương vị là Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Chính trị - An ninh nhiệm kỳ 2018 – 2021, theo Đại sứ ASEAN cần làm gì để tiếp tục tăng cường đoàn kết, tham vấn và đồng thuận, thể hiện tiếng nói chung mạnh mẽ, phát huy vai trò trung tâm để đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực và trên thế giới?
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia chụp ảnh kỷ niệm tại chương trình Tết Cộng đồng đón Xuân Mậu Tuất (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Indonesia)
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Đúng là bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay đầy biến động và tác động không nhỏ đến ASEAN. Đây cũng là thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế nói chung và ASEAN nói riêng. Để tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của khu vực, ASEAN cần tiếp tục duy trì và đảm bảo những nguyên tắc của mình như đối thoại thẳng thắn, đồng thuận, hợp tác và không can thiệp vào nội bộ của nhau. Đây cũng là những nguyên tắc đảm bảo sự thành công và ổn định của ASEAN trong suốt 50 năm qua. Đồng thời, ASEAN cần tăng cường các hoạt động thực chất để xây dựng lòng tin và hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các nước khác.
Một thực tế không thể tránh khỏi đối với các tổ chức quốc tế, trong đó có ASEAN là các nước thành viên đều muốn cố gắng tối đa cho lợi ích của mình. Đứng trước trách nhiệm lớn như vậy, các nước ASEAN nên cố gắng cân bằng và làm hài hòa giữa lợi ích quốc gia và các lợi ích chung lớn hơn của toàn bộ khu vực.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ! Nhân dịp Năm mới, xin kính chúc Đại sứ mạnh khỏe và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới!