“Đặc khu – thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công”

Thứ sáu, 18/05/2018 19:29
(ĐCSVN) - Tại Hội thảo “Đặc khu – thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công”, nhiều chuyên gia thống nhất nhận định: Phát triển mô hình Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt còn gọi là Đặc khu kinh tế sẽ thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp nhận tri thức, công nghệ mới, phương thức quản lý hiện đại,...

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh:M.P)

 

Hội thảo “Đặc khu – thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 18/5, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án Luật về Đặc khu kinh tế được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Dự án Luật đã được đóng góp ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện và sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5 này.  Đây là vấn đề mới và là vấn đề khó chưa có tiền lệ. Do đó, việc xây dựng bộ Luật cần phải tiếp cận theo hướng thận trọng, cạnh tranh, phải phù hợp với thông lệ quốc tệ là cần thiết, đảm bảo tính khả thi của Dự án. Đây là vấn đề mới đối với đất nước, do đó, trong quá trình thực tế nếu cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thì chúng ta lại tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa và bổ sung.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, việc phát triển các đặc khu kinh tế tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích, như: Tăng hấp dẫn trong thu hút nhà đầu tư lớn trên thế giới, tạo ra các phòng thí nghiệm để xây dựng và thử nghiệm chính sách mới,… Yếu tố quyết định thành công là tạo ra thể chế, chính sách thuận lợi, cung cấp được cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đáng tin cậy, môi trường kinh doanh hiệu quả, thuận lợi...

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến những ưu đãi về thuế, đất đai tại Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà rất chú trọng đến chính quyền tại Đặc khu, cơ chế chính sách, thủ tục cho các nhà đầu tư, các cam kết của Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh… Để xây dựng thành công Đặc khu kinh tế cần thu hút cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Do đó, việc xây dựng Luật Đặc khu cần hướng đến việc ổn định chính sách, minh bạch chính sách cũng như tạo môi trường bình đẳng.

Hiện nước ta đang xây dựng mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Việc phát triển 3 đặc khu kinh tế này thể hiện sự nhất quán, quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với việc xây dựng sân chơi mới, luật chơi mới, với thể chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. 

 

 

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực