Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng

Thứ bảy, 03/10/2015 20:45

(ĐCSVN) - Chiều 3/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ sáu (khóa VIII) góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đại hội có nhiệm vụ nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016), tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm sắp tới (2016 - 2021). Để văn kiện trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bộ Chính trị đã công bố dự thảo các văn kiện Đại hội để lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân từ ngày 15/9 đến ngày 25/10.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đối với Đảng, thực hiện chức năng đại diện cho các tầng lớp nhân dân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Vũ Trọng Kim cho biết, Ban Thường trực trân trọng đề nghị các thành viên tham dự Hội nghị phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, trách nhiệm và tâm huyết của mình, bám sát vào những nội dung Trung ương đã gợi ý và bám sát tình hình thực tiễn của đất nước để tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đại hội.

 

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)


Phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân

Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung nhấn mạnh đầu tiên là vấn đề đại đoàn kết, từ đại đoàn kết trong Đảng tới đại đoàn kết trong dân. Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh, đại đoàn kết là vấn đề chiến lược, Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng khẳng định, đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của cách mạng nước ta, tạo ra sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyên Chủ tịch Huỳnh Đảm đề nghị dự thảo văn kiện cần bổ sung lại cho rõ trên cơ sở quán triệt Cương lĩnh của Đảng.

Đề cập đến nội dung đánh giá về Mặt trận, Nguyên Chủ tịch Huỳnh Đảm cho rằng, đánh giá về Mặt trận trong văn kiện chưa thỏa đáng, cần nói rõ đóng góp, trưởng thành của Mặt trận trong 5 năm qua đối với thành tựu chung của đất nước. Đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể là rất quan trọng, sự trưởng thành là rất lớn. Mặt trận đã khẳng định qua thực tiễn là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là đại diện quyền lợi, lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả, vận động nhân dân tham gia vào các phong trào chung.

Về xây dựng khối đại đoàn kết, nguyên Chủ tịch Huỳnh Đảm cho rằng, không nên chỉ nói tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà cả tăng cường vai trò của Mặt trận để xứng đáng với sứ mệnh là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện. Chỉ khi Mặt trận được tăng cường thì mới đủ sức mạnh là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thực hiện được nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, đoàn kết và tập hợp được mọi người Việt Nam yêu nước.

Hơn nữa, việc tăng cường đại đoàn kết, trước hết Đảng phải là hạt nhân lãnh đạo. Muốn có đoàn kết toàn dân thì trong Đảng phải đoàn kết, nêu gương đoàn kết. Nếu trong Đảng không đoàn kết thì sẽ có những “phân tâm” trong xã hội. “Chúng ta kêu gọi đoàn kết nhưng có một bộ phận không nhỏ suy thoái biến chất. Vì vậy, phải giải quyết hài hòa lợi ích để việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết không chỉ động viên nghĩa vụ một chiều mà phải đem lại lợi ích, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân” - nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ.

Muốn phát huy sức mạnh toàn dân tộc không chỉ là kêu gọi, động viên một chiều mà phải giải quyết hài hòa lợi ích của người dân. Để làm được nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, Đảng cần bố trí cán bộ đủ tâm, đủ tầm cho công tác Mặt trận cũng như trong quan điểm, nhận thức" – nguyên Chủ tịch Huỳnh Đảm nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của nguyên Chủ tịch Huỳnh Đảm, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và phát huy dân chủ là hai yếu tố gắn kết với nhau. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể gắn bó với nhiệm vụ này, coi đây là một mục chung.

Đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng với đổi mới kinh tế

Theo ông Trần Hoàng Thám, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Văn kiện cần tổng quát được những gì đã làm được, những gì chưa làm được, những gì còn tồn tại, từ đó đề ra định hướng cho tương lai. Theo ông Thám, nhìn lại 40 năm giải phóng, 30 năm đổi mới, hệ thống chính trị của chúng ta chậm đổi mới. Điều đó là do nhận thức về đổi mới hệ thống chính trị của Đảng chưa tương xứng với đổi mới nền kinh tế. Đại hội lần này cần định ra được hướng đổi mới hệ thống chính trị. Nếu Đại hội lần này Đảng ta không nhìn nhận, đặt đúng vấn đề đổi mới hệ thống chính trị thì những tồn tại vẫn sẽ còn, 4 nguy cơ vẫn chưa thể giải quyết. Vì vậy, cần phải đổi mới tư duy về việc này. Đại hội lần này cần xác định rõ những gì có thể đổi mới được về hệ thống chính trị thì triển khai, còn những gì chưa rõ thì đưa ra định hướng để tiếp tục nghiên cứu cho nhiệm kỳ sau.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, 30 năm đổi mới, đất nước ta có đổi mới mạnh mẽ về kinh tế, từ tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế đa thành phần. Tuy nhiên, đổi mới về mặt nhà nước, về hệ thống chính trị còn chậm, chưa tương xứng với đổi mới về kinh tế. Nếu có sự tương xứng thì Việt Nam chắc chắn phát triển mạnh mẽ hơn hiện nay.

Mặt khác, theo ông Đường, phải coi trọng cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước vì Hiến pháp 2013 cũng đã nêu rõ vấn đề này. Cần có Luật về kiểm soát quyền lực Nhà nước của nhân dân, có công cụ để bảo vệ người dân. “Gần đây nổi lên vụ Giám đốc 30 tuổi, vụ nhà số 8B Lê Trực… Khi nhân dân bức xúc thì Bộ Nội vụ, thanh tra vào cuộc. Thanh tra không phải là một thiết chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, mà chỉ là phương tiện để kiểm soát quyền lực Nhà nước. Phải có cơ chế để nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực Nhà nước”, ông Đường thẳng thắn.

 

 Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh:TH).

Đảng cần coi trọng thực sự vấn đề giám sát và phản biện xã hội

Đề cập đến vấn đề xây dựng Đảng, theo ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nội bộ Đảng phải hết sức chú ý khắc phục 4 nguy cơ, vì đó là những yếu tố làm cho Đảng ta không mạnh. Dự thảo Văn kiện cần làm rõ vấn đề xây dựng Đảng, những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 5 năm tới. Cùng với đó, cần làm rõ tinh thần kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với việc triển khai nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua. Nội dung kiểm điểm cần đưa vào báo cáo của Đại hội để toàn dân được biết Đảng đang lãnh đạo như thế nào.

“Đây là Đại hội Đảng 5 năm/lần, nên Đảng cần chú trọng sự kiểm điểm đúng và chưa đúng, được và chưa được, như vậy sẽ thể hiện được tinh thần phê và tự phê của Đảng” – ông Phạm Thế Duyệt nêu.

Đồng thời cần chú trọng nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng cần coi trọng thực sự vấn đề giám sát và phản biện xã hội. “Không có dân thì làm sao chống được tham nhũng, hạn chế được sự suy thoái trong Đảng? Vì vậy, chúng ta cần coi trọng sự vào cuộc của người dân, cần phải khen thưởng thỏa đáng những người dân dũng cảm trong chống tham nhũng và suy thoái, thực sự coi trọng và phát huy vai trò của người dân”, ông Phạm Thế Duyệt góp ý.

Đặc biệt, theo ông Duyệt, nên có kênh để nhân dân đóng góp ý kiến, thể hiện chính kiến về công tác nhân sự. Chỉ có như vậy chúng ta mới có đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm được nhân dân tin tưởng, mong muốn. Vai trò của Mặt trận đại diện cho nhân dân đối với công tác nhân sự là rất quan trọng. Đây cũng là ý thức, quan điểm của Bác Hồ, Đảng là do nhân dân xây dựng. “Tôi mong Đại hội XII sẽ là một đại hội thể hiện được nhiều dấu ấn sâu sắc với nhân dân”, ông Phạm Thế Duyệt kỳ vọng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực