Việt Nam tham gia tăng cường hội nhập khu vực CLMV - Ấn Độ

Thứ hai, 21/05/2018 17:15
Ngày 21/5, Hội nghị Thương mại Ấn Độ và 4 nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) lần thứ V với chủ đề “Ấn Độ - CLMV phát triển kinh tế, hợp tác vì hội nhập khu vực” đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Hội nghị do phía Ấn Độ chủ trì và Campuchia lần đầu tiên giữ vai trò nước chủ nhà.

   
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Hưng/ TTXVN

Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Thương mại, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp lớn và giới truyền thông của Ấn Độ cùng 4 nước CLMV.  Đoàn đại biểu Bộ Công Thương Việt Nam do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng dẫn đầu tham dự hội nghị. Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong (Hô Nam Hông) đã đến dự và phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị. 
   
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao việc Ấn Độ luôn coi trọng và đặt ASEAN nói chung và các nước CLMV nói riêng là một trong những trọng tâm trong chính sách Hành động hướng Đông; khẳng định việc duy trì và phát huy các sự kiện như thế này sẽ là cơ hội giúp thúc đẩy hơn nữa hội nhập khu vực giữa Ấn Độ với các nước CLMV. 
   
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá hội nhập khu vực giữa Ấn Độ và các nước CLMV vẫn có những khó khăn, trở ngại và thách thức nhất định như: địa hình nhiều hiểm trở làm tăng chi phí vận chuyển; sự chênh lệch về chất lượng cơ sở hạ tầng, thiếu kết nối và chưa đáp ứng đủ nhu cầu; hạ tầng thương mại biên giới chưa được cải thiện; các nước CLMV khó khăn về vốn, kỹ thuật và công nghệ; sự phát triển của hệ thống các hàng rào tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật làm ảnh hưởng tới sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn; mức độ tận dụng ưu đãi về C/O (hàng hóa xuất khẩu được hưởng mức thuế ưu đãi) còn hạn chế nên chưa tận dụng được hết những lợi thế từ các khuôn khổ pháp lý đã có cho phát triển thương mại đầu tư. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác này vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển vì Ấn Độ và các nước CLMV có vị trí địa lý gần gũi, đều là các quốc gia đang phát triển, dân số đông, trẻ, kinh tế tăng trưởng mạnh, có nhiều thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau như: Ấn Độ có thế mạnh về vốn, công nghệ, các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giáo dục, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ cao… trong khi các nước CLMV có thế mạnh về sản xuất hàng dệt may, giày dép, các loại nông sản, gỗ, khoáng sản, rau củ, linh kiện máy móc ... có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cao của Ấn Độ. Ngoài ra, các bên có thể tận dụng thị trường mỗi bên để thâm nhập vào các thị trường lớn hơn. 
   
Đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa Ấn Độ và các nước CLMV trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng kiến nghị, các nước cần tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối cơ sở hạ tầng giao thông vùng Đông Bắc Ấn Độ và Myanmar, hai đầu nối quan trọng để kết nối Ấn Độ và các nước CLMV; hai là tăng cường kết nối về thể chế thông qua việc hài hòa hóa chính sách thương mại, đầu tư và tài chính; ba là tăng cường kết nối con người thông qua các hình thức trao đổi và nới lỏng các quy định về di chuyển thể nhân (lao động và chuyên gia lành nghề). 
 
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng tin tưởng rằng khi thực hiện có hiệu quả các biện pháp kết nối trên, hội nhập khu vực giữa Ấn Độ và các nước CLMV sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, tương xứng với tiềm năng sẵn có giữa Ấn Độ và các nước CLMV. 
   
Hội nghị Thương mại Ấn Độ - CLMV lần thứ V diễn ra trong hai ngày 21 và 22/5, với các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề “Công nghiệp chế tạo: Tạo cơ hội thông qua phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ”, “Nông lâm ngư nghiệp và các ngành công nghiệp liên quan – chia sẻ kinh nghiệm vì phát triển khu vực”, “Chăm sóc sức khỏe”, “Phát triển giáo dục, công nghệ thông tin và tay nghề”. Ngoài các phiên thảo luận chính, bên lề hội nghị còn có các phiên thảo luận song phương giữa Ấn Độ và từng nước CLMV. 
   
Quan hệ hợp tác Ấn Độ và các nước CLMV đã dần phát triển kể từ khi Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao với từng nước CLMV và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác vời ASEAN năm 1992. Ấn Độ với dân số khoảng 1,28 tỷ người và cả khối CLMV khoảng 174 triệu người, là nguồn lao động và là thị trường sức mua lớn đầy tiềm năng. Các nước CLMV cũng là cửa ngõ cho Ấn Độ thâm nhập thị trường ASEAN và các thị trường FTA khác mà các nước CLMV là thành viên; cũng như Ấn Độ là cửa ngõ cho các nước CLMV thâm nhập sang các nước Nam Á khác do tận dụng lợi thế và ưu đãi của Hiệp hội các quốc gia Nam Á vì hợp tác khu vực (SAARC). Lợi thế của Hành lang kinh tế Đông Tây của Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) là điều kiện thuận lợi để quan hệ hợp tác, thương mại Ấn Độ - CLMV tiếp tục phát triển trong thời gian tới. 
   
Năm 2017, tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt 6,7% với kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 743,1 tỷ USD; Campuchia đạt tăng trưởng 6,9% với kim ngạch thương mại hàng hóa 24,8 tỷ USD, Lào đạt tăng trưởng 6,9% với kim ngạch thương mại hàng hóa 8,7 tỷ USD, Myanmar đạt tăng trưởng 7,2% với kim ngạch thương mại hàng hóa 25,4 tỷ USD, Việt Nam tăng trưởng 6,81% với kim ngạch thương mại hàng hóa 426 tỷ USD. 
 
Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và các nước CLMV tăng trưởng nhanh trong những năm qua. Năm 2000, kim ngạch thương mại hai bên chỉ đạt mức 0,46 tỷ USD, năm 2004 tăng lên 4,97 tỷ USD và đến năm 2017, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Ấn Độ và cả khối CLMV tăng trưởng mạnh mẽ đạt mức 14,5 tỷ USD. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của các nước CLMV tại khu vực Nam Á./. 

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực