Nói về công tác huấn luyện và học tập (*)

Thứ ba, 30/08/2011 16:52
I- PHẢI THIẾT THỰC, CHU ĐÁO TRONG CÔNG VIỆC HUẤN LUYỆN

Việc huấn luyện học tập không phải là một việc đơn giản, muốn làm được thì phải hiểu cho rõ. Bây giờ, Bác lần lượt trả lời mấy câu hỏi về việc đó.

1. Từ trước đến nay Đoàn thể đã huấn luyện được mấy người?

Chưa biết được con số đích xác, nhưng cũng có thể tính sơ qua được: trong báo cáo của thanh niên khu V (1) có nói đã mở được 2.713 lớp huấn luyện. Con số này có vẻ "khoa học" quá, nên chúng ta chưa thể tin hoàn toàn được. Vậy cứ "bỏ xâu" đi 713 và lấy 2.000 lớp thôi. Các đoàn thể khác trong khu V (công nhân, nông dân, phụ nữ, v.v...) cộng lại cũng có thể mở được 3.000 lớp nữa. Như thế là riêng khu V là một khu dân ít người thưa, cũng đã mở được 5.000 lớp huấn luyện. Cho mỗi lớp có 10 người học thì số người đã được huấn luyện trong cả khu là 50.000 người. Nam Bộ, khu IV, khu III và khu Việt Bắc, tuy dân đông hơn và việc huấn luyện có nơi làm được nhiều hơn, nhưng cứ tính đổ đồng cho mỗi khu 50.000 thì toàn quốc cũng đã có đến 25 vạn người được huấn luyện, nghĩa là 25 vạn cán bộ. Thế mà cứ kêu là thiếu cán bộ. Vì sao? Vì việc huấn luyện còn hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực chu đáo.

2. Huấn luyện ai?

Ta phải:

- Huấn luyện cán bộ.

- Huấn luyện hội viên của Đoàn thể.

- Huấn luyện cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền.

- Huấn luyện nhân dân.

Nói đến cán bộ trước hết, vì "cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể".

Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn.

3. Ai huấn luyện?

Không phải ai cũng huấn luyện được.

- Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc.

- Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lênin khuyên chúng ta: "Học, học nữa, học mãi". Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất. Khẩu hiệu "Học không biết chán, dạy không biết mỏi" treo trong phòng họp chính là của Khổng Tử. Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học.

"Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của cuộc đời trước để lại". Lênin dạy chúng ta như vậy.

4. Huấn luyện gì?

a) Lý luận

Phải dạy lý luận Mác - Lênin cho mọi người. Người biết lý luận mà không thực hành thì cũng vô ích.

Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học là để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng.

b) Công tác

Ngoài lý luận phải dạy công tác. Ví dụ: Về các việc tổng động viên, thi đua ái quốc, thu thuế bằng thóc, v.v... phải giải thích thế nào cho dân hiểu, phải động viên thế nào, sắp đặt công việc thế nào. Việc thắng lợi ngoại giao vừa rồi, phải xem xét ảnh hưởng đối với ta thế nào, đối với địch thế nào, đối với trong nước thế nào, đối với quốc tế thế nào, làm thế nào để lợi dụng được hết ảnh hưởng của thắng lợi đó. Những việc như thế đều phải dạy cho cán bộ và đồng chí biết.

c) Văn hoá

Phải chú ý dạy văn hoá cho những đồng chí kém văn hoá để giúp cho họ tiến bộ về lý luận, công tác.

d) Chuyên môn

Mỗi người phải biết một nghề để sinh hoạt. Riêng về cán bộ, ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy. Ví dụ: Những đồng chí lãnh đạo hoả xa phải biết chuyên môn về hoả xa, có thế lãnh đạo mới sát.

5. Huấn luyện thế nào?

a) Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều.

Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Nhưng hiểu thấu cũng có nhiều cách: Có cách hiểu thấu thật tỷ mỷ, nhưng dạy theo cách đó thì phải tốn nhiều thì giờ. Trái lại cũng có cách dạy bao quát mà vẫn làm cho người học hiểu thấu được. Ví dụ: Muốn dạy cho người ta biết con voi là thế nào thì có thể nói tỷ mỷ bộ xương của nó ra sao, nó có mấy cái răng, nó sống thế nào, sống được mấy năm, v.v... Nhưng nếu chưa thể dạy kỹ như thế được thì cũng có thể nói cho người ta biết bao quát hình thù của con voi như: mình nó to bằng ba bốn con trâu, nó có chân lớn như cột nhà, hai tai to như hai cái quạt, một cái vòi và hai cái ngà ở đầu, v.v.. Như thế, người học không thể lầm con voi với con tôm, con mèo hay con bò được. Hơn nữa, khi nói đến chuyện săn voi hay bắt voi, người ta cũng không nghĩ lầm được rằng có thể dùng lưỡi câu mà móc hay dùng roi, dùng gậy mà đánh. Như thế là người học dùng được sự hiểu biết của mình vào việc làm một phần nào. Trái lại, nếu thì giờ ít, trình độ còn kém, mà cứ cặm cụi lo nghiên cứu tỷ mỷ cái ngà voi không chẳng hạn, thì khi trở về lại tưởng lầm con voi là cái ngà, không ích lợi gì cả.

b) Huấn luyện từ dưới lên trên

Các ban huấn luyện không nên ôm đồm. Phải lấy người ở cấp dưới lên huấn luyện rồi trở lại cấp dưới để họ huấn luyện cho cấp dưới nữa. Trung ương huấn luyện cán bộ cho các khu, các tỉnh, cán bộ ở khu và tỉnh phải huấn luyện cho cán bộ huyện, xã. Như thế đỡ tốn công, tốn thì giờ, và cán bộ huấn luyện cho cấp dưới gần mình lại sát hơn. Nhưng muốn huấn luyện theo lối này thì phải huấn luyện cho chu đáo. Đừng bôi bác, nếu ở trên bôi bác thì càng xuống dưới càng sai lệch.

c) Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế

Trung ương có những chỉ thị về chủ trương chính sách, Ban huấn luyện phải có những tài liệu dựa theo tình hình cụ thể, kinh nghiệm công tác để giải thích những chủ trương chính sách đó. Như thế thì lý luận mới khỏi bị tách rời thực tế.

d) Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu

Ban huấn luyện phải liên lạc mật thiết với các cơ quan tuyên truyền, dân vận, chính quyền. Huấn luyện cán bộ là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác: Đoàn thể, Mặt trận, Chính quyền, Quân đội. Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình tích thì hàng ế.

đ) Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng.

Huấn luyện thì phải hiểu rõ người học để nâng cao khả năng và tẩy rửa khuyết điểm cho họ. Phải huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc. Ví dụ: Hiện nay, cán bộ ta có một khuyết điểm lớn là tự kiêu, tự mãn. Phải đập cho tan khuyết điểm ấy đi. Nếu còn tự kiêu, tự mãn thì học biết nhiều chỉ thêm hại. Do tự kiêu, tự mãn mà cán bộ có một khuyết điểm lớn nữa là óc địa vị. Ví dụ: Đang làm việc ở khu, mà Đoàn thể điều động về công tác ở tỉnh thì phàn nàn, chán nản cho rằng làm như thế là không xứng đáng tài mình, đáng lẽ là mình ở cấp trên kia! Phải gột sạch đầu óc địa vị đi. Việc gì có lợi cho cách mạng, có lợi cho Đoàn thể là làm hết, không cứ việc gì sang, việc gì hèn cả.

6. Tài liệu huấn luyện

a) Trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc. Nhưng tài liệu phải lựa chọn, xếp đặt lại, vì trình độ người học không đều nhau, cần có tài liệu thích hợp với từng hạng. Tài liệu không thích hợp thì học không có ích lợi gì. Có một lần đi dự hội nghị về, Bác gặp một đoàn thanh niên và phụ nữ thôn quê ngồi nghỉ ở một đầu dốc. Bác hỏi họ đi đâu, thì họ bảo là đi dự lớp huấn luyện về, tuy đang giữa ngày mùa nhưng họ cũng cố thu xếp để đi học, mỗi người mang theo mười ngày gạo. Bác hỏi: "Học có vui không?".

- Vui lắm.

- Thế học những gì?

- Các Mác.

- Học thế rồi có biết gì không?

Họ ấp úng: "Không ạ".

Thế là phí công, phí của, vô ích.

b) Ngoài những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng có những tài liệu thiết thực. Đó là những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại tức là những bài học quý, không phải cứ chờ đồng chí cấp trên đến nói chuyện thì mới là bài, là học. Việc trao đổi gom góp kinh nghiệm này phải có tổ chức hẳn hoi chứ không phải mạnh ai nấy nói.

c) Những chỉ thị, nghị quyết, luật, lệnh của Đoàn thể và Chính phủ đều là những tài liệu cần phải học tập nghiên cứu.

II- PHẢI NÂNG CAO VÀ HƯỚNG DẪN VIỆC TỰ HỌC

Học tập ở trường của Đoàn thể không phải như học ở các trường lối cũ, không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập. Vì vậy:

1. Học để làm gì?

a) Học để sửa chữa tư tưởng

Hăng hái theo cách mạng, điều đó rất hay. Nhưng tư tưởng chưa thật đúng là tư tưởng cách mạng, vì thế cần phải học tập để sửa chữa cho đúng. Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được.

b) Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng

Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tuỵ với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn.

c) Học để tin tưởng

Tin tưởng vào Đoàn thể.

Tin tưởng vào nhân dân.

Tin tưởng vào tương lai của dân tộc.

Tin tưởng vào tương lai cách mạng.

Có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết, hy sinh.

d) Học để hành

Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vụ ích.

Hành mà không học thì hành không trôi chảy.

2. Học ở đâu?

Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn. Sau đây là câu chuyện học nhân dân rất hay của một nữ đồng chí Thái quê ở Sơn La: Hồi đồng chí ấy mới 15, 16 tuổi thì các cán bộ cách mạng bảo cho làm công tác tuyên truyền, nhưng bảo sao thì nói vậy, chưa hiểu biết mấy. Một năm sau, giặc chiếm Sơn La. Dân chúng và cán bộ Sơn La chạy bạt sang Hoà Bình, bị đồng bào ở đó khinh miệt là sợ giặc nên quyết tâm trở về giành lại làng mạc. Trên đường về phải trải qua rất nhiều bước khó khăn, vất vả, nhưng cán bộ vẫn một niềm thương yêu, đùm bọc nhau. Có lần, một chị cán bộ ốm nặng, anh em trong đội hết sức săn sóc và giặt hộ cả quần áo. Cán bộ lại ra sức giúp nhân dân làm mọi việc, nhân dân thấy thế rất cảm phục. Nhờ đó mà nhân dân với cán bộ khăng khít với nhau, cơ sở gây lại được, cán bộ sống hoà lẫn với dân, dần dần tổ chức lại việc sản xuất và chiến đấu. Một hôm bốn dõng đến làng, phụ nữ trong làng ăn mặc chải chuốt ra chuốc rượu. Dõng mắc mưu, uống phải rượu có thuốc mê, ngã quay ra cả. Phụ nữ gọi du kích vào tước súng. Dõng tỉnh dậy, mất súng, bỏ trốn, cán bộ đoán biết thế nào giặc cũng kéo đến trả thù, nên bàn với dân cất giấu thóc lúa, của cải vào rừng, tuy thế cũng chưa dám chủ trương tiêu thổ. Chính phụ lão trong làng lại là những người đầu tiên đưa ra ý kiến phải đốt nhà để giặc có đến cũng không có chỗ ở. Ý kiến đó được dân làng nghe theo. Khi giặc kéo đến làng, nhân dân dùng súng giặc bắn lại giặc, giặc bỏ chạy. Từ đó, nhân dân tin cán bộ và tự tin sức mình, nên phong trào mỗi ngày một lên cao.

Nữ đồng chí Thái năm nay mới hai mươi tuổi và cũng chưa được học hành gì mấy, nhưng đã kể lại câu chuyện trên đây một cách rành mạch và kết luận một cách rất mácxít trong ba điểm:

"Một là, chúng cháu rất đoàn kết.

Hai là, chúng cháu được dân yêu.

Ba là, chúng cháu học được kinh nghiệm của dân".

Ba điểm, đó tức là:

- Cán bộ đoàn kết, mọi việc đều làm được.

- Cán bộ phải được dân yêu, dân tin, dân phục.

- Cán bộ phải đi sát dân, học dân.

III- MỘT KHUYẾT ĐIỂM CẦN SỬA CHỮA NGAY TRONG VIỆC HUẤN LUYỆN

Khuyết điểm chung là tham làm nhiều mà làm không chu đáo, không biết "quý hồ tinh, bất quý hồ đa"2. Rõ ràng nhất là trong việc mở lớp huấn luyện.

1. Lớp quá đông

Đông quá thì dạy và học ít kết quả vì trình độ lý luận của người học chênh lệch, nên thu nhận không đều. Trình độ công tác thực tế của người học cũng khác nhau, nên chương trình không sát.

2. Mở lớp lung tung

Hiện đang có một cái "dịch" mở trường. Ví dụ: đã có trường Đoàn thể rồi lại có trường Dân vận, rồi trường Nông vận, Phụ vận, Thanh vận, Công vận. Trường nào của Đoàn thể lại không dạy dân vận mà còn phải mở riêng?

Vì mở nhiều lớp nên thiếu người giảng. Thiếu người giảng thì học viên đâm chán nản. Thiếu người giảng thì phải đi "bắt phu", vì thế người đến giảng khi nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như "chuồn chuồn đạp nước", dạy không được chu đáo. Thiếu người giảng thì thường khi lại phải "bịt lỗ", người "bịt lỗ" năng lực kém, nói sai, có hại cho học sinh, nghĩa là có hại cho Đoàn thể.

Rốt cuộc chỉ tốn gạo mà học thì học táp nhoang.

Vậy phải làm thế nào?

Phải hợp lý hoá, nghĩa là:

- Mở lớp nào cho ra lớp ấy.

- Lựa chọn người dạy và người đến học cho cẩn thận.

- Đừng mở lớp lung tung.

Nhưng không phải chỉ nói riêng việc mở lớp. Báo chí cũng phải hợp lý hoá. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hoá lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc.

Tóm tắt Bác nói chừng đó, các chú nghiên cứu lại.


Nói vào khoảng tháng 5-1950.

( Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 45-53)
____________

(*) Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 6-5-1950.

1. Khu V: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai.

2. Ý nói không biết quý chất lượng hơn số lượng.


Sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch,
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, t.2, tr. 12-20.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực