Nông dân làm giàu nhờ liên kết trồng cam VietGAP

Thứ hai, 08/01/2018 13:04
(ĐCSVN) – Với hơn 20,1 ha trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap được ngành nông nghiệp công nhận, đến nay nhiều hộ dân ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Bình là người tiên phong trong việc đưa cây cam về trồng tại Kiêu Kỵ - ảnh: HM

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả

Được biết đến là người đầu tiên đưa giống cam về trồng trên đất Kiêu Kỵ, đến nay ông Trần Văn Bình ở thôn Báo Đáp đã có 8 ha trồng cam theo quy trình VietGAP. Kể về cơ duyên đến với nghề trồng cam ông Bình cho biết, ông vốn là giáo viên dạy môn Địa lý ở Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên). Công tác lâu năm tại Văn Giang - nơi có truyền thống làm vườn giỏi, nhất là trồng cam quýt. Vốn có niềm đam mê làm nông nghiệp, năm 2006, ông Bình thuê 1 mẫu đất ở quê nhà Kiêu Kỵ trồng 500 gốc cam vinh và 200 gốc cam canh.

Thấy trồng cam có thu nhập khá, năm 2014, khi về hưu ông Bình có điều kiện tập trung chăm sóc và mở rộng diện tích trồng cam. Hiện, gia đình ông Bình đã mở rộng diện tích lên 8 ha để trồng cam vinh và cam canh.

Không chỉ là người mang giống cam về Kiêu Kỵ đầu tiên, trang trại cam nhà ông Bình cũng là hộ đầu tiên ở đây thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình chăm sóc cây, ông Bình đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trồng cam thân thiện với môi trường, như chỉ dùng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng, các loại thuốc vi sinh, thảo mộc để phòng trừ bệnh cho cây… Đặc biệt, nguyên tắc thu hoạch cam sau 2 tháng cách ly thuốc bảo vệ thực vật được ông thực hiện nghiêm túc để cam luôn đảm bảo an toàn.

Vì vậy mà cam của gia đình ông luôn đắt hàng, bán tại vườn lúc cao điểm giá thường dao động từ 45.000- 50.000 đồng/kg. Những cây cam trong vườn của gia đình ông có độ tuổi từ 2 đến 9 năm mang lại giá trị kinh tế cao. Bình quân mỗi năm gia đình xuất bán 100 tấn cam, thu về hơn 3 tỷ đồng.

Liên kết trồng cam VietGAP

Những năm gần đây, được hỗ trợ về kỹ thuật thâm canh nên cây cam cho hiệu quả kinh tế cao và là cây trồng chủ lực của nông dân Kiêu Kỵ. Đặc biệt, từ mô hình tiêu biểu của ông Bình, nhiều hộ nông dân ở Kiêu Kỵ đã mạnh dạn đầu tư trồng cam và có thu nhập cao. Ông Vũ Danh La – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiêu Kỵ cho biết: Nhiều năm nay, nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ lực là cây cam. Hiện, toàn xã Kiêu Kỵ có gần 200 ha diện tích trồng cam, tập trung nhiều nhất ở thôn Báo Đáp.

Xác định sản xuất an toàn là hướng phát triển bền vững cho cây cam nên từ nhiều năm nay, nông dân Kiêu Kỵ luôn đặt việc đảm bảo quy trình kỹ thuật lên hàng đầu. Nhằm xây dựng thương hiệu và hỗ trợ các hộ trồng cam ở Kiêu Kỵ, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác trồng cam VietGAP với hơn 38 thành viên ở thôn Báo Đáp tham gia. Trong đó, ông Trần Văn Bình là một trong những hộ tiêu biểu đi đầu và tích cực tham gia sinh hoạt tổ trồng cam VietGAP này. Chủ tịch Hội Nông dân Vũ Đình La cho biết.

Tham gia tổ hợp tác trồng cam VietGAP xã Kiêu Kỵ, các thành viên đã đóng góp trên 100 triệu đồng làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó, các thành viên cùng tham gia giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Hiện xã Kiêu Kỵ được ngành nông nghiệp công nhận 20,1 ha trồng cam VietGAP.

Xác định giống cam là cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, UBND huyện đã phê duyệt dự án đầu tư bê tông hóa các trục đường chính nội đồng, kéo đường điện trên các trục đường chính xuống đồng giúp người dân yên tâm sản xuất, ông La thông tin.

Gia đình anh Trần Thành Thương hiện có 3 ha trồng cam VietGAP đã cho thu hoạch chia sẻ: “Được ngành nông nghiệp Hà Nội tập huấn, người trồng cam chúng tôi thay đổi tập quán sản xuất cũ, tạo thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam VietGAP, vườn cam của gia đình tôi luôn được khách hàng tin dùng”.

Được biết, hiện Hội Nông dân TP Hà Nội và huyện Gia Lâm đang phối hợp tập trung xây dựng nhãn hiệu Cam Báo Đáp. Ngoài việc quy hoạch, mở rộng diện tích thâm canh, xây dựng mô hình trồng cam theo hướng VietGAP, các cấp Hội Nông dân đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân duy trì thực hiện các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực