Kinh tế tháng 5 đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ

Thứ tư, 03/06/2020 09:45
(ĐCSVN) – Tác động của dịch bệnh COVID-19 đã khiến kinh tế thế giới trong đó có nước ta không tránh khỏi những “cú sốc” đầy khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, do quá trình kiểm soát dịch khá tốt của Chính phủ, sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, kinh tế nước ta đang có dấu hiệu hồi phục nhẹ, từng bước khởi sắc.

Sản xuất có dấu hiệu phục hồi tuy còn chậm 

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5/2020 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát nhưng tốc độ tái đàn chậm; dịch COVID-19 đã được cơ bản khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn với nước ta gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu nông sản. Sản xuất lâm nghiệp và thủy sản trong tháng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm.

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam.

Vụ lúa đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 3.025,5 nghìn ha, bằng 96,8% năm trước (giảm 98,7 nghìn ha), trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.097,5 nghìn ha, bằng 98,2% (giảm 19,6 nghìn ha); các địa phương phía Nam đạt 1.928 nghìn ha, bằng 96,1% (giảm 79,1 nghìn ha).

Thu hoạch lúa tại Nam Định. (Ảnh: Mai Chiến) 

Mặc dù tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nhưng ngành nông nghiệp đã có các biện pháp phù hợp như điều chỉnh lịch thời vụ gieo trồng sớm hơn hoặc chủ động chuyển đổi, cắt giảm diện tích đối với vùng có nguy cơ bị tác động của hạn, mặn; vận hành đồng loạt hệ thống thủy nông để ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả; sử dụng các loại giống lúa ít nhiễm sâu bệnh, cho năng suất cao nên năng suất lúa đông xuân năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ 2019.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm vì chi phí đầu tư lớn, giá con giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp không thể khôi phục sản xuất, các hộ có đủ điều kiện lại thận trọng do tâm lý lo ngại dịch quay trở lại. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước tính trong tháng 5 đàn trâu của cả nước giảm 2,1% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò tăng 3,7%; đàn lợn giảm 6,2%; đàn gia cầm tăng 11,5%.

Sản xuất lâm nghiệp tháng 5/2020 có dấu hiệu phục hồi nhưng còn gặp khó khăn do xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng giảm. Bên cạnh đó, thời tiết ở nhiều tỉnh miền Bắc bắt đầu nắng nóng ảnh hưởng đến hoạt động trồng rừng vụ xuân hè. Trong tháng 5, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 25 nghìn ha, giảm 3,8% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 84,8 nghìn ha, tương đương với cùng kỳ 2019. 

Sản xuất thủy sản tháng 5 bắt đầu được hồi phục, tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm thủy sản chế biến tồn kho nhiều làm giá thu mua nguyên liệu thấp. Sản lượng thủy sản tháng 5 ước tính đạt 797,5 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ 2019. Tháng 5 là thời điểm đang vào vụ cá Nam, giá nhiên liệu giảm sâu là điều kiện tốt cho bà con ngư dân bám biển nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tiêu thụ sản phẩm có xu hướng giảm, làm giảm doanh thu của ngư dân. Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.043 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019.

Trước tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1%, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 ước tính tăng 11,2% so với tháng trước và giảm 3,1% so với cùng kỳ 2019, trong đó ngành khai khoáng giảm 13%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%; riêng ngành khai khoáng giảm 8,1%. 

Đăng ký doanh nghiệp khởi sắc

Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đăng ký doanh nghiệp trong tháng 5 có sự khởi sắc, cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 48,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 10,5% so với cùng kỳ 2019, tuy nhiên số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.

Xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. (Ảnh: PV) 

Trong tháng 5/2020, cả nước có 10.728 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 112,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 91,5 nghìn lao động, tăng 36,1% về số doanh nghiệp, tăng 20,1% về vốn đăng ký và tăng 27% về số lao động so với tháng 4/2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,5 tỷ đồng, so với tháng 4 và so với cùng kỳ năm 2019 cùng giảm 11,7%. Trong tháng, cả nước còn có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7% so với tháng trước và tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 48,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 557,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 407,2 nghìn lao động, giảm 10,5% về số doanh nghiệp, giảm 16,7% về vốn đăng ký và giảm 24,2% về số lao động so với cùng kỳ 2019.

Bên cạnh đó, còn có 21,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,5% so với 5 tháng đầu năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng lên 70 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Một số tín hiệu tích cực khác cũng báo hiệu sự hồi phục nhẹ, từng bước, trong đó, thu hút FDI mặc dù giảm nhưng số vốn đăng ký dự án mới tăng. Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất, tiếp đến là: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Quần đảo Cay-man...

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm có 60 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 161,9 triệu USD; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 18,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng đạt 180,7 triệu USD, bằng 98,7% cùng kỳ 2019.

Tháng 5 cũng là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng 4 nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ 2019.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của nước ta gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ 2019, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7%; nhập khẩu đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng ước tính tiếp tục có mức xuất siêu 1,9 tỷ USD.

Có thể thấy, dấu hiệu hồi phục nhẹ của kinh tế nước ta đã và đang xuất hiện nhưng khó khăn, thách thức sẽ vẫn là xu hướng chủ đạo vì tình hình suy giảm chung của kinh tế toàn cầu. Hy vọng, dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm được kiểm soát trên thế giới để việc tập trung khôi phục lại sự phát triển kinh tế hiệu quả và an toàn hơn./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực