Bà Rịa-Vũng Tàu: Thiếu nước mặn ở vùng nuôi tôm Phước Thuận

Thứ sáu, 15/09/2017 15:18
Hiện, vùng nuôi tôm tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc – vùng nuôi tôm lớn nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lâm vào cảnh thiếu nước mặn trầm trọng, khiến nhiều người nuôi tôm phải treo ao hoặc nuôi theo hình thức quảng canh, tôm lớn rất chậm, tỷ lệ hao hụt cao….
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

Ông Mai Văn Ngọc, người đã có 14 năm làm nghề nuôi tôm tại khu vực ấp Ông Tô, xã Phước Thuận cho biết, cách đây 3 năm hiện tượng thiếu nước mặn đã xảy ra nhưng năm nay là trầm trọng nhất. Độ mặn ở khu vực nuôi tôm Phước Thuận khi vào tới ao nuôi chỉ còn 2 - 3 phần nghìn; trong khi đó, độ mặn chuẩn để nuôi được tôm phải đạt 5 - 20 phần nghìn.

Gia đình ông Ngọc có 1ha nuôi tôm, với 4 ao nuôi, 2 ao lắng, do thiếu nước mặn nên ông phải treo 1 ao nuôi. Còn lại 3 ao nuôi thì 1 ao nuôi tôm sú, 2 ao nuôi tôm thẻ nhưng phải nuôi trong môi trường nước hầu như không có độ mặn và ông chỉ dám nuôi với mật độ tôm 20 - 30con/m2.

Không có nước mặn, việc nuôi tôm của gia đình gặp  nhiều khó khăn, tôm chậm lớn (nếu bình thường nuôi trong môi trường nước mặn tôm thẻ chỉ khoảng hơn 3 tháng thì cho thu hoạch, nay phải kéo dài đến hơn 5 tháng; đối với tôm sú bình thường nuôi 5 tháng thì nay kéo dài đến 7 tháng), tôm cũng rất dễ bị dịch bệnh do nguồn nước không đảm bảo. Tôm lớn lên trong môi trường nước ngọt cũng bị óp, nhẹ cân do thiếu canxi.

Anh Ngọc chia sẻ: “Nếu như trước đây, mỗi vụ gia đình tôi thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng/vụ, thì nay việc thiếu nước mặn khiến gia đình không những không có lời mà số nợ do nuôi tôm đã lên tới hàng trăm triệu đồng, người dân rất lo lắng, mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ người nuôi tôm chúng tôi”.

Không chỉ gia đình anh Ngọc, ông Nguyễn Thế Tuấn cùng ngụ xã Phước Thuận cũng trong tình trạng tương tự. Với diện tích 1,6ha nuôi tôm trong đó có 2 ao nuôi, hiện ông đang nuôi tôm thẻ chân trắng. Cũng rơi vào tình trạng không có nước mặn để nuôi tôm nên ông phải xử lý lại nước mặn còn lại của vụ trước để nuôi tôm, với chi phí lên đến gần 100 triệu đồng/vụ mà vẫn rơi vào tình trạng tôm bị bệnh do nguồn nước không đảm bảo độ mặn.

Ông Tuấn cho biết, khi thiếu nước mặn người nuôi tôm bắt buộc phải đánh hóa chất nhiều để xử lý môi trường nuôi, việc làm này về lâu về dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của con tôm thịt.

Theo Hội Nông dân xã Phước Thuận, toàn xã hiện có hơn 186ha diện tích nuôi tôm công nghiệp. Thời gian qua, nghề nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, việc lấy nước mặn vào ao tôm gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân thiếu nước mặn trầm trọng là do kênh dẫn nước mặn vào ao nuôi tôm cũng là kênh thủy lợi dẫn nước nông nghiệp từ hồ Sông Ray về. Mùa thả giống tôm lại trùng mùa xả nước phục vụ tưới tiêu cho lúa nên khi thủy triều lên nước mặn không vào được các hồ tôm.

Do nguồn nước không đủ, nhiễm bẩn nên rủi ro khi thả nuôi tôm cao hơn, ngư dân không mặn mà như trước. Hiện tổng diện tích thả nuôi giảm mạnh, chỉ còn 70-80ha trên tổng 186ha diện tích mặt nước.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Văn Thanh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện ngành nông nghiệp thường xuyên vận động hộ nuôi tổ chức các đợt nạo vét kênh dẫn, thoát nước nhằm bảo đảm nguồn nước sạch.

Thời gian qua đã có đoàn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về khảo sát tình hình thiếu nước mặn ở khu vực này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh đầu tư xây dựng dự án kênh dẫn nước mặn riêng từ biển vào vùng nuôi tôm Phước Thuận.

Tuy nhiên, hiện dự án vẫn chỉ ở mức trình UBND tỉnh. Trước tình trạng thiếu nước mặn trầm trọng, ông Hùng khuyến cáo các hộ dân nuôi tôm khi độ mặn đủ mới thả tôm giống nếu không việc nuôi tôm trong môi trường không đảm bảo, tỷ lệ rủi ro cao, người dân bị thiệt hại nặng về kinh tế./.

Hoàng Nhị/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực