Hà Giang: Kết quả sau gần một năm triển khai phát triển kinh tế vùng động lực

Thứ sáu, 21/04/2017 14:44
(ĐCSVN) - Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Hà Giang đã xác định 5 huyện, thành phố gồm: thành phố Hà Giang, huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và huyện Bắc Mê thuộc vùng động lực trong phát triển kinh tế của tỉnh.


Phát triển cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Bắc Quang, Hà Giang.

Các huyện, thành phố vùng động lực có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện địa hình, kết cấu hạ tầng và có thế mạnh trong phát triển kinh tế cửa khẩu, các loại hình dịch vụ, du lịch, thủy điện, công nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản. Bên cạnh đó, trình độ dân trí và mức sống của người dân vùng động lực cũng cao hơn, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn so với các huyện còn lại…Vì vậy, vùng động lực sẽ góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh Hà Giang đã đặt mục tiêu xây dựng 5 huyện, thành phố vùng động lực (giai đoạn 2016 – 2020) trở thành vùng phát triển vượt trội về kinh tế, đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ để tập trung phát triển các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế; trong giai đoạn 2016 – 2020, vùng động lực sẽ từng bước hình thành các hệ thống đô thị, khu và cụm công nghiệp, các khu kinh tế, khu du lịch, các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng và các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung… Bên cạnh đó, mục tiêu của các huyện, thành phố vùng động lực là tập trung phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với chế biến; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; tập trung phát triển thương mại, dịch vụ du lịch và hạ tầng đô thị.

Sau gần một năm triển khai thực hiện (từ tháng 5/2016 – 4/2017), các huyện, thành phố vùng động lực đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình chuyên đề trong phát triển kinh tế chủ đạo của từng huyện; nổi bật là các chương trình phát triển rau an toàn trong nhà lưới và đẩy mạnh phát triển hạ tầng đô thị, du lịch sinh thái ở thành phố Hà Giang; chương trình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo qui mô trang trại ở huyện Vị Xuyên; phát triển và mở rộng diện tích cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Bắc Quang; đẩy mạnh sản xuất giống lúa chất lượng cao ở huyện Quang Bình; mở rộng qui mô phát triển nuôi cá lống trên lòng hồ thủy điện tại huyện Bắc Mê.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, kinh tế vùng động lực của Hà Giang vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế, đó là: Sự chuyển biến trong phát triển kinh tế vùng động lực chưa thật sự nổi bật; các mô hình phát triển kinh tế tại một số địa phương vùng động lực quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung; các dự án thu hút đầu tư chưa được quan tâm đúng mức; công tác lập quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội vùng động lực triển khai còn chậm…

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Để các huyện, thành phố vùng động lực thực sự là đầu tàu về phát triển kinh tế, hỗ trợ và giúp các huyện nghèo cùng phát triển, Tỉnh ủy Hà Giang đã thống nhất chủ trương cho phép các huyện, thành phố vùng động lực thí điểm tự chủ trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực; bên cạnh đó, các huyện, thành phố vùng động lực được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính. Sau năm 2017, Tỉnh ủy Hà Giang sẽ tổ chức đánh giá để triển khai nhân rộng trong những năm tiếp theo; đồng thời sẽ bổ sung các giải pháp tổng thể để kinh tế vùng động lực phát triển bền vững hơn…/.

Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực