“Cây no ấm” nơi vùng cao Văn Yên

Thứ hai, 24/04/2017 17:16
(ĐCSVN) - Được xác định là loại cây trồng chủ lực, những năm qua, đời sống đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Văn Yên (Yên Bái) đã có những bước chuyển biến tích cực nhờ nguồn thu từ phát triển cây quế. Văn Yên cũng đã trở thành vùng chuyên canh sản xuất quế hàng hoá lớn nhất trong cả nước.

 

Thu hoạch quế ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái). Ảnh MH.

 

No ấm nhờ cây quế

Nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có diện tích tự nhiên trên 139 nghìn ha, trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 75%. Với đặc điểm địa hình đồi núi cao, nằm trong vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng của cây quế, nên vùng quế Văn Yên được hình thành từ lâu đời, gắn liền với cuộc sống và thói quen sản xuất của đồng bào các dân tộc trong huyện.

Gia đình ông Triệu Tiến Bảo ở bản Khe Lợ từng được biết đến là hộ có diện tích trồng quế nhiều nhất xã Viễn Sơn (Văn Yên) với hơn 20 héc ta đất trồng cây quế. Theo phong tục tập quán của người Dao, khi các con lập gia đình, ông Bảo chia cho mỗi người con từ 2 đến 3 héc ta để làm vốn. Hiện vợ chồng ông Bảo còn lại hơn 5 héc ta quế.

Không chỉ chăm sóc và thu hoạch quế, gia đình ông còn làm đại lý thu mua quế cho bà con trong thôn, trong xã. Giá quế và thị trường tiêu thụ ổn định nên từ năm 2010 đến nay, năm nào gia đình ông cũng có thu nhập gần 200 triệu đồng. Ông Triệu Tiến Bảo cho biết: “Cây quế đem lại hiệu quả kinh tế cao nên ở bản Khe Lợ nhà nào cũng trồng quế. Trồng quế vừa khai thác được đất đồi rừng lại vừa có thu nhập, giúp mọi người có cuộc sống ấm no”.

Theo đồng chí Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, cây quế đã giúp hàng trăm hộ dân trong xã “đổi đời”. Với giá thu mua bình quân vào khoảng 38 nghìn đồng/kg vỏ quế khô; 2.000 đồng/kg lá, cành, ngọn; 1,2 triệu đồng/m3 gỗ quế (cây đốn hạ bóc vỏ thì thân làm tượng gỗ hoặc dùng để xẻ ván gỗ xuất khẩu) thì khi thu hoạch toàn bộ, mỗi ha quế sẽ mang lại cho người dân trên dưới 500 triệu đồng. Xã Viễn Sơn giờ có hàng chục triệu phú, tỷ phú nhờ trồng quế. Tiêu biểu như các ông Triệu Tiến Bảo, Triệu Quý Tài, Lý Tiến Thắng, Nguyễn Kin Hín, Bài Tài Chu…

Tính chung trên địa bàn toàn huyện Văn Yên, hiện có trên 40.000 ha chuyên canh sản xuất quế hàng hóa ở 27/27 xã, thị trấn của huyện. Bình quân mỗi năm, người dân trong huyện trồng thay thế vào diện tích quế đã được khai thác khoảng trên 1.000 ha. Cây quế không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn là loài cây che phủ rừng; có vai trò quan trọng trong cải tạo môi trường sinh thái. Điểm đặc biệt của cây quế so với các loại cây trồng khác, đó là trồng quế không chỉ thu vỏ mà thân gỗ cũng rất giá trị, có thể làm nhà, làm nguyên liệu giấy, làm tăm, giá bán từ 700 - 800 ngàn đồng/m3; riêng cành, ngọn, lá quế thì có thể sử dụng 100% để nấu tinh dầu quế.

Hiện nay mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô; cành, lá quế đạt khoảng 55.000 tấn; tinh dầu quế đạt gần 300 tấn; gỗ quế đạt 62.000 m3. Riêng năm 2016, nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên khoảng trên 540 tỷ đồng; góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ gắn bó với cây quế, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Văn Yên đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, hàng nghìn hộ cũng đã từng bước vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định nhờ cây quế.

Có thể nói, phát triển cây quế theo hướng sản xuất hàng hóa là một hướng đi đúng đắn, hiệu quả ở huyện miền núi Văn Yên nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái. Quế đã trở thành cây kinh tế chủ lực không chỉ của riêng Văn Yên mà còn trở thành sản phẩm nông - lâm sản mũi nhọn của tỉnh Yên Bái.

Đa dạng hoá các giải pháp hỗ trợ phát triển cây quế

Tìm hiểu được biết, trong các nhiệm kỳ gần đây, Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên luôn xác định cây quế là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Huyện uỷ Văn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các xã có biện pháp duy trì diện tích, sản lượng quế; khai thác phù hợp; bảo tồn nguồn gen quý của giống quế bản địa. Đồng thời, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong huyện cũng đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trên tinh thần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở thu mua quế vỏ, chế biến tinh dầu quế hoạt động.

Cụ thể, huyện Văn Yên đã có nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu quế ổn định, bền vững. Đi đôi với việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế, tập trung vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen có quý.

Tháng 1 năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Theo đó, Văn Yên sở hữu vùng quế lớn thứ nhất nước với giống quế được coi là tốt nhất, có chất lượng cao nhất.

Cùng với đó, thực hiện Đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, UBND huyện Văn Yên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn lựa chọn được 90 cây quế khỏe mạnh, sạch bệnh, đường kính thân trên 30 cm, chiều cao 15m trở lên ở các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm để bảo tồn nguồn gen. Ngoài ra, huyện còn bảo tồn 14 ha quế ở các xã: Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu để làm nguồn giống cung ứng cho kế hoạch trồng quế hàng năm. Địa phương cũng bước đầu xây dựng các chính sách hỗ trợ khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ rừng trồng sản xuất; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật; thành lập hiệp hội chế biến quế; đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ và cành, lá quế. Nhờ đó, đến nay, huyện có 12 nhà máy sản xuất với 13 dây chuyền chế biến tinh dầu quế; 16 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ, 9 hợp tác xã chế biến gỗ quế…

Đặc biệt, năm 2015, huyện Văn Yên tổ chức thành công Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ Nhất, qua đó thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các tổ chức, cá nhân, khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiệu ứng của Lễ hội Quế đã góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm quế, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Văn Yên. Đến nay, sản phẩm quế Văn Yên đã và đang khẳng định rõ vị trí tại thị trường trong nước; đồng thời bước đầu vươn ra một số thị trường nước ngoài như các thị trường: Mỹ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Mới đây, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định đưa Lễ hội Quế Văn Yên trở thành lễ hội thường niên. Đây không chỉ là một hoạt động văn hóa truyền thống, mang sắc thái riêng của huyện mà còn là cơ hội để gắn kết phát triển sản xuất, tiêu thụ, quảng bá thương hiệu các sản phẩm quế Văn Yên.

Với quyết tâm đưa quế trở thành “cây làm giàu” của đồng bào các dân tộc trong huyện, là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế địa phương, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện uỷ Văn Yên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, ổn định diện tích quế 42.000 ha, trong đó vùng trồng quế tập trung trên 25.000 ha tập trung tại các xã vùng chỉ dẫn địa lý của cây quế Văn Yên. Để hiện thực hoá mục tiêu này, huyện Văn Yên đang tập trung chỉ đạo duy trì diện tích trồng quế, đặc biệt là các vùng quế đã được chứng minh và cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý; quan tâm phát triển diện tích quế trồng trong vùng có thổ nhưỡng, khí hậu địa hình phù hợp, bảo đảm thực hiện trồng cây có nguồn giống tốt.

Đồng chí Vũ Quang Hải - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên chia sẻ: “Để nâng cao vị thế cây quế, huyện Văn Yên đã chỉ đạo các ngành, xã và vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cây quế. Bên cạnh đó, thành lập Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh quế Văn Yên để liên doanh, liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và bán quế. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động liên kết, liên doanh trong trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cây quế”.

Với sự quan tâm thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự chủ động của bà con vùng cao nói chung, hy vọng cây quế sẽ thực sự là “cây no ấm”, “cây làm giàu” của đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Văn Yên. Đồng thời, những sản phẩm quế Văn Yên sẽ có vị thế vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Và cây quế sẽ thực sự mang đến những mùa xuân no ấm, phát triển cho các bản làng ở huyện vùng cao Văn Yên./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực