Hướng FDI vào ngành phụ trợ

Thứ năm, 17/06/2010 09:49

Thông tin về việc Tập đoàn Hàng không vũ trụ và Phòng thủ châu Âu (EADS) lập khu công nghiệp hàng không vũ trụ tại Đà Nẵng được nhiều người nhìn nhận là hướng phát triển cho các cụm công nghiệp ở Việt Nam.

Khi tới Đà Nẵng, lãnh đạo EADS đã cho biết, với việc lắp ráp, sản xuất các sản phẩm, linh kiện, cấu kiện máy bay thương mại, máy bay trực thăng..., Tập đoàn sẽ kéo theo nhiều dự án công nghiệp, công nghệ khổng lồ khác đầu tư vào Đà Nẵng. Đương nhiên, đó sẽ là những dự án phục vụ cho lĩnh vực chính của EADS, đảm bảo được các yêu cầu của Tập đoàn này về công nghệ, chất lượng cũng như những điều kiện khác theo tiêu chuẩn thống nhất mà EADS đã xác định cho các sản phẩm của mình.

Như vậy, có thể thấy, sau khi EADS khởi động dự án, Đà Nẵng sẽ là điểm đến của nhóm doanh nghiệp (DN) phục vụ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Các DN trong lĩnh vực dịch vụ cũng có thể sẽ nối tiếp bước chân của DN đầu tàu này, nối dài chuỗi giá trị mà các DN lớn đưa đến. Câu chuyện thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ cao của Đà Nẵng đang "xuôi chèo, mát mái" sau sự xuất hiện của EADS.

Vị trí của EADS được nhìn nhận như một công ty đầu tàu, có sức hấp dẫn lớn đối với các DN trong chuỗi giá trị. Tại Hội thảo "Duy trì tăng trưởng cao và bền vững cho Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020" vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế Đông Á và ASEAN (ERIA) tổ chức, ông Đinh Văn Ân, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban điều hành ERIA đã nhận định rằng, việc lựa chọn thu hút các tên tuổi lớn nên là cách đi trong chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới nhằm phát triển liên kết ngành xung quanh các công ty đa quốc gia.

"Khi các chính sách ưu đãi gắn với các nhà đầu tư cam kết tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đào tạo kỹ năng cho người lao động, bảo về môi trường, các công ty đa quốc gia có kế hoạch liên kết với các DN trong nước về tiêu thụ, cung ứng sản phẩm để tạo cơ sở hình thành chuỗi giá trị, thì dòng vốn FDI sẽ được dẫn tới các ngành, vùng cần vốn một cách chủ động mà không gây tác động tới môi trường kinh doanh chung", ông Ân phân tích. Điều quan trọng là, sự chủ động này sẽ tạo điều kiện để sự lan toả trong hoạt động của khu vực FDI, đặc biệt là hiệu ứng tràn công nghệ, tới được các DN công nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, xem ra cũng phải đặt thêm các điều kiện đủ để các kế hoạch của EADS cũng như việc tạo dựng các cụm công nghiệp, ngành công nghiệp phụ trợ tại Đà Nẵng đảm bảo đúng tiến độ.

Trong nghiên cứu của ERIA về phát triển cụm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam được thực hiện vào năm 2009, Đà Nẵng cũng được chọn là một địa điểm để nghiên cứu, với hàng loạt điểm thuận lợi, từ vị trí địa lý, điều kiện cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất... Tuy vậy, trong 14 câu hỏi đặt ra trong các nhóm vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng cứng, nguồn nhân lực và điều kiện sống, có tới 10 câu trả lời được các DN liệt vào hạng cần phải cải thiện. Các DN hiện hoạt động tại các khu công nghiệp ở đây cho rằng, họ cần thêm đường từ Lao Bảo tới Đà Nẵng; đường cao tốc nối Dung Quất với Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị...; cần hệ thống cảng nước sâu và hệ thống giao thông đường sắt nối cảng với các khu công nghiệp, xây dựng cảng Liên Chiểu... Đặc biệt, nguồn nhân lực có đào tạo và nguồn nhân lực cấp cao được xác định là điểm yếu nhất của môi trường kinh doanh Đà Nẵng. Nhìn vào thời điểm khởi động dự án vào năm 2011 mà Tập đoàn EADS đưa ra, có thể thấy, rào cản cho các kế hoạch lớn và dài hạn của tập đoàn này không hề nhỏ.

Cũng phải nhắc lại rằng, nguồn nhân lực có đào tạo là lấn cấn lâu nay của các DN lớn của Nhật Bản như Canon trong vị trí là các DN đầu tàu kéo các DN phụ trợ trong nước và nước ngoài khác tới Việt Nam. Bên cạnh đó, năng lực của chính các DN Việt Nam chưa đạt chuẩn quốc tế cũng khiến cơ hội để các thương hiệu lớn đưa DN Việt Nam tham gia chuỗi toàn cầu rất khó khăn, dù họ thực tâm muốn thực hiện.

Đặc biệt, GS. Trần Văn Thọ (Trường đại học Waseda, Nhật Bản) cũng nhắc tới những thay đổi của môi trường kinh doanh tại các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, như một trong những điều kiện thuận cho chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Hiện nay, chi phí tiền lương ở vùng Hoa Nam Trung Quốc đang có xu hướng tăng rất rõ ràng, nên trong vòng 3 năm tới, các DN Nhật hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có mức thâm dụng lao động cao ở khu vực này sẽ bị dồn vào thế bí. "Việt Nam đang có cơ hội để lựa chọn và thu hút các DN Nhật Bản này, nếu có được những khu công nghiệp dành cho các lĩnh vực sản xuất linh kiện, bộ phận, vật liệu trung gian các loại. Điều quan trọng là, Việt Nam cần xác định những lĩnh vực khuyến khích để có chính sách nuôi dưỡng thích hợp", ông Thọ đề xuất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực