Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thongloun Sisoulith
phát động Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2017 (ảnh: VGP).
Nhìn lại những mốc son lịch sử
Kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác–Lênin nhằm định hướng cho con đường giải phóng các dân tộc Đông Dương theo con đường cách mạng vô sản, đưa sự nghiệp đấu tranh cách mạng của hai nước Việt-Lào ngày càng gắn kết, nương tựa vào nhau, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, cùng hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và XHCN.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam, Kayson Phonvihan và Souphanuvon của Lào cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt–Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây, Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày nay.
Năm 1963, trong buổi tiếp Hoàng thân Souvana Phouma, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào và Hoàng thân Souphanuvong, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc mấy vần thơ tâm huyết: “Bấy lâu cách trở quan hà; Từ nay Lào–Việt rất là gần nhau. Thương nhau mấy núi cũng trèo; Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt – Lào hai nước chúng ta; Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Theo giới sử học thì mối quan hệ Việt–Lào bắt đầu từ những năm 550 dưới thời Vạn Xuân và Lạn Xạng đến giữa thế kỷ XIV (1353) những quy ước hoà bình đầu tiên về biên giới quốc gia đã được xác lập giữa hai nước. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), nghĩa quân Lê Lợi đã nhận được sự tiếp sức của các tộc trưởng và nhân dân Lào ở vùng biên giới.
Quan hệ đặc biệt Việt-Lào phát triển từ quan hệ truyền thống, do lãnh tụ Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng các lãnh tụ Kayson Phonvihan, Souphanuvong và các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trải qua nhiều thử thách, hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, quan hệ Việt–Lào đã trở thành sức mạnh kỳ diệu đưa tới những thắng lợi vĩ đại của cả hai nước.
Chủ tich Kayson Phonvihan đã từng khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào mãi mãi bền vững”. Những năm 1930-1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân hai nước Việt-Lào đã đoàn kết đấu tranh chống chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.
Giai đoạn 1939-1945, hai nước lại đoàn kết đấu tranh giành chính quyền thắng lợi. Từ năm 1945-1975, liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam được hình thành và phát triển đã đưa đến thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ngày 25/5/1971, Chủ tịch Souphanuvong sang thăm Việt Nam. Trong bầu không khí thắm tình đoàn kết hữu nghị Người phát biểu: “Quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và Việt Nam thật là vĩ đại. Không có bài hát, bài thơ nào ca ngợi hết được. Tình đoàn kết Lào-Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị tốt đẹp đó được vun đắp bằng tinh thần trong sáng không có kẻ thù nào phá nổi”.
Sau năm 1975, quan hệ Lào–Việt lại bước sang trang mới: Từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào chuyển sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam–Lào ký ngày 18/7/1977 là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước.
Từ năm 1977 đến nay, hợp tác toàn diện Việt-Lào đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: chính trị và đối ngoại; quốc phòng, an ninh; kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… Hợp tác hai nước Việt-Lào trong khuôn khổ hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực cũng góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển, giúp tăng cường vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
Cùng hướng tới tương lai
Nhằm thiết thực kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của quan hệ hữu nghị Việt–Lào, hai nước đã tổ chức các cuộc hội thảo, nhằm đánh giá những thành tựu mà hai quốc gia đã đạt được trong 55 năm qua, và phương hướng hoạt động cho giai đoạn tới.
Tại thành phố Phan Thiết (5/6), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào, Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Lào tổ chức cuộc Hội thảo, nhằm trao đổi các kết quả nghiên cứu về quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt–Lào.
Đánh giá kết quả hợp tác đào tạo, nghiên cứu lý luận và khoa học xã hội giữa hai nước, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong giai đoạn mới; đưa ra nhận định về những khó khăn, thách thức đối với quan hệ Việt-Lào cũng như đề xuất định hướng và giải pháp phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Thông-xa-lít - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào nhấn mạnh, Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt. Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng đi vào chiều sâu, toàn diện, trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau và cùng tiến bộ, nâng cao tinh thần đoàn kết đặc biệt Lào-Việt.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, quan hệ truyền thống đặc biệt, tình đoàn kết hữu nghị, thủy chung giữa dân tộc Việt - Lào được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp trong suốt 55 năm qua là mối quan hệ đặc biệt hiếm có đã được thử thách trong thời kỳ khó khăn và giành được những thành tựu to lớn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Lào đánh giá Việt Nam hiện đã đầu tư vào Lào gần 4,9 tỷ USD. Lào hiện là đối tác đầu tư số 1 trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Các dự án thuỷ điện, khai khoáng, giao thông vận tải, trồng cây công nghiệp… mà Việt Nam đầu tư tại Lào đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở Lào…
Chánh Văn phòng Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào cũng cho biết, giai đoạn 2001-2017, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ cho Lào hơn 2.200 tỷ VND để phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của Lào; đào tạo cho Lào gần 13 nghìn cán bộ và sinh viên.
Trước đó, ngày 26/4, tại thủ đô Viêng Chăn, nhân chuyến thăm Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít đồng chủ trì Lễ phát động “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt-Lào, Lào-Việt 2017”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hợp tác chính trị ngày càng bền chặt, hợp tác quốc phòng-an ninh được giữ vững, hợp tác kinh tế không ngừng được tăng cường, hợp tác giáo dục, văn hóa, xã hội ngày càng đa dạng… mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Thủ tướng Lào nêu rõ, trong suốt 55 năm qua, nhất là từ khi hai nước ký “Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt-Lào” năm 1977, mối quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, đơm hoa kết trái, đem lại hiệu quả, lợi ích to lớn và thiết thực cho nhân dân hai nước.
Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào Khăm-pheng Xay-xổm-pheng đánh giá cao quan hệ hợp tác Lào-Việt và khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa hai nước đã góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Với các hoạt động hướng tới kỷ niệm 2 sự kiện quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị Việt-Lào được tổ chức ở cả hai nước trong thời gian vừa qua có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc đối với cán bộ và nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào trong thời gian tới, khiến cho quan hệ Việt-Lào mãi mãi thủy chung, son sắt “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”./.