Xuất khẩu hàng hoá tại cửa khẩu quốc tế Tân Thanh, Lạng Sơn (Ảnh: Đ.H)
Nhìn lại tiến trình, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu gồm 12 nền kinh tế tham gia đàm phán ở ba châu lục là châu Mỹ, châu Á và châu Đại dương (Ôtxtrâylia). Về phía châu Mỹ, các nước tham gia có các nước thành viên Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là Mỹ, Canađa, Mêhicô, cùng với Pêru và Chilê. Nền kinh tế lớn nhất trong TPP ở châu Á là Nhật Bản, tiếp đến là Malaixia, Việt Nam, Singapo, Brunây… Đầu năm 2017, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất trong khối TPP, chính thức tuyên bố rút khỏi hiệp định. Những nước còn lại mở lại các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương nhằm cố gắng duy trì những mục tiêu của hiệp định TPP (gồm 12 nền kinh tế ban đầu).
Nói đến NAFTA hay TPP, cũng cần nói đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP là một Hiệp định thương mại tự do (được khởi xướng giữa 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - ASEAN gồm Brunây, Campuchia, Inđônêxia, Lào, Malaixia, Myanma, Philipin, Singapo, Thái Lan, Việt Nam) và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Ốtxtrâylia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Dilân). Đàm phán RCEP chính thức bắt đầu từ tháng 11/2012 và hiện đã đến vòng đàm phán thứ 21.
Thuế quan giảm
Có thể nói, một trong những nội dung rất quan trọng của các hiệp định là vấn đề thuế quan. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thuế quan áp dụng cho Việt Nam dự tính sẽ giảm xuống mức thấp nhất theo các tình huống CPTPP và TPP, nhưng mức độ giảm giữa các tình huống có sự chênh lệch. Chẳng hạn, trong trường hợp thuế quan áp dụng cho Việt Nam, dự tính mức thuế quan thương mại bình quân gia quyền khi xuất khẩu sang các nền kinh tế CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Trong trường hợp nếu có TPP, mức giảm sẽ nhiều hơn (từ 4,2% xuống 0,1%), chủ yếu do lượng xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ lớn và các mức thuế quan hiện hành của Mỹ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam cao. Về thuế quan thương mại bình quân gia quyền của Việt Nam áp dụng cho các bên khác, trong CPTPP, mức giảm theo giả định sẽ giảm từ 2,9% xuống 0,1%, còn theo TPP sẽ giảm từ 3,2% xuống 0,1%. Trái lại, thuế quan đa phương sẽ vẫn cao trong trường hợp RCEP do đặt mục tiêu thấp hơn.
Dù có mức giảm lớn về thuế quan, nhưng các hàng rào phi thuế quan dự kiến sẽ đóng vai trò quyết định đối với vấn đề tiếp cận thị trường. Như vậy, CPTPP hay như TPP có mục tiêu lớn hơn về mức độ mở cửa thị trường so với RCEP. Theo đánh giá của WB, những hàng rào phi thuế quan áp dụng đối với Việt Nam tại các thị trường nước ngoài dự kiến sẽ giảm bình quân 3,6 điểm phần trăm (tính theo mức thuế theo giá trị) trong trường hợp CPTPP; 5,1 điểm phần trăm trong trường hợp TPP; và chỉ giảm 2,0 điểm phần trăm trong trường hợp RCEP. Các hàng rào phi thuế quan mà Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm tương ứng 2,9; 5,3 và 1,4 điểm phần trăm trong CPTPP, TPP và RCEP.
Việc cải thiện tiếp cận thị trường ở các ngành khác nhau là yếu tố ảnh hưởng đến việc phân bổ lợi ích giữa các ngành. Trong trường hợp CPTPP và TPP, thuế quan sẽ giảm xuống mức thấp nhất, và hàng rào phi thuế quan cũng giảm đáng kể giữa các ngành, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; nông nghiệp và toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ. Ngược lại, Việt Nam dự tính sẽ vẫn áp dụng các mức thuế quan đáng kể trong trường hợp RCEP, đặc biệt đối với hàng may mặc, hàng da; phương tiện vận tải; hàng dệt; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá. Tuy nhiên những hạn chế lớn nhất của RCEP sẽ đến từ các hàng rào phi thuế quan, theo đó Việt Nam sẽ có biện pháp bảo hộ đối với hàng hóa thương phẩm (thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, nông sản) và toàn bộ các ngành dịch vụ thương mại.
Nhìn chung, thay đổi các nước tham gia hiệp định và việc áp dụng các mức cắt giảm thuế quan, hàng rào phi thuế quan khác nhau là những yếu tố chính tạo sự khác biệt. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế của Việt Nam nhờ hội nhập sẽ đạt mức cao nhất nếu trong trường hợp TPP. Lợi ích dự tính đến năm 2030 sẽ là GDP tăng 3,6% so với 1,1% và 0,4% trong các trường hợp CPTPP và RCEP. Tác động lớn của TPP chủ yếu có được do tỉ trọng lớn về thương mại quốc tế giữa các đối tác, vì năm 2017 Mỹ chiếm tới 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên cũng có mức giảm lớn nhất về rào cản thương.
Trong trường hợp TPP, những ngành tập trung phần lớn lợi ích là: may mặc, hàng da; dệt may - chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Mỹ; nhưng trong trường hợp CTPPP và RCEP, những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp CPTPP là: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; dệt may - trong khi thực phẩm, đồ uống, thuốc lá sẽ là những ngành hưởng lợi nhiều nhất trong RCEP. Trong trường hợp CPTPP, sản lượng của một số ngành dịch vụ sẽ tăng. Nguồn cầu tăng do kinh tế tăng trưởng cao hơn và thu nhập tăng, cũng như mức cầu cao về các dịch vụ liên quan đến thương mại như vận tải, tài chính và các dịch vụ kinh doanh khác.
Tác động chuyển hướng thương mại
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu cũng như thay thế nhập khẩu. Theo dự báo của nhiều cơ quan chức năng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng bình quân 4,32% hàng năm, và thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa hơn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 sẽ đạt 311,1 tỉ USD so với mức ước tính 179,5 tỉ USD của năm 2017. Tỉ trọng theo quốc gia của hàng xuất khẩu của Việt Nam lớn nhất tính đến năm 2030 là Mỹ, chiếm 17,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là Trung Quốc với 13,2%. Tính theo khối, những nước thuộc nhóm thành viên RCEP sẽ chiếm 21,9%4, Liên minh châu Âu là 16,7% và các nước thành viên chung TPP-RCEP là 14,8%5. Quy mô xuất khẩu trong các hiệp định FTA được sẽ tăng lên. Chẳng hạn, trong trường hợp CPTPP tính đến năm 2030, lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 13,1 tỉ USD. Tương tự, xuất khẩu trong các kịch bản TPP và RCEP sẽ tăng tương ứng 59,2 tỉ USD và 11,2 tỉ USD.
Các hiệp định FTA thường có xu hướng làm tăng xuất khẩu sang các nước ký kết hiệp định. Chẳng hạn, trong CPTPP, tính đến năm 2030, xuất khẩu sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 lên 80 tỉ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; và dệt may, lần lượt là 10,1 tỉ USD; 6,9 tỉ USD; và 0,5 tỉ USD.
Trong trường hợp TPP, tính đến năm 2030, Mỹ sẽ tăng gấp đôi tỉ trọng nhập hàng xuất khẩu từ Việt Nam lên mức 37%, với mức tăng tuyệt đối 83 tỉ USD. Tương tự, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu sang các nước TPP khác ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ thêm 11 tỉ USD. Ngược lại, xuất khẩu sẽ giảm đối với Trung Quốc, giảm 8 tỉ USD, các nước thành viên RCEP khác giảm 13 tỉ USD, EU giảm 8 tỉ USD, các nước khác trên thế giới giảm 7 tỉ USD. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong trường hợp TPP, danh mục xuất khẩu giữa các ngành sẽ tập trung ưu tiên với ngành may mặc, hàng da khi ngành này tăng tỉ trọng trong tổng xuất khẩu thêm 14,7 điểm phần trăm, từ 21,3% lên 36% trên tổng mức xuất khẩu. Tính đến năm 2030, mức tăng tỉ trọng xuất khẩu này sẽ tương đương với tăng 54,4 tỉ USD xuất khẩu đối với ngành may mặc, hàng da.
Việt Nam có danh mục hàng hóa xuất khẩu đa dạng, cả về thị trường và lĩnh vực xuất khẩu so với các đối tác thương mại của mình. Trong trường hợp CPTPP, mức độ đa dạng hóa xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng vừa phải với mức độ tập trung xuất khẩu theo ngành tăng 6,5%, và mức độ đa dạng hóa xuất khẩu theo thị trường tăng 10,6%. Trái lại, kết quả nghiên cứu cho thấy TPP sẽ làm tăng mức độ tập trung xuất khẩu ở cả hai phương diện thị trường và ngành, lần lượt tăng 71% và 61%. Mức độ tập trung xuất khẩu tăng mạnh chủ yếu do xuất khẩu hàng may mặc được tập trung sang thị trường Mỹ.
Nhìn chung, tác động của CPTPP đối với Việt Nam trong dài hạn, lợi ích đạt được không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu. Đầu tư tăng nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP có thể làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ. Phản ứng này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và do đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, việc đầu tư tăng lên không phải là không đi kèm chi phí. Do vậy, Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn đầu tư nước ngoài thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định này.