Cứu hộ gấu chó sau 15 năm nuôi nhốt tại Tây Ninh

Thứ hai, 10/12/2018 18:27
(ĐCSVN) - Trưa 10/12, Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ thành công một cá thể gấu chó được sau 15 năm được nuôi làm cảnh tại một đơn vị tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Tổ chức Động vật Châu Á đã tình nguyện cứu hộ cá thể gấu này sau khi nhận được thông tin của một số thầy thuốc đông y tại địa phương mong muốn tìm nơi đảm bảo điều kiện chăm sóc gấu tốt hơn.

Gấu được chăm sóc và kiểm tra sức khỏe trước khi di chuyển về Trung tâm cứu hộ. (Ảnh: P.V)

Cá thể gấu cái ước chừng 50 kg, được nuôi nhốt trong khuôn viên một đơn vị sát biên giới Tây Ninh và Campuchia. Theo thông tin của đơn vị, cá thể gấu này đã được nuôi nhốt tại đây khoảng 15 năm từ khi là gấu con với mục đích làm cảnh. Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết đây là cá thể gấu chó cuối cùng được nuôi nhốt trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức Động vật Châu Á nhận được thông tin về cá thể gấu này thông qua một nhóm các thầy thuốc đông y tại Tây Ninh, đồng hành cùng dự án trồng và phổ biến các thảo dược thay thế mật gấu. Các thầy thuốc khi biết được thông tin về gấu, đã liên lạc với Tổ chức và mong muốn cá thể gấu này được cứu hộ. Rất may mắn, là đơn vị nuôi gấu và Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã tạo điều kiện tốt nhất để việc chuyển giao gấu diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, tuân thủ đúng quy trình.

Tổ chức Động vật Châu Á đặt tên cho cá thể gấu chó mới cứu hộ là Aurora (Cực quang phương Bắc), cô gấu được cứu ngay khi Giáng Sinh cận kề, với niềm tin việc trả tự do cho Aurora chính là biến một điều ước của gấu thành hiện thực. Các bác sỹ đã nhanh chóng khám sức khoẻ tại hiện trường khi gây mê cho gấu, về cơ bản, cá thể gấu có sức khoẻ tương đối ổn định, và có thể an tâm vượt hành trình dài 1500 km về đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Nhận định về sức khoẻ của Aurora, bác sỹ thú y Shaun Thomson,  quốc tịch New Zealand cho biết: “Chúng tôi tiến hành gây mê để đưa gấu lên xe vận chuyển. Quá trình gây mê cho gấu tốt, gấu ngủ nhanh và đã được khám sơ bộ khá kỹ. Gấu cũng được truyền nước để đảm bảo sức khỏe khi đi đường. Chúng tôi đã phát hiện thấy răng lợi của gấu có một số vấn đề nhưng không quá nghiêm trọng. Khớp khuỷu tay phải của gấu có khả năng là gấu bị viêm khớp. Bên cạnh đó, túi mật của gấu dường như có một viên sỏi nhỏ, nhưng sẽ cần được kiểm tra kỹ hơn bằng máy siêu âm lớn ở trung tâm. Nhìn chung, gấu khá hoạt bát và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng này của gấu khi về trung tâm.”

Đoàn cứu hộ sẽ di chuyển hơn 1.500 km từ Tây Ninh về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, dự kiến sẽ mất 5 ngày để gấu về tới vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay khi đưa về Tam Đảo, gấu sẽ trải qua 45 ngày cách ly trước khi được ghép nhóm và hòa nhập tại các khu bán tự nhiên. Hiện, có 178 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng và sống trong các khu bán tự nhiên của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Theo Cục Kiểm lâm Việt Nam, cả nước còn khoảng gần 800 cá thể gấu nuôi trong các trang trại, trong khi gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực