TP. Cần Thơ chủ động tiếp cận các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản
đầu tư vào địa bàn. Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN).
Ngoài ra, TP. Cần Thơ còn tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến hợp tác đầu tư với Nhật Bản như: Khởi công Trung tâm ICT Innovation của Công ty Brainworks; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại và giao thương tại tỉnh Hyogo; gặp gỡ các tổ chức, nhà đầu tư Nhật Bản tại Hà Nội; đối thoại giữa chính quyền TP. Cần Thơ với các doanh nghiệp liên quan đến Nhật Bản...
Hiện có 6 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại TP. Cần Thơ, tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 12 triệu USD, chủ yếu trên các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ, sản xuất, công nghệ thông tin. Mặc dù dự án Nhật Bản đầu tư vào Thành phố còn khiêm tốn về quy mô và vốn đầu tư, chưa có dự án công nghệ cao, nhưng Cần Thơ rất kỳ vọng vào đối tác tiềm năng này.
Bà Lê Dương Cẩm Thúy - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, năm qua, Thành phố tổ chức 2 đoàn sang Nhật Bản. Hiện Thành phố đã kết nối được với nhiều địa phương của Nhật Bản. Đây là bước đệm để năm 2018 tạo ra những hợp tác mới tại cuộc gặp gỡ trong tháng 4 này và hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 8/2018. Để chuẩn bị cho công tác này, Thành phố đã chuẩn bị khu đất khoảng 30 ha và đang giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng thu hút nhà đầu tư Nhật Bản.
Bên cạnh các hoạt động trao đổi, xúc tiến đầu tư giữa Cần Thơ và các đối tác Nhật Bản thì dự kiến trong tháng 4/2018, TP. Cần Thơ sẽ khởi công 3 dự án là Dự án Nông trang kiểu mẫu, Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản và Dự án Trung tâm đổi mới công nghệ Nhật Bản. Trong đó, nổi bật là dự án Nông trang kiểu mẫu do trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ cùng Công ty VAIO (Nhật Bản) phối hợp thực hiện, lần đầu tiên được triển khai tại Cần Thơ.
Dự án sẽ xây dựng hệ thống đào tạo kỹ sư nông nghiệp cùng với thiết lập cơ sở để có thể nhanh chóng triển khai hệ thống nông nghiệp tổng hợp mà những nhà kinh doanh nông nghiệp Nhật Bản đang thực hiện. Cụ thể, hệ thống này bao gồm: Phương pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ, hệ thống làm lạnh trong lưu thông hàng hóa, kỹ thuật bảo quản đông lạnh, kỹ thuật thu hoạch ổn định hay cải tiến chất lượng sản phẩm.
Trong đó, Cần Thơ phụ trách việc tuyển chọn nhân lực nông nghiệp và Công ty VAIO phụ trách kỹ sư người Nhật và đào tạo kỹ sư nông nghiệp tại Nhật cho các sinh viên Việt Nam. Sau khoảng 2 năm đào tạo tại các trường nông nghiệp của Nhật Bản, các kỹ sư Việt Nam sẽ trở về làm việc cho dự án.
Đối với dự án Trung tâm ICT Cần Thơ do Công ty Brainworks thực hiện, trong thời gian đầu sẽ có 5 kỹ sư phần mềm chuyên nghiên cứu, thăm dò nhu cầu thị trường và có khả năng mở rộng ra với sự tham gia của hàng trăm sinh viên chuyên về IT. Việc thành lập Trung tâm ICT Innovation được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Cần Thơ.
Nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, TP. Cần Thơ đã xúc tiến thành lập Văn phòng Japan Desk tại Cần Thơ, với vai trò kết nối với các hiệp hội, các tổ chức để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá hình ảnh của Cần Thơ đến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản; hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Cần Thơ.
Ông Ichikawa - chuyên gia cố vấn cho Japan Desk Cần Thơ cho biết, Japan Desk sẽ tích cực hỗ trợ, tạo thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư mới từ Nhật Bản vào Cần Thơ và hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo nhận định của ông Ichikawa, với vị thế là trung tâm của vùng Tây Nam bộ, TP. Cần Thơ là đầu mối giao thương tốt nhất và cũng là nơi thích hợp nhất để đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp cơ khí, hạ tầng logistics cảng biển. Bên cạnh đó, Cần Thơ luôn có những chính sách cụ thể, giúp cho việc xúc tiến đầu tư thực chất và dễ thực hiện hơn so với các địa phương khác, do đó, được các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm./.