Cây đước tại Minh Hiển, Cà Mau (Ảnh: HNV)
Sai phạm liên quan tới KBT, VQG: Vì đâu nên nỗi?
Thực tế gần đây, các đề xuất dự án xây dựng đường giao thông trong Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, VQG Côn Đảo, Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Cần Giờ; hay cho thuê và chuyển đổi rừng để phát triển khu du lịch như tại VQG Phú Quốc, VQG Hoàng Liên Sơn, bán đảo Sơn Trà; khai thác khoáng sản và thủy điện tại hàng loạt khu bảo tồn (KBT) trên địa bàn cả nước đặt ra nhiều câu hỏi về mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như những quan ngại về tư nhân hóa nguồn tài sản công và chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên. Mẫu số chung của các dự án này là sự đánh đổi các giá trị tự nhiên và tài nguyên đa dạng sinh học phục vụ cho mục tiêu phát triển, hoặc đôi khi hãn hữu là núp dưới mục tiêu bảo tồn. Không phải là cá biệt, hàng loạt các vụ việc chuyển đổi mục đích sử dụng và cho thuê rừng đặc dụng đã được triển khai, đang được đề xuất, đã bị đình chỉ hoặc sẽ thành hiện thực trong tương lai đang đặt ra một câu hỏi lớn đối với việc bảo vệ tính nguyên vẹn của rừng đặc dụng.
TS Nguyễn Cử cho rằng, hiện nay, quản lý nhà nước về rừng đặc dụng được giao cho hai Bộ cùng thực hiện là Bộ NNN&PTNT cùng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), không tránh khỏi tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý, dẫn tới bất cập trong xử lý các vi phạm có liên quan.
Cũng theo TS Cử, có các quy định rất chi tiết về việc tuần tra, giám sát và thực thi pháp luật liên quan tới các KBT, VQG. Ở các VQG, KBT đều có các trạm bảo vệ phân bổ tùy theo diện tích quản lý (có thể dao động từ 2 đến 10 và thậm chí hơn 10 các trạm tùy theo diện tích cụ thể) cho nên rất khó xảy ra sai phạm mà không phát hiện kịp thời. Nếu làm đúng thì không bao giờ để xảy ra vi phạm. “Tôi nghĩ rằng bao nhiêu văn bản, quy định và kế hoạch liên quan tới KBT, VQG có lẽ chỉ trên giấy mà thôi” – TS Nguyễn Cử bày tỏ.
Thiết nghĩ, phải xem xét lại việc giám sát phát hiện các điểm nóng, tiến hành thay đổi, bổ sung lực lượng kiểm lâm cũng như đảm bảo nguồn tài chính bền vững, may ra chúng ta mới ngăn chặn tận gốc các vi phạm liên quan tới rừng đặc dụng, KBT trong đó có VQG.
Phân cấp lại quản lý, quy định nghiêm các chế tài xử phạt…
Một góc U Minh Hạ ở khu vực Đất Mũi, Cà Mau (Ảnh: HNV)
Theo TS Vũ Ngọc Thành, để đảm bảo tính bền vững của phát triển kinh tế và môi trường, đã đến lúc phải nghiêm túc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường từ các Dự án liên quan tới môi trường. Việc quy hoạch cũng như đánh giá tác động môi trường nhất thiết phải có sự tham gia của các chuyên gia về đa dạng sinh học cũng như các nhà khoa học lâm nghiệp.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Cử, phải phân loại đúng tính chất, đặc thù của từng loại hình rừng, đặc biệt là nắm rõ các quy định pháp luật về KBT, VQG, rừng đặc dụng… để thực hiện cho đúng, cho chuẩn xác. Cần thiết phải quy về một mối quản lý nhà nước về KBT, trong đó có các VQG.
TS Nguyễn Ngọc Lung khẳng định, chính sách sẽ có sự thay đổi liên tục để phù hợp với thực tiễn quản lý. Nhưng nhất thiết phải xiết chặt lại quy định chế tài về xử lý sai phạm trong đó có cả chế tài xử lý nghiêm minh với những người thực thi pháp luật mà còn vi phạm.
TS Nguyễn Văn Lung cho biết, cách đây khoảng 20 năm ít có các vi phạm liên quan tới rừng đặc dụng nói riêng và rừng nói chung. Vài năm trở lại đây, hiện trạng vi phạm gia tăng…Có thể lý giải hiện tượng này do giá trị kinh tế của rừng đang được nhận thức gia tăng, sức ép phát triển kinh tế dẫn tới chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và khai thác tối đa rừng. Thêm nữa, chồng chéo trong quản lý dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” nên thực trạng vi phạm càng ngày càng nghiêm trọng. Do đó, đã đến lúc phải quy về một mối quản lý tổng thể cũng như đưa ra các quy định phân cấp quản lý rõ ràng, chi tiết.
Đồng tình với quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Văn Nhị, nhận định thêm: quan trọng là cách tiếp cận, nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên. “Theo tôi, bảo tồn không có nghĩa là nhìn khu rừng nào cũng bảo tồn và giữ nguyên vẹn. Làm như vậy không tồn tại được. Phải hiểu rằng, bảo tồn ở đây có thể là bảo tồn nguồn gen, bảo tồn những sinh vật đang có thuộc diện quý hiếm, các nguồn gen độc lập hoặc tổng thể” – ông Hứa Văn Nhị nói.
Cũng theo ông Nhị, trong thực tế, chúng ta đã phải trả giá rất nhiều trong quá trình quản lý do “sợ quá mà cấm”. Bài học từ VQG Tràm Chim, rừng U Minh Thượng vẫn còn nguyên giá trị thời sự./.
Cả nước hiện có 30 VQG nhưng được giao cho nhiều cơ quan quản lý. Trong đó, 6 VQG thuộc Bộ NN&PTNT quản lý, 98 khu rừng đặc dụng khác thuộc cấp tỉnh quản lý lại phân cấp cho Sở NN&PTNT, có nơi lại giao cho Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch… (Nguồn: Tổng Cục Lâm nghiệp) |