Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: K.V)
Trong đó, đã cấp mới 15 dự án với tổng vốn đăng ký 149 triệu USD và 9 dự án điều chỉnh vốn, tăng thêm gần 37,4 triệu USD. Các dự án cấp mới và tăng vốn đa số của các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...
Những dự án cấp mới có vốn lớn là: Dự án nhà máy sản xuất Chang Shin Việt Nam 100 triệu USD; Dự án công ty cổ phần SYF Việt Nam vốn đầu tư đăng ký 10 triệu USD; Dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Semba Tohka Việt Nam vốn đầu tư đăng ký 9,2 triệu USD.v.v…
Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 1.898 dự án với tổng vốn đầu tư 33,9 tỷ USD. Trong đó, số dự án còn hiệu lực là gần 1.400 dự án tổng vốn 28,7 tỷ USD. Các dự án đầu tư có vốn nước ngoài của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Được biết, Đồng Nai là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp dẫn đầu cả nước. Mới đây Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có Chương trình hành động nhằm thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tỉ trọng công nghiệp sẽ chiếm 53-54% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 20%. Tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp đạt 9%/năm.
Đồng Nai phấn đấu xây dựng một số cụm liên kết công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia và có năng lực cạnh tranh quốc tế. Trong giai đoạn đến năm 2030, Đồng Nai ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế tạo máy móc, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, ứng dụng điện tử, tích hợp kỹ thuật mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Sau năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, phổ cập công nghiệp kỹ thuật số, tự động hóa và công nghệ sinh học, vật liệu mới…/..