Công khai danh tính thí sinh gian lận thi cử có thể tác động cực đoan

Thứ ba, 26/03/2019 14:28
(ĐCSVN)- Tại buổi họp báo định kỳ của Bộ GD&ĐT sáng 26/3, khi được hỏi "Bộ GD&ĐT có công bố danh tính các thí sinh liên quan tới gian lận thi cử của kỳ thi THPT quốc gia 2018 hay không?", Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh cho hay, việc công khai cần phải được cân nhắc đến nhiều yếu tố.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT). Ảnh: VA

Theo ông Mai Văn Trinh, quan điểm của Bộ GD&ĐT là không dung túng, bao che, làm quyết liệt. Việc xử lý cũng theo tinh thần đó. Việc công khai danh tính của các thí sinh phải tuân thủ theo Hiến pháp 2013, Luật Dân sự năm 2016 và đặc biệt căn cứ vào tình hình thực tiễn của cơ quan chức năng mà ở đây là Bộ Công an trong quá trình tiếp tục điều tra, xử lý sự việc. Do đó, việc công bố danh tính ở thời điểm nào, công bố đến đâu thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, có cân nhắc.

“Tôi rất chia sẻ tâm tư của dư luận, nhưng chúng ta phải tính nhiều yếu tố tác động của nó, trong đó không thể không tính đến những tác động cực đoan của các cháu”- ông Mai Văn Trinh nói.

Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, theo quy định của quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của kỳ thi THPT quốc gia 2018; được sử dụng thay thế kết quả do các hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 công bố trước đây để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018.

Cho đến thời điểm hiện tại, căn cứ kết quả điều tra tại công văn thông báo của Bộ Công an và của Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Sơn La, Bộ GD&ĐT đã thông báo tới các Sở GD&ĐT Hòa Bình, Sơn La yêu cầu cập nhật kết quả thi sau khi chấm thẩm định, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 cho các thí sinh liên quan; cập nhật kết quả chấm thẩm định lên hệ thống phần mềm quản lý thi; thông báo kết quả cho các thí sinh và các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên có liên quan.

Bộ GD&ĐT đồng thời yêu cầu các ĐH, học viện, trường ĐH và các trường CĐ, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) liên hệ chặt chẽ với các Sở GD&ĐT Hòa Bình, Sơn La để có thông tin về kết quả công nhận tốt nghiệp THPT sau rà soát, kết quả điểm thi tại công văn thông báo của Bộ Công an, của Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Sơn La để xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, 2018 và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan.

“Thực tế cho thấy, việc phối hợp này triển khai rất tốt, đảm bảo xử lý nhanh gọn, không làm ảnh hưởng tới các thí sinh khác” – ông Mai Văn Trinh cho hay.

Theo công văn chỉ đạo thì đến ngày 25/3, tỉnh Hòa Bình phải báo cáo kết quả cập nhật điểm thi nhưng đến thời điểm này (sáng 26/3), Bộ GD&ĐT vẫn chưa nhận được. Dù vậy, ông Mai Văn Trinh cho hay tỉnh Hòa Bình thực hiện khá nghiêm túc, khi có kết quả cụ thể sẽ thông tin tới báo chí.

Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, Bộ GD&ĐT phối hợp mở rộng điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận có tổ chức tại Hội đồng thi một số địa phương.

Kết quả điều tra cho thấy, đã phát hiện 44 thí sinh tại cụm thi Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Tại cụm thi Hòa Bình phát hiện 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố.

Sẽ có một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi

Cũng tại buổi họp báo, thông tin về Kỳ thi THPT quốc gia 2019, theo ông Mai Văn Trinh, sẽ được tổ chức như các năm 2017, 2018, tuy nhiên có một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc.

Cụ thể, điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi. Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đảm bảo phòng chống, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.

Tăng cường chỉ đạo các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Hệ thống phần mềm Quản lý thi và Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được hoàn thiện, đã tập huấn cho các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ và đã sẵn sàng hoạt động; công tác đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019 sẽ được bắt đầu từ 01/4/2019./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực