Hội thảo kỹ thuật góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp 2017 (Ảnh: HNV)
Hội thảo do Liên minh đất rừng (FORLAND) tổ chức với sự phối hợp của Trung tâm thiên nhiên và con người Việt Nam (Pan Nature), Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD), Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Vietnam).
Hội thảo lần này nhằm tạo điều kiện cho các đại biểu là các chuyên gia, các nhà quản lý về lâm nghiệp thảo luận và xác định các nội dung ưu tiên góp ý Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và một số chính sách liên quan bao gồm: Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng cho đối tượng hộ gia đình và cộng đồng; Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và vai trò giám sát thực thi chính sách, pháp luật lâm nghiệp của các bên liên quan; Quản lý rừng bền vững, thương mại gỗ, lâm sản và đảm bảo gỗ hợp pháp; Chính sách đầu tư phát triển, tài chính, chi trả dịch vụ môi trường rừng và tính công bằng về chia sẻ lợi ích.
Tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, Nghị định chỉ được quy định những nội dung mà Luật giao cho Chính phủ quy định, vì vậy, phải tính toán rất cụ thể về giải pháp để có thể quy định những nội dung cần thiết. Cách tiếp cận của Dự thảo Nghị định vẫn theo tư duy cũ, quá nặng về cơ chế Nhà nước làm tất cả mà chưa làm rõ được việc phải đổi mới để chi tiết hoá cách tìm động lực bảo vệ và phát triển rừng từ quyền hưởng dụng. Về mặt xã hội, Dự thảo Nghị định chưa quan tâm tới quyền, lợi ích và sức mạnh của cộng đồng dân cư địa phương trong chống lâm tặc, phòng và chữa cháy rừng, được tham gia vào chuỗi giá trị của rừng. Trước mắt, cần quan tâm vận động chính sách đối với hình thành khung chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp cũng như quyền và nghĩa vụ của các ban quản lý rừng…
Phân tích về Dự thảo Nghị định, PGS.TS Nguyễn Phan Thiết, Đại học Lâm nghiệp đánh giá, Dự thảo Nghị định đã bám sát luật và thực tiễn của lĩnh vực chế biến lâm sản đồng thời cố gắng cập nhật những vấn đề mới trong nước và thế giới. Tuy nhiên, cần làm rõ một số quy định về chính sách phát triển thị trường lâm sản, chính sách về chế biến lâm sản, về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và quản lý thương mại lâm sản...
Trong khi đó, theo TS Đoàn Diễm, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Dự thảo Nghị định chỉ hướng dẫn nguyên tắc “thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất”, không hướng dẫn thực hiện các nguyên tắc quan trọng khác. Nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia và trách nhiệm giải trình chưa có hướng dẫn hoặc hướng dẫn sơ sài. Hơn nữa, nguyên tắc ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong giao rừng, tôn trọng phong tục, tập quán, văn hoá tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng của cộng đồng dân cư DTTS chưa được đề cập...
TS Đoàn Diễm kiến nghị cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan tài nguyên môi trường cung cấp cho kiểm lâm các thông tin trong hồ sơ địa chính đối với diện tích đất lâm nghiệp; bổ sung việc cần thiết lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan và có biên bản họp dân để bảo đảm có sự đồng thuận của đa số người dân sống trong địa bàn và công khai phương án chuyển loại rừng được phê duyệt…
Tổng cục Lâm nghiệp đã thành lập Tổ soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, các Nghị định và Thông tư khác dưới Luật. Đến nay, sau Hội thảo quốc gia ngày 16/3/2018, Tổ soạn thảo đã chỉnh sửa lần 1 và đưa Dự thảo lần 2 ra lấy ý kiến các Bộ, ngành và nhân dân. |