Nhằm tiếp tục tăng cường gắn kết, thúc đẩy các hoạt động giữa Nhà trường – Doanh nghiệp, ngày 10/06, Trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT) đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác giữa Doanh nghiệp và Nhà trường lần thứ 4 với chủ đề “Rethink Strategy and Partnership” (Định vị lại chiến lược và đối tác trong giai đoạn mới).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, một trong những thế mạnh của Trường ĐHNT chính là sự năng động của môi trường đào tạo, tính thực tiễn trong chương trình đào tạo, việc kết nối chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp, đó làm nên “chất Ngoại thương” rất khác biệt, trong sự đa dạng và luôn luôn sáng tạo.
Phát huy thế mạnh là môi trường đào tạo năng động, sáng tạo và tích cực hội nhập quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương luôn xác định hợp tác doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển lâu dài của Nhà trường nhờ vào những triển vọng kết nối nguồn lực trong tương lai. Đặc biệt trong bối cảnh đổi mới cơ chế hoạt động, trong nhiều năm qua, Nhà trường luôn tích cực, chủ động trong việc mở rộng các mối quan hệ với các nhà đầu tư, các đối tác tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước với các mô hình hợp tác đa dạng, phong phú, hiệu quả và thiết thực.
|
PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐHNT phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: TH.
|
Trong đó, một số mô hình hợp tác thành công và hiệu quả giữa Doanh nghiệp và Nhà trường trong nhiều năm qua như: mô hình Doanh nghiệp và Nhà trường đồng giảng dạy; mô hình các cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên; mô hình hợp tác đào tạo trực tuyến với Doanh nghiệp, mô hình Trường Đại học ảo kết nối các cơ sở giáo dục đại học của nhiều quốc gia trong khu vực dựa trên nền tảng công nghệ số; mô hình chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp; mô hình đưa các môn học về công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào chương trình giảng dạy cho sinh viên; mô hình hợp tác với doanh nghiệp xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo mới có chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế...
PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định, các mô hình hợp tác vô cùng đa dạng, phong phú về nội dung cũng như cách thức triển khai. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, sự hợp tác và đồng hành 3 bên Doanh nghiệp - Nhà trường - Sinh viên sẽ cần được định hình, tư duy và thiết kế lại, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19 và trạng thái bình thường mới đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải thích nghi một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Xuất phát từ những thay đổi trong mục tiêu đào tạo là học tập suốt đời và chuẩn đầu ra phát triển kỹ năng phản biện và giải quyết vấn đề, kỹ năng thích ứng với những thay đổi, định hướng hợp tác giữa Nhà trường với Doanh nghiệp trong giai đoạn mới tập trung vào các nội dung sau: sự tham gia trực tiếp của Doanh nghiệp vào quá trình giảng dạy, thực hành, thực tập và đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ đào tạo cho sinh viên; sự tham gia của Doanh nghiệp vào xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; sự tham gia của Doanh nghiệp vào phát triển hệ sinh thái dành cho thế hệ trẻ; sự tham gia của Doanh nghiệp vào đẩy mạnh số hóa trường học; sự tham gia của Doanh nghiệp vào việc xây dựng và hình thành nền tảng hướng nghiệp cũng như chương trình đào tạo dành cho cựu sinh viên; sự tham gia của Doanh nghiệp vào việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo “vệ tinh” như Finntech, Digital Marketing, Data Science Analysis and AI.
Ông Huyền Minh, Trưởng Ban Truyền thông và Quan hệ đối ngoại (ĐHNT) nhấn mạnh, để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và Nhà trường hiệu quả, cần chú trọng kỹ năng nền tảng và nâng cao, để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các nhà tuyển dụng.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều định hướng hợp tác mới, có tính đột phá, sáng tạo cho giai đoạn mới, có thể kể đến như: chú trọng đào tạo cả bộ kỹ năng nền tảng và kỹ năng nâng cao trong đó có kỹ năng tư duy sáng tạo, chuyển đổi số, tự học, thích ứng và thay đổi, kết nối liên thông; xây dựng các chương trình đào tạo mới dựa trên mô phỏng thực tế, Doanh nghiệp và Nhà trường cùng chia sẻ thư viện học tập chung nhằm khuyến khích việc học tập suốt đời; phát triển mô hình truyền nghề cho sinh viên, xây dựng nền tảng đánh giá ứng viên dựa trên công nghệ số nhằm chia sẻ và sử dụng nguồn lực chung giữa Nhà trường và Doanh nghiệp. Qua đó, hướng tới các cam kết lâu dài, thực chất, sáng tạo và hiệu quả giữa Trường ĐHNT và Doanh nghiệp./.