Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu): Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ năm, 05/04/2018 15:32
(ĐCSVN) - Xác định lĩnh vực du lịch, dịch vụ là ngành trọng điểm trong cơ cấu kinh tế của huyện Côn Đảo, nên trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kích thích sự tăng trưởng của ngành du lịch.

Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân huyện, năm 2017, Côn Đảo đã đón và phục vụ 243.934 lượt khách, đạt 146% kế hoạch năm, tăng 46% so với năm 2016, trong đó có hơn 31 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch thực hiện được 1.166 tỷ đồng, đạt 145% kế hoạch năm, tăng hơn 45% so với năm 2016. Kết quả trên đã vượt xa so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Côn Đảo lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra là phấn đấu đến năm 2020 huyện Côn Đảo sẽ đón 183 nghìn lượt khách du lịch.

Du khách viếng mộ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu tại Côn Đảo. (Ảnh: K.V)

Lượng khách du lịch đến Côn Đảo năm qua gia tăng mạnh mẽ như trên có một phần nguyên nhân là bắt đầu từ ngày 14/7/2017 Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang chính thức đưa vào khai thác chuyến tàu thương mại Trần Đề (Sóc Trăng) - Côn Đảo và ngược lại. Tàu có sức chứa 306 hành khách, vận tốc trung bình 26 hải lý/giờ, thời gian từ Sóc Trăng đến Côn Đảo và ngược lại trung bình khoảng 2h30 phút. Do đó, khách du lịch muốn đến Côn Đảo đã có thêm lựa chọn, ngoài việc đi bằng đường hàng không từ TP.Hồ Chí Minh hoặc TP.Cần Thơ ra Côn Đảo hay đi tàu khách từ TP.Vũng Tàu ra Côn Đảo.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Côn Đảo hiện có 27 tuyến tham quan du lịch, trong đó có 3 tuyến tham quan di tích lịch sử, 24 tuyến tham quan danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái và lặn biển; có 46 cơ sở lưu trú, với 921 buồng - phòng, sức chứa 2.361 người/ngày; có 7 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành, 3 công ty hoạt động dịch vụ lặn biển, ngắm san hô, 2 công ty kinh doanh dịch vụ taxi, 1 công ty kinh doanh taxi bằng xe điện với trên 50 đầu xe và khoảng 60 xe ô tô khách kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách tham quan trên đảo; ngoài ra, huyện Côn Đảo còn có hơn 20 phương tiện tàu, ca nô phục vụ vận chuyển khách tham quan trên biển và các hòn đảo nhỏ.

Cùng với đó, hệ thống nhà hàng ăn uống, cửa hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của du khách phát triển nhanh. Các cơ sở kinh doanh du lịch, nhà nghỉ, khách sạn đã quan tâm đầu tư cải tiến trang thiết bị, đổi mới cung cấp các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, năm qua công tác quảng bá giới thiệu thông tin du lịch Côn Đảo cũng được chú trọng. Nổi bật là việc Côn Đảo đã tham gia Hội chợ du lịch Quốc tế VITM lần thứ IV diễn ra từ ngày 6/4 đến ngày 9/4/2017 tại Hà Nội do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, TP.Hà Nội và Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức. Trong 4 ngày diễn ra Hội chợ, gian hàng du lịch Côn Đảo đã đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, tìm hiểu.

Năm qua trên địa bàn huyện Côn Đảo cũng diễn ra nhiều sự kiện lớn, thu hút đông đảo du khách, trong đó nổi bât là chương trình Cầu truyền hình trực tiếp “Linh thiêng Việt Nam” do Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh tổ chức và chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Tiếp bước cha anh” do tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ.

Hệ thống giao thông ở Côn Đảo (Ảnh: K.V)

Theo nghị quyết của Huyện ủy Côn Đảo, việc phát triển du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn duy nhất trong những năm tới, mọi hoạt động kinh tế của ngành sản xuất và dịch vụ khác trên địa bàn huyện đều nhằm mục tiêu phục vụ cho sự phát triển ngành du lịch Côn Đảo một cách hiệu quả và bền vững.

Theo đó, Côn Đảo sẽ phát triển du lịch theo nguyên tắc khai thác hợp lý, bền vững phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời chú trọng đến vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tài nguyên biển, rừng của Vườn Quốc gia, khu Ramsar, Khu di tích Quốc gia đặc biệt và các danh thắng, di tích văn hóa lịch sử của Côn Đảo. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh, đồng thời gắn kết với thị trường du lịch quốc tế. Phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng dân cư trên đảo, khắc phục tính thời vụ trọng hoạt động du lịch của địa phương; kết hợp hài hòa giữa du lịch, lịch sử, về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng với thu hút, khai thác đối tượng khách du lịch lưu trú dài ngày và có mức chi tiêu cao.

Đến năm 2020, Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo sẽ cơ bản đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng, mối quan hệ tương quan, liên kết, doanh thu, dịch vụ,…của một Khu du lịch quốc gia. Định hướng đến năm 2030, Côn Đảo trở thành Khu du lịch sinh thái biển – đảo và văn hóa – lịch sử – tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống, gắn liền với phát huy, khai thác bền vững các giá trị tài nguyên môi trường rừng, biển và các giá trị văn hóa – lịch sử của Côn Đảo.

Với lợi thế, tiềm năng sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích lịch sử cộng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, đã và đang phát huy hiệu quả trong việc thu hút ngày càng nhiều khách du lịch tới Côn Đảo tham quan, nghỉ dưỡng. Tin tưởng rằng trong năm 2018 và các năm tiếp theo, du lịch Côn Đảo sẽ thực sự cất cánh, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng Côn Đảo trở thành khu du lịch dịch vụ chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực