Nông dân Gia Lai hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

Thứ hai, 30/10/2017 16:31
Những năm gần đây, nông dân Gia Lai hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, thông qua liên kết hình thành các cánh đồng lớn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp cây trồng phát triển bền vững, nâng năng suất, chất lượng sản phẩm tạo sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai góp đất xây dựng cánh đồng mía lớn.
Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai xây dựng 155 điểm mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 2.700 ha với 1.100 hộ tham gia tạo nên những vùng chuyên canh cây nông sản hàng hóa đặc trưng theo thế mạnh từng vùng đất. Ngoài ra, địa phương áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho hơn 9.000 ha cây trồng; trong đó, 5.000 ha cây rau màu, hơn 4.000 ha cây cà phê, hồ tiêu ứng phó hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu.

Điển hình vườn tiêu hơn 1 ha của gia đình anh Phan Hùng ở thôn Phú Quang, xã Ia Hrú một trong những mô hình điểm được huyện Chư Pưh xây dựng canh tác theo hướng bền vững sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGap kết hợp với hệ thống thống tưới nước tiết kiệm bằng béc phun mưa để tăng chất lượng vườn cây. Anh Hùng cho biết: Được cán bộ ngành nông nghiệp huyện trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc vườn cây bằng các chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, vườn tiêu của gia đình sinh trưởng ổn định và xanh tốt với đầy đủ cây che bóng mát và vành đai chắn gió.

Cùng với việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng lớn, nông dân Gia Lai chú trọng xây dựng mô hình kinh tế trang trại nhằm tiết kiệm chi phí, nâng năng lực cạnh tranh. Hiện trên địa bàn tỉnh hình thành gần 700 trang trại, mỗi trang trại có diện tích khoảng 3 ha, doanh thu bình quân đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, các Hợp tác xã nông nghiệp được tập trung chuyển đổi và thành lập mới đáp ứng nhu cầu, lợi ích của người nông dân. Hiện tỉnh có 32 Hợp tác xã chuyển đổi theo luật Hợp tác xã năm 2012 và 32 Hợp tác xã được thành lập mới.

Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, huyện Đăk Đoa cho biết: Hợp tác xã hình thành với mục tiêu là cầu nối mang lại lợi ích cho người nông dân. Qua triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây cà phê, nông dân phấn khởi, đồng tình với chủ trương liên kết.

Vì vậy, trước mắt tuy còn nhiều khó khăn nhưng đây chính là động lực để Hợp tác xã cố gắng vượt qua, mang lại niềm tin cho người dân. Trong tương lai, Hợp tác xã sẽ hướng đến mục tiêu hoạt động theo chuỗi giá trị từ việc cung cấp nguyên vật liệu đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đạt chuẩn, chất lượng cho đến ổn định sản phẩm đầu ra cho bà con.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế góp phần tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hai năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã chuyển đổi hơn 2.500 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây sử dụng ít nước và có hiệu quả kinh tế cao hơn như: ngô, rau, khoai lang, hoa, mía, bí đỏ, chăn nuôi…

Thực hiện trồng tái canh được gần 4.400 ha cà phê góp phần cải tạo nâng chất lượng vườn cà phê thay thế dần những diện tích già cỗi, kém năng suất, chất lượng.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch huyện Đức Cơ Trịnh Văn Thành cho biết: Huyện đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển các mô hình tưới nước tiết kiệm cho các loại cây trồng, chú trọng hướng đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước mắt, huyện đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020, bình quân mỗi năm mở rộng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 20 ha cà phê, 10 ha hồ tiêu (vốn của nhà nước hỗ trợ 50%) và tiếp tục chuyển đổi các diện tích lúa bị bồi lấp, thiếu nước tưới sang trồng một số cây: chuối và một số cây rau màu ngắn ngày chịu hạn khác như đậu đỗ, khoai lang, ngô… mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.

Chủ trương này đang được người dân đồng tình ủng hộ và đây sẽ là cơ sở để địa phương đẩy mạnh chuyển đổi trong thời gian tới thông qua các mô hình đã phát huy hiệu quả.

Phong trào nông dân đoàn kết hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững đang tạo ra làn sóng mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành mục tiêu hình thành cánh đồng lớn gần 4.000 ha cà phê, 5.000 ha mía, 5.000 ha sắn, hơn 3.500 ha lúa và 500 ha hồ tiêu… để chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả vùng nông thôn./.

Nguyễn Hoài Nam/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực