Hà Nội: Nhiều vướng mắc trong hoạt động chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

Thứ năm, 17/12/2015 11:35
(ĐCSVN) – Hiện nay, tại Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn, doanh nghiệp Khoa học công nghệ (DN KHCN) vẫn gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động phát triển như: Khó khăn trong giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả khoa học và công nghệ (KH&CN) tạo ra từ ngân sách nhà nước; vướng mắc trong xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị chứng nhận DN KHCN…

 

Ảnh minh họa: Nguyễn Nam

Còn nhiều vướng mắc

Theo Bộ KH&CN, hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực KH&CN. Đây là những đối tượng tiềm năng để được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) tính đến tháng 11/2015, cả nước có khoảng 180 doanh nghiệp KH&CN đã được cấp chứng nhận, trong số đó Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất.

Mặc dù vậy, số lượng doanh nghiệp KH&CN đóng trên địa bàn Hà Nội đã được cấp Giấy chứng nhận chưa xứng với tiềm năng. Theo Chiến lược phát triển KH&CN thành phố Hà Nội, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 150 doanh nghiệp KH&CN.

Chỉ tiêu này chỉ có thể đạt được bằng sự nỗ lực của các bên có liên quan, trong đó việc xây dựng, ban hành đồng bộ, kịp thời hệ thống văn bản chính sách đóng vai trò hàng đầu. Tiếp đó là việc thực thi các chính sách đã ban hành, nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách đã có và sự phối hợp giữa ngành KH&CN với các ngành khác cũng không kém phần quan trọng.

Theo bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng Phòng Công nghệ thuộc Sở KH&CN Hà Nội, quá trình tìm kiếm các doanh nghiệp KH&CN tiềm năng, thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp đủ điều kiện còn nhiều vướng mắc như: Việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả KH&CN tạo ra từ ngân sách nhà nước; Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị chứng nhận DN KHCN; Các chính sách hỗ trợ trước và sau khi được cấp chứng nhận…

Về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả KH&CN tạo ra từ ngân sách nhà nước: Một trong những điều kiện để được chứng nhận là DN KHCN là doanh nghiệp phải chứng minh được việc sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp kết quả KH&CN.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp có sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, tại thời điểm hiện tại, khó khăn vướng mắc nằm ở việc doanh nghiệp chứng minh là được quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu.

Theo thống kê của Sở KH&CN Hà Nội, đa số (26/30) DN KHCN được Sở cấp giấy chứng nhận đều thực hiện nghiên cứu bằng nguồn vốn của chính tổ chức đó hoặc được chuyển giao từ các tổ chức, cá nhân khác sau đó ươm tạo, làm chủ công nghệ và tự sản xuất dựa trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo; chỉ có 4/30 doanh nghiệp ươm tạo, phát triển công nghệ từ kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Đến thời điểm này, chưa có hồ sơ nào được gửi đến Sở KH&CN Hà Nội đề nghị, được chứng nhận DN  KHCN mà sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả của đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ, cấp thành phố.

Về xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị, chứng nhận DN KHCN: Doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn nhất định trong việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, nhất là việc giải trình quá trình nghiên cứu, ươm tạo và làm chủ công nghệ.

Đối với các kết quả KH&CN do doanh nghiệp tự bỏ tiền ra nghiên cứu, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chứng minh họ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu như: việc đánh giá, xác nhận kết quả giải quyết về mặt kỹ thuật, nhưng vẫn băn khoăn về quyền sở hữu…

Về chính sách hỗ trợ trước và sau khi được cấp chứng nhận: Tỷ lệ các DN KHCN được cấp giấy chứng nhận DN KHCN còn khá khiêm tốn. Một trong những lý do các DN KHCN tiềm năng chưa làm thủ tục đề nghị công nhận DN KHCN bởi họ chưa thấy được lợi ích của việc được công nhận. Ngay cả các doanh nghiệp đã được công nhận cũng gặp khó khăn nhất định trong việc được hướng dẫn để được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai và các ưu đãi khác, cũng như chưa có thông tin hoặc chưa được hỗ trợ kinh phí để tham gia các nhiệm vụ KH&CN ... Bởi vậy, các DN KHCN tiềm năng và các DN KHCN đã được Sở KH&CN Hà Nội cấp Giấy chứng nhận rất quan tâm đến các nhiệm vụ KH&CN, các chương trình và mong muốn được hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, trình tự, nội dung hồ sơ.

 Tạo điều kiện, công nhận DN KHCN

Theo đánh giá của các nhà khoa học,  mặc dù Nhà nước ban hành nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi nhưng các DN KHCN tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều khó khăn. Điều kiện chứng nhận DN KHCN thì hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phần mềm theo quy định của Luật công nghệ thông tin đáp ứng điều kiện công nhận DN KHCN.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất phần mềm được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp tương đương với DN KHCN. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, với những điều kiện còn dễ dàng hơn so với DN KHCN. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc đăng ký chứng nhận DN KHCN.

Trước thực tế như vậy, Hà Nội đã chỉ đạo Sở KH&CN Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, trường, viện nghiên cứu trên địa bàn rà soát lập danh mục các doanh nghiệp có tiềm năng đăng ký chứng nhận DN KHCN. Trên cơ sở danh mục các doanh nghiệp có tiềm năng, Sở KH&CN phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận.

Để hỗ trợ phát triển DN KHCN, đại diện cho Sở KH&CN Hà Nội, bà Lê Thanh Hiếu đề nghị, cần rà soát và bổ sung, hoàn thiện các văn bản liên quan đến DN KHCN cho phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và sát với thực tiễn, bổ sung quy định về kinh phí thẩm định hồ sơ cấp, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực, cấp lại Giấy chứng nhận DN KHCN. Đồng thời, tăng cường đối thoại chính sách giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương với các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vướng mắc, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển DN KHCN trên địa bàn Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, Thông tư số 15/2014/TT-BKHCN quy định về trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước tạo thuận lợi cho đơn vị chủ trì chủ động thành lập DN KHCN, liên kết thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng giao nhiệm vụ cho Cục Phát triển thị trường và DN KHCN tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho phát triển của thị trường công nghệ và DN KHCN.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực