Giải pháp nào “đi tắt, đón đầu” trong Cách mạng công nghiệp 4.0 ?

Thứ năm, 24/01/2019 10:03
(ĐCSVN) - Con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải là công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao. Chính sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin sẽ góp phần thay đổi tư duy, hoạt động chính sách, tạo ra kỳ vọng "đi tắt, đón đầu" chưa từng có đối với Việt Nam.

 Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 15/1/2019. Có thể nói rằng, vấn đề tìm giải pháp “đi tắt, đón đầu” trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 (FIR) rất cần được coi trọng.

Việt Nam đã sẵn sàng tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0 (Ảnh minh họa: KT)

1. Về nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo giới chuyên gia, Việt Nam cần sớm đầu tư để chuẩn bị sẵn sàng một nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới theo tinh thần coi khoa học công nghệ là trụ cột chính của sự phát triển. Trong quá trình đào tạo, chúng ta không chỉ truyền tải tri thức mà còn phải dạy nâng cao trí tuệ và tính sáng tạo.

Việt Nam cũng cần thay đổi về chính sách đào tạo nguồn nhân lực từ cấp phổ thông đến đại học làm sao để tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao thích ứng với thời đại FIR. Trong xu thế đón đầu yêu cầu nhân lực của FIR, năm học 2019 nhiều trường không chỉ đưa ra nhiều ngành mới mà chương trình đào tạo truyền thống cũng được chuyển đổi theo hướng mô hình đào tạo chất lượng cao, sử dụng công nghệ số để đáp ứng yêu cầu chuẩn mực và hội nhập quốc tế.

Được biết, ở Mỹ đã cho ra đời Ủy ban Giáo dục các hệ thống thực - ảo thế kỷ XXI (CPS). Tại Đức, họ tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực lãnh đạo trong lĩnh vực CPS và các hệ thống AI. Hàn Quốc lại coi CPS là trọng tâm trong chính sách phát triển công nghệ thông tin và truyền thông.

2. Về hợp tác quốc tế

Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm từ những nước đang triển khai. Việc hợp tác sẽ giúp xử lý các vấn đề xuyên biên giới như an ninh mạng, giao dịch xuyên biên giới, hoạt động về thương mại, đầu tư quốc tế gắn với blockchain và fitech.

Theo đó, trong thời gian đầu, nhiệm vụ chính của Việt Nam không phải là phát minh hay sáng tạo, mà chính là cần phải học một cách hiệu quả, phải biết “mượn sức” của thế giới bằng việc liên kết, hợp tác với những doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới để phát triển. 

Một trong những vấn đề quan trọng là đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế, tạo ra một môi trường minh bạch, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển của các pháp nhân và thể nhân cả trong và ngoài nước.

Nhà nước cần định hướng khuyến khích lựa chọn một số lĩnh vực để nghiên cứu và ứng dụng trước như tài chính ngân hàng (thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, giao dịch chứng khoán…), y tế, giáo dục (đẩy lên một số chương trình đào tạo chuẩn, cấp chứng chỉ, bằng cấp), nông nghiệp (truy xuất hàng hóa, hỗ trợ thông tin dữ liệu làm chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng), logistic và robotic.

3. Về đổi mới tư duy

Để sớm nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn, Nhà nước cần có cách tiếp cận mới để giúp nền kinh tế có thể thích ứng một cách tốt hơn với FIR. Đó là giảm thiểu triệt để tư duy bao cấp, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, trong một chừng mức khác là hướng dẫn sự phát triển cho doanh nghiệp.

Cần sớm nhìn nhận, đánh giá blockchain là một xu thế, là nền tảng công nghệ có tính ưu việt để sớm tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng và triển khai. Chính phủ cần sớm hoàn thiện chiến lược quốc gia về ứng dụng FIR, trong đó có blockchain.

Theo tỷ phú công nghệ Jack Ma thì “Công nghệ blockchain có thể thay đổi thế giới nhiều hơn những gì chúng ta tưởng tượng”. Ở Hàn Quốc người ta đã cho xây dựng chiến lược phát triển công nghệ blockchain với vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD.

Theo dự báo của giới chuyên gia, năm 2019, blockchain sẽ bắt đầu vượt ra ngoài các khoản thanh toán và sẽ bắt đầu “tháo gói” các chứng khoán, các khoản vay và các sản phẩm tài chính phái sinh khác. Các công ty trên thế giới hiện đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của Tài chính phi tập trung (DeFi). Các nhà quản lý ở châu Á cũng đang cung cấp các hướng dẫn về các dự án blockchain và tiền mã hóa.

4. Về hành lang pháp lý

Nhà nước cần sớm tạo ra hành lang pháp lý mở đường cho ứng dụng và phát triển sáng tạo. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý ở tầm khu vực và quốc tế nhằm tránh sự mâu thuẫn với các hiệp định mà Việt Nam đã kí kết với các đối tác (CPTPP, hoặc các FTA).

Hiện các bộ, ngành đã có một số chính sách liên quan đến FIR mặc dù không trực diện nhưng cũng đã triển khai… Việt Nam cũng cần sớm có chính sách để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp sáng tạo và coi doanh nghiệp là trung tâm của sự phát triển. 

Chúng ta cũng cần rà soát lại chính sách hiện có để có thể tận dụng FIR; Tiếp tục đầu tư hoàn thiện 50 khu không gian làm việc chung, 40 vườm ươm và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp… Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ tài chính cũng cần đẩy mạnh; các ngân hàng thương mại cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ mới như AI, BigData và dịch vụ mới như Mobile Banking, Internet Banking, Livebank 247… để có thể phục vụ khách hàng mọi nơi, mọi lúc.

5. Về hệ sinh thái mới

Việt Nam cần tạo ra hệ sinh thái để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ tăng cường ứng dụng. Chính phủ cần sớm chỉ đạo để hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cá nhân dùng để xác thực bởi “muốn làm FIR, làm được blockchain thì phải có cơ sở dữ liệu” chung.

Cần tiếp tục xây dựng, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng về công nghệ và viễn thông, tăng cường an ninh mạng, đảm bảo an toàn và bảo mật cho người dân, cho khách hàng. Trước hết là chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin, internet, kết nối băng thông 4G, thí điểm 5G... 

Mặt khác, cần tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

Như vậy, tuy Việt Nam là quốc gia đi sau với các nguồn lực hạn hẹp, nhưng với việc dựa vào đổi mới sáng tạo như một lợi thế cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng, vì thế, chúng ta cần nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nhân tố khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao “hướng tới nền kinh tế tri thức”, nhất là đổi mới để thành “quốc gia sáng tạo”./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực